Mắc kẹt trong cơn bão tuyết suốt 10 giờ ở Nhật Bản, vị chuyên gia của Ngân hàng Thế giới có duyên được nhìn thấy tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn của người Nhật. “Tôi sẽ không bao giờ quên được” – ông nói.
Câu chuyện này được kể lại bởi ông Joaquin Toro – chuyên gia về quản lý rủi ro thảm họa của Ngân hàng Thế giới (WB) – trong chuyến công tác đến Tokyo, Nhật Bản, hồi tháng 2-2014:
Sau hơn 2 giờ mắc kẹt ở một ga tàu nhỏ gần Tokyo giữa lúc tuyết rơi dày và nhiệt độ tê cóng, người lái tàu thông báo cho chúng tôi lần thứ 3: Không có tiến triển mới.
“Các nhân viên của chúng tôi đang làm việc để khắc phục hệ thống” – giọng nói phát qua chiếc loa trấn an hành khách.
Lúc đó, người đàn ông cao tuổi ngồi cạnh tôi xoay qua nói: “Chúng ta phải làm phận sự của mình, mọi người đang làm việc hết sức trong bão tuyết để chúng ta có thể di chuyển. Chúng ta cần giữ bình tĩnh và chờ đợi – chúng ta không thể làm phiền thêm”.
Tôi bắt đầu hiểu tại sao người Nhật lại bền bỉ, kiên cường đến thế.
Hôm ấy là ngày 9-2, tôi đang di chuyển ra sân bay Narita để về nhà sau chuyến công tác. Trận bão tuyết đó là lớn nhất trong 40 năm tại Nhật, tuyết phủ dày hơn 27cm ở Tokyo và nhiều khu vực khác, nhiều công trình trong thành phố bị sập, khiến ít nhất 11 người chết và 1.200 người bị thương trên cả nước.
Tôi đến nhà ga chật kín người lúc 16h30. Đoàn tàu đến hơi muộn – một điều bất thường ở Tokyo, và chở rất đông hành khách. Tàu chạy được chừng 20 phút thì dừng lại không rõ trong bao lâu. Tôi ngạc nhiên vì không ai than phiền hay di chuyển.
Một cô gái trẻ tên Wakako giúp tôi xem tình trạng chuyến bay bằng điện thoại, nó chỉ bị hoãn lại. Hơn 1 giờ trôi qua, người lái tàu thông báo hệ thống gặp trục trặc và không biết bao giờ tàu mới chạy tiếp được.
Phản ứng trước tin này, Wakako rút ra một thanh sôcôla trong túi xách tay của mình, bẻ nó ra thành từng miếng nhỏ rồi phát cho mọi người! Cô ấy không phải người duy nhất – những người khác bắt đầu chia nhau kẹo, nước uống, thực phẩm… cốt chỉ để khoảng thời gian chờ đợi thoải mái hơn.
Hành khách bắt đầu di chuyển, và thú vị thay, chỉ là những người có ghế ngồi ngay từ đầu, họ đứng lên để nhường chỗ cho những người đang đứng – một ông lão lớn tuổi cứ nhất mực bắt chàng thanh niên ngồi vào chỗ của mình.
Nhìn cảnh đó, tôi không khỏi nghĩ đến trận động đất, sóng thần kinh hoàng tàn phá nước Nhật hồi năm 2011, cướp đi sinh mạng hàng ngàn người. Tôi nhớ những người Nhật cao niên đã xung phong đi dọn dẹp khu nhà máy điện hạt nhân để những người trẻ không bị phóng xạ làm ảnh hưởng.
Sau hơn 3 giờ chờ đợi, người lái tàu thông báo hệ thống chưa sẵn sàng trong ít nhất 3 giờ nữa. Để không bị lỡ chuyến bay, Wakako và tôi quyết định đi bộ đến nhà ga gần đó để tìm xe taxi hoặc đoàn tàu khác. Đường đi ngập dưới lớp tuyết dày.
Dọc đường, Wakako hỏi một tài xế tên Satoshi rằng liệu anh có thể cho chúng tôi đi nhờ quãng đường còn lại không, và anh đồng ý. Dù không nhanh hơn đi bộ là mấy, nhưng ít ra chúng tôi thoát được cái lạnh tê người.
Khi xe đến được ga tàu đông đúc, Satoshi ngỏ lời chở chúng tôi ra sân bay mặc dù anh đã lái xe trong suốt hơn 4 giờ. Vật lộn trong kẹt xe và biển chắn đường, chúng tôi đến gần sân bay thì nhận được tin toàn bộ chuyến bay đã bị hủy.
Ngạc nhiên thay, Satoshi nói: “Có một ngạn ngữ Nhật thế này: ‘Nếu tôi gặp anh, chắc phải có cái duyên nào đó, và tôi nên làm hết sức để giúp anh’. Tôi sẽ chở anh về lại Tokyo”.
Tất cả khách sạn đều kín phòng đêm đó, nhưng nhóm chúng tôi quyết áp dụng những gì đã trải nghiệm trong ngày hôm đó để chia sẻ căn phòng cuối cùng với mọi người. Đó là những bài học tôi không bao giờ quên được.
Theo Phúc Long / tuoitre.vn