TBVĐ- Nhưng tôi vẫn tự hỏi mình, liệu khi tôi hòa nhập với văn hóa Đức, tôi có đánh mất đi một phần người Việt Nam trong tôi?
LTS: Toà soạn từng nhận được bức thư của em Dương Võ Anh, học sinh trường chuyên Gymnasium Rudolstadt. Mở đầu bức thư, em viết: „Bố mẹ cháu rất thích đọc báo của các cô chú, vì đề cập đến nhiều lĩnh vực cuộc sống rất bổ ích và lý thú. Cũng nhờ đó, cháu cùng anh cháu Dương Võ Thành có được các thông tin quý báu về Học bổng Start-Stipendium của tổ chức Hertie- Stiftung dành cho những học sinh khá giỏi có nguồn gốc nhập cư. Anh em cháu đã viết đơn đệ trình, dự tuyển và cả hai rất sung sướng hãnh diện được cấp suất học bổng này.
Sinh ra và lớn lên tại Đức, có bố mẹ là người Việt Nam sang Đức hợp tác lao động từ thời DDR, cháu muốn bày tỏ với cô chú cách nhìn nhận cuộc sống của cháu, 1 cô bé 14 tuổi, hy vọng có thể nói lên được phần nào nỗi niềm của rất nhiều bạn trẻ Việt Nam khác, như cháu. Với cháu sẽ là 1 vinh dự lớn, nếu cô chú đăng bài viết này trên Thời báo Việt Đức. Bố mẹ cháu sẽ rất tự hào về điều đó“. Kèm bức thư trên là bài cháu viết, lưu trên trang mạng từ những năm trước bằng tiếng Đức. Thời báo Việt Đức xin trân trọng giới thiệu tới Qúy độc giả bài viết tâm huyết, đầy nỗi niềm của em, với hy vọng được đông đảo phụ huynh, học sinh, Qúy bạn đọc, quan tâm, chia sẻ.
„Có rất nhiều người muốn xây dựng cuộc sống mới ở nước ngoài, cũng như hàng nghìn người Việt kỳ vọng về một viễn cảnh tươi sáng nơi hải ngoại, song cuộc sống nơi đây không chỉ đem lại thành công, nhiều hơn thế là sự hy sinh và cảm giác xa lạ. Tôi thường nhận được nhiều lời khen ngợi, 1 cô bé người châu Á, có kết quả học tập khá và giỏi tiếng Đức, có lẽ vì tôi học tiếng từ rất sớm và thừa hưởng gen tốt từ bố mẹ. Người Việt Nam thường được quý mến, vì tính chăm chỉ và cần cù… nhưng có phải đơn giản chỉ vậy?
Bố mẹ tôi tới Đức khoảng 25 năm trước, luôn nhắc nhở anh em tôi, học trung bình là không được, phải học giỏi, giỏi hơn cả học sinh Đức, có thế mới được công nhận ngang hàng với họ. 1 điểm 2 trong học bạ của chúng tôi là cả 1 nỗi thất vọng của bố mẹ. Khi tôi giải thích rằng, điểm 2 là điểm khá, bố mẹ tôi trả lời, tôi không được so sánh mình với học sinh Đức, bởi tôi „khác“ các bạn ấy.
Đối với tôi, câu đó đồng nghĩa coi tôi giá trị thấp hơn họ. Khi bạn bè người Việt tới thăm nhau, các bậc phụ huynh thường so sánh điểm học của các con họ. Tôi biết nền giáo dục ở Việt Nam rất được coi trọng, thầy cô giáo được kính mến và những người Việt nhập cư mang theo quan điểm này tới Đức. Nhưng với thời gian, tôi hiểu ra rằng, đằng sau quan niệm của thế hệ cha mẹ tôi là áp lực thành tích.
Khi xa quê hương, sự kính trọng và được thừa nhận của những người Việt khác bỗng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đối với họ, hạnh phúc thực sự là khi con mình thành đạt hơn cha mẹ chúng. Nhiều người Việt thế hệ thứ nhất không thông thạo tiếng Đức, bao người phải bươn chải mưu sinh bằng những nghề nặng nhọc, bán hoa quả thức khuy dậy sớm, làm móng độc hại, mở tiệm ăn lăn lộn thâu đêm. Họ đặt hết hy vọng vào thế hệ con cháu mình, thế hệ này lại hy sinh tiếp, cố công học hành đỗ đạt hơn nữa, để cha mẹ được hài lòng.Hơn một nửa thế hệ người Việt lứa tuổi tôi theo học các trường chuyên Gymnasium.
Nếu tôi hỏi các bạn Việt cùng tuổi về mong muốn lựa chọn nghề nghiệp, câu trả lời thường là kinh tế, pháp luật hoặc y dược. Tại sao vậy? Tôi chắc chắn, đó không phải mong muốn thực sự của chúng. Chẳng qua chúng muốn đền ơn, đáp hiếu bố mẹ, muốn cuộc sống bố mẹ dễ chịu, được mọi người nể trọng, cũng có thể chúng cảm thấy có lỗi vì được sống trên một đất nước tự do, văn minh, trong khi cha mẹ chúng chỉ kịp thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam một cách khó khăn… ít nhất tôi cảm nhận như vậy. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi mình, liệu có phải vì vậy mà tôi luôn mong muốn trở thành người thành đạt?
Tôi có cơ hội thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn, nơi đây và tại thời điểm này, cơ hội và khả năng mà họ hàng tôi ở Việt Nam không thể có được. Tôi thường được khen nói tiếng Đức rất giỏi, tuy vậy tôi vẫn có cảm giác, người ta muốn nói với tôi rằng, dù cố gắng đến đâu, tôi vẫn khác họ. Tất nhiên, cảm giác đó dễ chịu hơn, khi chỉ bị coi là kẻ hiếu danh chứ không phải tên buôn lậu thuốc lá.
Nhưng tôi vẫn tự hỏi mình, liệu khi tôi hòa nhập với văn hóa Đức, tôi có đánh mất đi một phần người Việt Nam trong tôi? Tôi nói và viết tiếng Việt không được tốt. Khi về thăm quê hương bố mẹ tôi, tôi không thể tự giãi bày ý kiến của mình. Tôi có cảm giác xa lạ giữa gia đình mình, xa lạ với nguồn gốc của mình. Đó là cái giá tôi phải trả cho sự hòa nhập nơi quê hương mới!“
Dương Võ Anh
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!