Từ chỗ chỉ dành riêng cho chị em, nước hoa dần dần trở thành sản phẩm không thể thiếu với nhiều người, nhiều lứa tuổi. Nhưng bạn có biết nước hoa ra đời ra sao?
Nước hoa tiếng Anh là perfume, tiếng Pháp là parfum được bắt nguồn từ tiếng Latin “Per fumum” có nghĩa “truyền tải thông qua sương, khói”.
Xuất phát từ lòng thành với thần thánh
Khi nghiên cứu dấu vết chữ tượng hình trong những ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ học nhận thấy người Ai Cập và người Lưỡng Hà cổ đại đã sử dụng nước hoa cách đây đến 3.000 năm.
Những thầy pháp Ai Cập được xem là cha đẻ của nước hoa hiện đại khi sử dụng những loại nhựa cây có mùi thơm phục vụ cho việc thờ cúng. Họ cho rằng hương thơm sẽ giúp kết nối loài người và thần thánh, đồng thời trần gian sẽ được các vị thần ưu ái bảo vệ hơn.
Ngày nay, những “tín đồ” nước hoa có thể tham quan gian phòng thờ cúng một thời đầy mùi nước hoa này tại đền Edfu – đền thờ được bảo quản tốt nhất ở Ai Cập. Tại đây còn có những văn tự cổ ghi lại công thức những loại dầu thơm dạng rắn và dầu thơm dạng xông.
Người Ai Cập cổ đại còn sử dụng nước hoa trong những ngôi mộ chôn cất các pharaoh hoặc những thầy pháp “cấp cao”. Giới quý tộc Ai Cập cho rằng họ sẽ sớm được lên thiên đàng khi đắm mình trong những hương thơm ngào ngạt.
Đặc biệt, năm 1897 khi các nhà khảo cổ học quật một quan tài cổ của pharaoh Ai Cập, họ cảm nhận một mùi ngọt ngào dễ chịu bay ra. Các hãng nước hoa đầu tiên sau này đã học tập không ít về cách thức sử dụng thực vật có hương thơm để làm nước hoa của người Ai Cập.
Người ta cũng đồn đại rằng nữ hoàng xinh đẹp Cleopatra của Ai Cập cổ đại đã cho người bôi dầu mỡ thơm trên cánh buồm chiếc thuyền của nàng trước khi ra khơi tìm gặp người tình người La Mã Mark Antony của mình. Nữ hoàng muốn Mark Antony biết được sự xuất hiện của nàng từ rất xa trước khi chạm mặt nhau.
Không ngừng phát triển
Người Hi Lạp cổ đại được cho là người đầu tiên chế tạo nước hoa dùng cho người. Bằng cách kết hợp những loại thực vật có mùi hương dễ chịu cùng với nhựa thông và dầu, người Hi Lạp tạo ra phương pháp xoa bóp bằng dầu thơm và sau đó là một sản phẩm sử dụng hằng ngày như hôm nay.
Trong giai đoạn “đêm trường trung cổ” ở châu Âu, nước hoa tiếp tục có những bước phát triển, đặc biệt nhất người ta đã biết đựng nước hoa trong những lọ thủy tinh cầu kỳ và tinh xảo.
Hương liệu sử dụng cũng đa dạng hơn gồm có hổ phách, xạ hương và các loại hoa như hoa nhài, hoa hồng và thảo mộc.
Thời phong kiến, nước hoa luôn là minh chứng cho sự giàu sang và quyền lực. Vào thế kỷ 17, nơi làm việc của vua người Pháp Louis XIV là “la cour parfumée” khi nhà vua yêu cầu mỗi ngày người hầu phải thay đổi một mùi hương khác nhau cho căn phòng.
Sau này, cũng chính nước Pháp là quốc gia đi đầu trong việc sản xuất nước hoa bằng máy móc và theo dây chuyền trong thời kỳ cách mạng công nghiệp.
Một thời giết động vật lấy mùi hương
Từ khi ra đời, những mùi hương nước hoa được yêu thích dường như không thay đổi nhưng nguyên liệu cũng như cách thức tạo nên mùi hương này đã thay đổi khá nhiều.
Ví dụ, thuở ban đầu của nước hoa long diên hương (được biết đến với mùi hương ngọt ngào, mát mẻ, cho cảm giác như đối diện với biển khơi) lại có nguồn gốc từ ruột của loài cá nhà táng.
Hay cho đến cuối thế kỷ 19, người ta vẫn dùng xạ hương tự nhiên chiết xuất từ tuyến xạ của hươu đực để làm nước hoa, đồng nghĩa với việc có rất nhiều hươu bị sát hại chỉ để làm hương thơm cho con người.
Bước sang thế kỷ 20, những tranh cãi về đạo đức và kinh doanh, cùng với những tiến bộ của khoa học đã thay đổi nền công nghiệp nước hoa. Các nhãn hiệu nước hoa chuyển sang sử dụng hóa chất tổng hợp để mô phỏng hầu hết mọi hương thơm tự nhiên.
Ngày nay các hãng nước hoa chạy đua không ngừng để mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm khiến nước hoa ngày càng dễ tiếp cận hơn.
Khách hàng có nhiều sự lựa chọn: từ nhãn hiệu phổ thông với mức giá dễ chịu cho đến những thương hiệu cao cấp với mức giá xa xỉ, từ những mùi hương nhân tạo cho đến những mùi hương mang phong cách tự nhiên…
Theo Trọng Nhân / tuoitre.vn