Cuộc khủng hoảng ngoại giao, trong đó Ảrập Xêút và các đồng minh Vùng Vịnh đồng loạt cô lập Qatar, bắt nguồn từ cáo buộc đất nước nhỏ bé giàu khí đốt này bảo trợ cho các nhóm khủng bố nhằm gây bất ổn khu vực.
Đây không phải lần đầu tiên các láng giềng của Qatar thể hiện sự bất bình đối với chính sách ngoại giao độc lập của nước này. Vào năm 2014, họ đã từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar suốt 9 tháng.
Rót tiền cho khủng bố?
Theo BBC, căng thẳng hiện nay bắt nguồn từ sự ủng hộ mà Qatar dành cho tổ chức Tình Anh em Hồi giáo; mối quan hệ thân cận của nước này với các nhóm như Taliban cùng một số chi nhánh của al-Qaeda; quan hệ với Iran – nước gần đây dẫn dính tới các cáo buộc của Riyadh rằng hãng thông tấn Al Jazeera của nhà nước Qatar ủng hộ phiến quân Houthi ở Yemen đang chiến đấu chống các lực lượng chính phủ mà Ảrập Xêút và UAE hậu thuẫn.
Doha mạnh mẽ phủ nhận các cáo buộc của Riyadh, khẳng định nước này đã áp dụng các biện pháp chống khủng bố cứng rắn hơn nhiều so với một số nước láng giềng.
Tuy nhiên, tranh cãi mới nhất còn hé mở vai trò của Qatar trong việc chi dùng số tài sản kếch xù của quốc gia này.
Hồi tháng 4, có tin nói Qatar đã chi trả khoản tiền chuộc lên tới 1 tỷ USD cho một cựu thành viên al-Qaeda ở Syria và cho các quan chức an ninh Iran, để đổi lấy sự tự do của 26 thành viên Hoàng gia bị phiến quân Shiite Iraq do Iran ủng hộ bắt cóc và của hàng chục chiến binh Shiite bị quân thánh chiến ở Syria cầm giữ.
“Nghi án” Qatar tiếp tục rót tiền cho chủ nghĩa li khai và tư tưởng cực đoan là mối quan ngại chính của cuộc khủng hoảng lần này.
“Vẫn có cách”
Kể từ vụ 11/9, nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm triệt tiêu tài chính khủng bố được tăng cường mạnh mẽ. Một loạt quy định và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua; nhiều thực thể và cá nhân bị trừng phạt và đóng cửa.
Tuy nhiên, cam kết của một số nước, trong đó có Qatar, liên tục bị đặt thành vấn đề.
Năm 2014, Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách Tình báo tài chính và khủng bố David Cohen nêu cụ thể: “Qatar, một đồng minh lâu năm của Mỹ, đã nhiều năm công khai rót tiền cho Hamas, tổ chức đang tiếp tục gây bất ổn khu vực. Tin tức truyền thông cho thấy, chính phủ Qatar cũng đang ủng hộ các nhóm cực đoan hoạt động ở Syria”.
David Cohen cũng hướng sự chú ý đến môi trường “dễ dãi” ở Qatar giúp những kẻ gây quỹ cho các nhóm khủng bố như al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Năm 2016, người kế nhiệm của ông Cohen ở Bộ Tài chính Mỹ là Adam Szubin cũng nói rằng, dù chứng tỏ sẵn sàng hành động chống các nguồn tài chính rót cho khủng bố, Qatar vẫn “có cách” và không có “năng lực và ý chí chính trị cần thiết để thực thi hiệu quả luật về tài chính chống khủng bố nhằm chống lại mọi mối đe dọa tài chính khủng bố”.
Phản ứng trước thực tế này, Mỹ đã trừng phạt một số công dân Qatar vì cấp tiền cho khủng bố.
Quan hệ với Iran
Có một yếu tố khác nữa góp phần đẩy căng thẳng ngoại giao ở Vùng Vịnh lên cao. Đó là mối quan hệ giữa Qatar và Iran.
Qatar là nhà xuất khẩu khí đốt lớn thứ 2 thế giới sau Nga. Nước này có chung các hoạt động khai thác khí với Iran ở Vùng Vịnh – và đây là một trong nhiều sợi dây ràng buộc họ. Các mỏ khai thác khí của Qatar nằm ở mạn nam của Vùng Vịnh, còn Iran khai thác ở mạn bắc.
Việc Tổng thống Mỹ quyết định rời khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris và tỏ tín hiệu sẽ rút khỏi thỏa thuận P5+1 (Thỏa thuận hạt nhân Iran) đã đặt Qatar vào một tình thế chính trị khó khăn.
Nguồn thu nhập của hầu hết các quốc gia Vùng Vịnh chủ yếu là từ dầu khí. Khí đốt được ưa thích hơn trong tương lai, đặt Qatar và Iran vào một vị thế khác biệt với các thành viên GCC, tức Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.
Qatar và Iran thu lợi nhiều hơn từ nền kinh tế khí đốt chiếm ưu thế trong tương lai. Vì vậy, Qatar và phần còn lại của Vùng Vịnh sẽ khác nhau về nhiều chính sách, trong đó có sự ủng hộ đối với các quyết định của Tổng thống Trump.
Ảrập Xêút là nước có ảnh hưởng mạnh đối với GCC ngay từ khi mới thành lập, một phần bởi vị thế quan hệ đối ngoại của nước này.
Theo thời gian, Qatar đã theo đuổi các quan hệ đối ngoại độc lập khiến một số nước GCC không hài lòng. Trong số đó có việc thành lập Hãng truyền thông Al Jazeera năm 1996. Việc Qatar thành lập và tiếp tục cấp tiền cho Al Jazeera đã gây căng thẳng chính trị trong nội bộ GCC vì hãng tin này bị coi là cánh tay nối dài của Qatar nhằm gây bất ổn khu vực.
Theo Thanh Hảo / vietnamnet.vn