Gần hai thập kỷ trước, nữ chính trị gia Mỹ Franke Wilmer nói “Phụ nữ chưa bao giờ vắng mặt trên chính trường thế giới”, dù sự thật là trong các dòng quan điểm của nam giới, phụ nữ hầu hết bị vô hình. Franke không phải là người đầu tiên lên tiếng về năng lực của người phụ nữ trong lĩnh vực được xem là “gai góc” nhất là chính trị, vốn được nhiều người mặc định chỉ có “đàn ông mới làm nên chuyện”.
Sự thật là từ nửa sau thế kỷ 20, các ý thức về nữ quyền đã được hệ thống hóa, dù phần lớn vẫn bị lãng quên trong các phân tích chính trị thế giới. Nhưng điều đó không làm mờ nhạt hình ảnh của “Bà đầm thép” – cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, cựu Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, Nữ thủ tướng kỳ cựu của Đức Angela Merkel, cựu Tổng thống Indonesia Megawati Sukarnoputri, cựu Thủ tướng Israel Golda Meir, cựu Tổng thống Philippines Corazon Aquino, Cựu Tổng thống Argentina Cristina Fernández de Kirchner, Tổng thống Chile Michelle Bachelet,… Nhìn lùi về trước, lịch sử ghi lại dấu ấn không ít cái tên ấn tượng mạnh về quyền lực, như: Nữ hoàng Cléopetre cai trị Ai Cập Cổ Đại; Nữ hoàng Isabella I với công lớn trong việc thống nhất Tây Ban Nha sau 700 năm phân tán đất đai (1492); Từ Hy Thái Hậu buông rèm chấp chính 48 năm suốt thời vua Đồng Trị và Quang Tự của Trung Quốc; Nữ hoàng Elizabeth I với 45 năm trị vị, đưa nước Anh trở thành “cường quốc biển”. Đó là chưa kể những đóng góp lớn của nữ giới trong các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, kinh tế – xã hội, văn hóa – giải trí của thế giới.
Rất nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra những bằng chứng cho thấy không có sự khác biệt quá lớn giữa năng lực của phái mạnh và phái yếu, ngay cả trong những lĩnh vực đòi hỏi khả năng chịu áp lực về chất xám lẫn tinh thần. Thậm chí những nghiê cứu gần đây cho thấy quốc gia nào có mức độ bình đẳng cao, thì ít có xung đột vũ trang nội bộ hoặc giữa các nước với nhau. Cũng như nam giới, phái nữ có nhiều con đường khác nhau để đi đến quyền lực. Hai nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Charles W. Kegley và Gregory A. Raymond trong công trình nghiên cứu năm 2010 đưa ra ví dụ: “Trong khi bà Cristina Fernández de Kirchner sử dụng các luận điểm về “nữ quyền” để đi đến dinh tổng thống Argentina năm 2007, thì Thủ tướng Angerla Merkel nêu khẩu hiệu “Tôi muốn phục vụ nước Đức” với những quyết sách thuyết phục để trở thành người phụ nữ quyền lực nhất nước Đức trong suốt hơn thập kỷ vừa qua”.
Tại Việt Nam, hình ảnh nữ giới được cải thiện nhiều trong những năm qua, mặc dù so với chuẩn mực bình đẳng giới tại Mỹ và nhiều nước châu Âu, bình đẳng giới vẫn còn nhiều hạn chế. Đơn cử trong báo cáo mới nhất của Oxfam về Báo chí và Định kiến giới tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã phát hiện “Tần suất xuất hiện của nữ lãnh đạo trong các bài báo và bản tin là rất thấp so với nam lãnh đạo, đặc biệt trong khối các cơ quan nhà nước. Điều này cho thấy hình ảnh lãnh đạo nữ đã không được phản ánh một cách đầy đủ dù sự tham gia và cống hiến của họ vào lực lượng lao động rất quan trọng. Sự thiếu vắng hình ảnh lãnh đạo nữ trong tin tức không những là minh chứng cho việc tiếng nói và ý kiến của nữ giới không được thể hiện đầy đủ, mà còn gửi một thông điệp ngầm tới công chúng rằng lãnh đạo nữ không có quyền lực, hoặc không có phẩm chất lãnh đạo để xứng đáng đưa vào các bản tin”. Ngoài ra, “Nữ lãnh đạo gần như “vắng bóng” trong các bài báo về Khoa học kĩ thuật; Quốc phòng/An ninh trật tự; Bất động sản; Kinh tế vĩ mô; Quan hệ đối ngoại, vấn đề quốc tế”.
Ý niệm về ngày Quốc tế Phụ nữ không gói gọn trong việc tôn vinh đóng góp của “phái yếu” đối với gia đình, cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Trong bối cảnh quyền phụ nữ còn đang bị tranh cãi, việc xây dựng các chương trình hành động vì bình đẳng giới là điều vô cùng quan trọng. Bình đẳng cao, đồng thuận lớn, quốc gia sẽ tối đa hóa được năng lực của con người – yếu tố góp phần xây dựng quốc gia phồn thịnh.
Thời báo Việt Đức