Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Phố đèn đỏ Hà Lan khốn đốn vì khách selfie

Một góc phố đèn đỏ ở Châu Âu. Ảnh: pixabay.com

Những phụ nữ bán dâm ở phố đèn đỏ Amsterdam bực mình vì khách du lịch người Anh chỉ chụp ảnh và che khuất cửa hiệu.

4 thanh niên người Anh mặc áo phao, đập tay vào cửa kính, vẫy chào một phụ nữ mặc đồ lót vải ren đang tạo dáng hôm 19/1 ở De Wallen, khu phố đèn đỏ lâu đời tại Amsterdam. Nhiều phụ nữ bán thân thể tại đây đang gặp khó khăn vì những người khách như thế, theo BBC.

Họ không thu hút được khách hàng trả tiền mua dâm bởi cửa sổ bị khách du lịch mải chụp ảnh selfie che khuất. Họ quan tâm tới chụp ảnh miễn phí hơn là trả tiền vào trong.

Nữ thị trưởng đầu tiên của thủ đô Hà Lan đang cố tìm giải pháp. Femke Halsema sắp đưa ra loạt biện pháp để giúp người bán dâm thoát khỏi ánh đèn flash của máy ảnh.

“Đây là công viên miễn phí thu hút nhiều người nhất ở Amsterdam”, Frits Rouvoet vừa nói vừa dẫn Anna Holligan, phóng viên BBC, đi qua những ngõ có những cái vẫy tay quen thuộc.

Frits điều hành một tiệm sách ở khu phố đèn đỏ này, thường mời những cô gái bán dâm tới uống cà phê. Với họ, đó là khoảnh khắc nghỉ ngơi hiếm hoi khỏi sự lạm dụng và đe dọa của công việc.

“Họ chẳng có nơi nào để chạy trốn cả”, anh giải thích. “Nếu muốn kiếm sống, họ phải đứng trước cửa sổ nhưng ở đó có rất nhiều, rất nhiều đàn ông xông tới. Những người đàn ông từ Anh, từ Scotland, từ Ireland, say xỉn, la hét, cố chụp ảnh”.

Những cô gái trẻ cố che mặt khi khách du lịch giơ điện thoại lên. Với nhiều người, bán dâm là cuộc sống bí mật không muốn ai biết tới. Nếu người nhà hay bạn bè thấy ảnh họ trên mạng xã hội, họ sẽ bị tẩy chay.

Kristina mở cửa, rùng mình vì khí lạnh xộc vào người. Cô rít một hơi thuốc, tắt video đang xem trên điện thoại, dẫn Holligan xuống một hành lang ngắn tới căn phòng bê tông nhỏ sơn màu trắng. Bên trong ấm áp, không có mấy đồ đạc ngoài một cái gương, một cái đệm bằng nhựa màu đen, gel vệ sinh sát trùng, chuông báo động và dép lê.

“Tôi không thích bán dâm nhưng vẫn phải làm”, cô nói.

Kristina làm việc ở đây đã 10 năm. Một người bạn Hungary, người tìm thấy vận may trong ngành công nghiệp tình dục ở Amsterdam này, đã thuyết phục cô tới đây hành nghề. Kristina kiếm được 114 USD nửa giờ, 171 USD một giờ.

“Tôi tiết kiệm tiền để nuôi hai con, lo cho tương lai của chúng. Hai đứa đang ở với mẹ tôi tại Hungary. Chúng không biết tôi làm gì để kiếm sống”, cô nói bằng thứ tiếng Hà Lan trôi chảy.

Kristina không muốn chuyển nghề, cô kiếm được kha khá tiền, dù phải chịu đựng ánh nhìn tò mò gây khó chịu của người qua đường. Cô không cần ma cô môi giới, cô bán thân bởi “kiếm tiền dễ” và cảm thấy an toàn ở đây.

Thị trưởng Halsema đề xuất ý tưởng cấp giấy phép cho gái mại dâm hoạt động ngoài phạm vi phố đèn đỏ ngột ngạt, nhưng nhiều người lo ngại không kiểm soát được ngành công nghiệp tình dục.

“Amsterdam nổi tiếng là thủ đô mại dâm”, Karin Werkman, chuyên gia làm việc với các nạn nhân buôn người cho hay. “Nếu cấp giấy phép, thành phố sẽ xác nhận điều này. Mại dâm sẽ xuất hiện ở nhà riêng, trong khách sạn, còn phụ nữ trở nên vô hình”.

“Nếu mở rộng hoạt động mại dâm ra toàn thành phố, nó sẽ thu hút lượng lớn người đổ về Amsterdam. Xe hơi sẽ chạy đầy đường, đàn ông quấy rối bất kỳ phụ nữ nào trên đường để hỏi giá cả. Hành động này còn khuyến khích nạn buôn người. Đừng đánh giá thấp ảnh hưởng của nó với thành phố”.

“Amsterdam nói rằng mọi thứ đều trong tầm kiểm soát nhưng chúng tôi thậm chí không biết có bao nhiêu phụ nữ đang làm việc ở phố đèn đỏ”, Frits Rouvoet cho hay. 

“Một số nhà nghiên cứu cho rằng có 4.000 người, số khác nói rằng có 8.000. Một số cho rằng 10% là nạn nhân buôn người, số khác nói là 90%. Dù là con số thấp nhất, cũng có 400 cô gái đang bị cưỡng ép bán dâm. Họ bị cưỡng hiếp mỗi ngày. Lệnh mở rộng hoạt động bán dâm chẳng giúp gì cho họ”.

Thị trưởng Halsema dự kiến công bố bản đề án chi tiết vào cuối năm nay. Bà đề nghị tăng cường cảnh sát tuần tra, phạt tiền khách du lịch tại chỗ và sử dụng “mã đỏ” để di chuyển khách du lịch khỏi khu vực quá đông đúc.

Một số người chỉ trích sự tồn tại hợp pháp của phố đèn đỏ. Theo họ, chính quyền đã để ngỏ khả năng phụ nữ bị lạm dụng.

“Trong thâm tâm, chúng ta đều biết mại dâm có hại cho phụ nữ cả về thể chất và tinh thần khi phải quan hệ tình dục với người lạ”, Karin Werkman nói, lập luận việc tạo điều kiện cho kinh doanh tình dục như yêu cầu phụ nữ đăng ký và nộp thuế về cơ bản khiến chính quyền chẳng khác nào ma cô.

Ưu tiên của hội đồng thành phố bây giờ dường như là bảo vệ ngành công nghiệp tình dục. Trong lúc đó, nhiều cửa sổ ở phố đèn đỏ đang treo biển “cho thuê”. Hoạt động mại dâm chuyển sang kinh doanh trực tuyến. Các trang web bán dâm cho phép phụ nữ rao bán mà không cần phô bày mặt mũi và thân thể công khai. 

Theo Hồng Hạnh / vnexpress.net