Chuyến xe buýt đường dài từ Rotterdam đến Berlin thưa khách, nên mỗi người chiếm hẳn vài ghế. Có lẽ các công ty vận tải ở Liên minh Châu Âu được nhà nước trợ giá nên mới có thể giữ mình tránh khỏi phá sản. Ơn Trời là cũng vì thế mà tôi thoát khỏi cái viễn cảnh tưởng tượng dưới bến xe: Chịu đựng một ông tây khổng lồ lạ hoắc hay một cô gái tóc vàng săm trổ đầy mình ngồi kè kè bên cạnh cả đêm khiến tôi chẳng dám đụng cựa. Tôi bắt đầu ngủ ngon lành.
1.Không có gì sung sướng bằng cảm giác ngoài trời tuyết lạnh cóng đến tận chân răng và đêm đen bí ẩn mịt mùng giăng phủ qua những cánh đồng sương giá xa lạ, mà tôi được ngồi đây, lọt thỏm trong một cái xe đang lăn bánh êm ru trên đường, trong bóng tối ấm áp bao phủ lên mi mắt nặng trĩu. Tôi ngủ say như chết. Đúng lúc đó thì bác lơ xe người Hà Lan hô to một tràng giật bắn mình. Trong cơn tỉnh thức chỉ nghe loáng thoáng “Deutschland… Polizei…”*. Rồi đèn điện trong xe bật lên sáng choang. Vậy là xe đã sang đến địa phận nước Đức. Hai cảnh sát Đức cao lớn mặt mũi xấu xí, ánh mắt lạnh như tiền bước lên xe. Giọng nói của họ vô cảm: – Passport.
Tôi ngồi hàng ghế đầu nên là người đầu tiên bị kiểm tra. Tôi rút hộ chiếu ra khỏi túi. Mắt cay sè hầu không mở nổi. Tay cảnh sát lật kỹ từng trang trong hộ chiếu rồi điềm nhiên đứng đọc trước bộ dạng lôi thôi của tôi, trong khi gã thứ hai xuống dưới để kiểm tra những người khác. Không có vấn đề gì nghi vấn đối với hộ chiếu, gã trả lại cho tôi, không một câu lịch sự, không một từ “Madam” như thường thấy ở ngay cả ông bán hoa quả đứng chợ trời Châu Âu. Trước giờ đi qua biên giới đường bộ giữa các quốc gia nằm trong khối Schengen, chưa lần nào tôi bị kiểm tra hộ chiếu. Điều này chỉ phát sinh từ sau những cuộc khủng bố đánh bom liên tiếp của IS nhằm vào Berlin trước đó. Có lẽ không riêng gì Đức mà nhiều quốc gia khác cũng đã bắt đầu phải rà soát những vùng biên nước họ. Tôi đã bị kiểm tra kỹ như vậy nhưng mấy anh chàng thanh niên da trắng ngồi bên dưới còn bị soi khiếp hơn. Họ bị lục túi, bị vặn vẹo các câu hỏi. Một cậu trẻ tuổi gầy gò lúng búng chỉ tay về phía cuối xe, chắc bảo “Bạn tôi đang giữ nó”, mắt cậu díu lại đến ba phần tư, chỉ mở được phần khóe mắt, đầu tóc bù xù trông đến tội nghiệp. Khổ, cả xe đều đang ngủ tì tì trong giấc mộng vàng, giờ bị dựng cổ dậy hoạnh hoẹ như tội phạm. Hai cảnh sát kiểm tra rất lâu rồi mới xuống xe, may mà xe vắng khách, không thì mắc công chúng tôi chờ cả tiếng. Họ chào bác tài xế và bông đùa vài câu. Lúc này mới thấy cả hai nở nụ cười. Xe lại tắt đèn, bon bon qua các cánh rừng vô danh và cả những lâu đài bỏ quên mà tôi nghĩ chúng nằm đâu đó trong bóng tối.
Tác giả trước cổng Brandenburg. |
2.Sáng hôm sau, đúng 7 rưỡi xe đã có mặt ở bến. Vậy là chúng tôi đi mất 11 tiếng, đến sớm cả giờ đồng hồ. Theo kế hoạch thì vợ chồng anh Chiến, chị Mai sẽ ra bến xe đón chúng tôi, nhưng xe đến sớm lúc họ còn đang ngủ. Vợ chồng chị Mai sống cách Berlin cả vài trăm cây số nhưng quý bạn nên anh chị và hai đứa con lặn lội lên tận Berlin để đón. Nghe điện thoại, họ bật dậy và chỉ một lúc sau đã có mặt ở bến xe. Sau hơn 20 năm định cư ở Đức, vợ chồng anh chị có một nhà hàng, dù công việc vất vả tối ngày nhưng ấy là sự phát đạt đáng mừng của một người Việt ở hải ngoại. Phi thương bất phú, số người Việt sống được bằng những công việc tri thức ở trời Tây đã ít, làm giàu và phong lưu được từ tri thức lại càng đếm trên đầu ngón tay. Có nhà thiết kế thời trang danh tiếng sang sống xứ người bắt đầu lại từ đầu bằng công việc sửa áo quần cho khách, có nhạc sĩ phải đi đưa bánh pizza, có diễn viên phải rửa bát ở nhà hàng, có nhà khoa học phải đứng bán quần bò ngoài chợ. Những người có thể sử dụng bằng cấp của mình để đi xin việc và được chấp nhận ở những hãng lớn hoặc được nghiên cứu tại các Viện hàn lâm, giảng dạy ở trường đại học thực không nhiều. Bù lại, những người phải làm công việc nặng nhọc hơn cũng được hưởng phúc lợi không hề nhỏ từ những ngân quỹ khổng lồ của các quốc gia nhân hậu và hào phóng: Được miễn phí giáo dục và y tế, được trợ cấp thất nghiệp, chưa kể một môi trường trong lành không ô nhiễm và thực phẩm an toàn hầu như tuyệt đối.
Vợ chồng anh Chiến, chị Mai có vóc dáng của những người đã lăn lộn qua đủ mọi nghề. Đúng lúc công việc của họ tưởng chừng đã ổn định thì anh Chiến phải chạy thận nhân tạo. Việc chạy thận này có nhiều kỳ lạ. Nếu như nó là cơn ác mộng về tài chính đối với bất cứ ai ở Việt Nam không may dính phải căn bệnh nan y này thì ở nước Đức, anh Chiến được miễn phí chữa trị hoàn toàn, được phát thuốc không mất tiền và được xe của bệnh viện… đưa đi đón về. Nhưng cũng chính vì sự bác ái của Chính phủ Đức mà vô tình anh thành ra “tù nhân” của nước Đức. Ấy là vì vĩnh viễn từ giờ cho đến ngày hết nhìn thấy bầu trời, anh không thể trở về đất mẹ được nữa. Tất cả các bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều có chung một số phận là phải gắn liền với cỗ máy. Rời khỏi nó thì họ chết. Mà cách ngày phải chạy thận một lần nên thậm chí anh Chiến còn không thể đi ra khỏi thành phố nơi mình sinh sống quá hai ngày.
Tuy nhiên, Chính phủ Đức cũng cố gắng tránh để lòng tốt của mình bị lạm dụng. Nhiều cặp vợ chồng sống chung với nhau lâu ngày nhưng nhất định không cưới (đăng ký kết hôn), lý do là vì nếu vẫn còn độc thân thì mỗi người sẽ được phân một nhà, vậy là một nhà để ở chung, một nhà cho thuê. Đăng ký kết hôn rồi thì coi như hai người là một, quyền lợi chỉ có một nhà.
Dẫu sao thì mọi trợ cấp giáo dục, y tế, nhà ở, lương thất nghiệp và các phúc lợi khác cũng chỉ đủ cho bạn tồn tại chứ không thể sống phong lưu, không thể du lịch, đi ăn nhà hàng, mua sắm hàng hiệu, xe hơi, tập gym, tennis, phẫu thuật thẩm mỹ hay đi spa được. Vì thế cũng không mấy người cam lòng mà ăn lương thất nghiệp mãi, nhất là sống giữa những quốc gia mà sự hưởng thụ cũng là một trong những thước đo hạnh phúc của con người.
3.Chị Mai là một phụ nữ gầy gò, cao lớn, khắc khổ và hiếm khi cười, vai khoác một chiếc túi Michael Kors màu cờ rực rỡ. Vừa gặp chúng tôi, chị dang tay ôm chầm để chào, như thói quen của tất cả những người sống ở Tây lâu ngày. Gia đình chị Mai vừa chở chúng tôi về khách sạn thì đã lập tức khệ nệ bê ra khỏi xe mấy hộp dâu tây và nho đen tươi, một thùng nước khoáng, một túi to dưa chuột, rau cải, xúc xích, và cả mấy lon bia. Hệt như tiếp tế. Cất xong hành lý, anh chị chở cả nhóm ra chợ Đồng Xuân ăn phở.
Chợ Đồng Xuân có lẽ là một trong những điểm thú vị nhất mà sau này mỗi lần tôi có nhớ về Berlin. Đó là khu chợ dành cho người Việt, có lẽ cũng là một trong những chợ người Việt lớn nhất thế giới. Trong chợ người ta bán quần áo tầm tầm, các loại chăn thảm, túi xách, vali, khăn trải bàn ren móc… Có cả một tiệm làm tóc mà tôi gội đầu xong mất 9 euro thấy vẫn không sạch lên được mấy. Cậu thanh niên gội cho tôi một cách lúng túng trên cái bàn gội đặc biệt mà khách phải ngồi với cái tấm nhựa ngoặc vào cổ chứ không được nằm thoải mái như trong các tiệm tiện nghi ở nhà. Lúc ấy bực quá nghĩ cậu này đi làm thuê cho các salon tóc ở tỉnh lẻ thôi cũng chỉ hai ngày là bị đuổi việc. Nhưng anh chàng lại là một tay làm tóc kỳ cựu đã kinh qua mấy nước rồi mới về đến Berlin được hai năm.
Tất nhiên ở đâu cũng chỉ làm thuê cho người Việt, với hy vọng mơ hồ có một ngày lên làm chủ, vì mở được một tiệm riêng trong cái chợ như thế này cũng đủ tích tiền để về nước mua nhà. Các chủ hàng trong chợ đều là người Việt nhưng thuê nhiều người Đức bán hàng cho họ. Nên vào đây là thấy nhiều ông tây lụi cụi ngồi đóng đồ vào bao cho khách và bà chủ Việt chỉ trỏ tay năm ngón.
4.Ngay cửa chợ có một nhà hàng nổi tiếng, bán đủ món từ phở bò, gà cho đến bún ốc, bún chả… 8 euro một bát. Khách ra vào tấp nập hầu như không có bàn trống. Nhìn lượng khách thì không cần nhẩm tính cũng biết chủ hàng chắc thuộc hàng đại gia, ở nhà hẳn sở hữu vô khối bất động sản. Phở Berlin có phần còn ngon hơn phở Lý Quốc Sư Hà Nội.
Cũng chẳng phải do lúc ấy tôi rỗng bụng sau chuyến đi kéo dài từ Rotterdam, hay tôi lên cơn thèm phở kinh niên khi bốn ngày liền chỉ ăn pho mát của người Hà Lan.
Nói một cách logic thì phở, muốn ngon cũng chẳng phải nhờ công thức bí truyền thần kỳ nào (mà thiên hạ cứ hay tưởng tượng ra hàng tá giai thoại), chủ yếu là do nồi nước dùng và thịt bò mà thôi. Mà thịt bò của Đức ắt ngon hơn nhiều so với bò nhà ta. Nhà hàng lại vì nguồn thu 8 euro một bát mà cho đẫy xương bò vào nồi nước thay vì cứ phải độn thứ gia vị gì made in China có trời mới biết. Nhà hàng ở chợ Đồng Xuân Berlin cũng có cả món bún chả tuyệt hảo.
Gia đình anh Chiến chẳng sống ở Berlin nên cũng không thông thuộc đường sá. Suốt từ lúc trên xe, chúng tôi cứ gợi ý hoài Bức tường Berlin, nhưng anh Chiến và cả cô con gái dẫn đường đều không biết chỗ đó ở đâu. Tối ấy, sau bữa tiệc chia tay linh đình với những đĩa thịt cá khổng lồ sém bằng cái mâm con, anh Chiến lại lụi cụi chở vợ con về nhà, sau khi đã mua rất nhiều thịt cá trong chợ Đồng Xuân để sáng hôm sau làm hàng. Quãng đường vài trăm cây số cần chạy tới 3 giờ sáng mới đến nơi. Anh phải về với cái nhà hàng, là nguồn sống của cả gia đình, và trở về với nguồn sống của chính anh mà không thể rời xa nó quá hai ngày. Chúng tôi bần thần tạm biệt họ, những người bạn tuyệt vời trong cuộc gặp ngắn ngủi trên suốt chặng đường rong ruổi của Châu Âu.
Theo
/ Báo Lao Động