TBVĐ- Đầu tháng 3-2019, bộ Luật đặt lịch khám bệnh và phân phối bệnh nhân (tiếng Đức là Terminservice-und Versorgungsgesetz, viết tắt là TSVG) của bộ trưởng Bộ Y Tế Đức, ông Jens Spahn (thuộc đảng CDU), đã được thông qua.
Những thay đổi trọng yếu nhất trong bộ luật TSVG: Thay vì đặt lịch khám riêng theo từng phòng khám, sẽ có các điểm dịch vụ đặt lịch khám bệnh cho bệnh nhân 24 giờ/7 ngày trong tuần. Các bác sỹ hành nghề theo hợp đồng sẽ tăng thêm thời gian mở cửa khám bệnh. Ngoài ra, các hội đoàn bác sỹ thuộc các quỹ bảo hiểm y tế nhà nước phải có trách nhiệm mở thêm phòng khám tại những khu vực thiếu bác sỹ, hoặc cung cấp những dịch vụ khác thay thế.
Mặc dù bị nhiều nhà phê bình lên tiếng chỉ trích rằng, những quy định này chưa chắc đã lấp được các lỗ hổng trong hệ thống y tế của Đức, nhưng ông Spahn vẫn đối diện với mọi nghi vấn một cách rất lạc quan. Theo ông, bộ luật này sẽ nhanh chóng giúp bệnh nhân thuộc các quỹ bảo hiểm y tế theo luật định nhận được lịch khám bệnh bằng cách mở rộng thêm thời gian mở cửa các phòng khám, các dịch vụ phân phối và chăm sóc bệnh nhân cũng như cung cấp thêm nhiều ưu đãi cho bác sỹ.
Trả lời phỏng vấn của báo Focus, ông Spahn cho biết: “Ngành y tế của chúng ta cần phải có sự đổi mới. Các bệnh nhân cần lịch khám bệnh nhanh hơn. Tại các vùng nông thôn, nhu cầu chăm sóc y tế cũng phải được nâng cao và cải thiện tốt hơn. Cần hơn nữa chính là giải pháp sử dụng kỹ thuật số để đơn giản hoá cuộc sống hàng ngày.”
Về cơ bản, các trung tâm cũng như hội đoàn bảo vệ người tiêu dùng đều vô cùng chào đón sự đổi mới này. Bởi tình trạng ngày càng thiếu bác sỹ tại Đức cũng như sự phân bổ phòng khám ở các vùng miền không đều, nên bệnh nhân phải chờ đợi rất lâu mới có lịch khám bệnh. Điều này tạo ra nhiều phiền phức và cũng gây căng thẳng, không chỉ ở phía các bệnh nhân mà đối với cả các phòng khám. Tuy nhiên, các hội đoàn bảo vệ người tiêu dùng đồng thời cảnh báo trước các vấn đề mới có thể nảy sinh, ví như thù lao bác sỹ sẽ tăng cao khi tăng giờ khám bệnh, vì nhờ vào những khoản thù lao phụ được dự tính từ trước cho bệnh nhân mới mà bệnh nhân cũ cũng sẽ được ưu tiên thêm.
Nhưng hiện nay, bệnh nhân thuộc các quỹ bảo hiểm tư nhân so với bệnh nhân thuộc các quỹ bảo hiểm nhà nước đã nhận được nhiều ưu đãi hơn, cũng được xếp lịch khám nhanh hơn. Ông Klaus Müller, chủ tịch hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng liên bang, đã lên tiếng phê phán: “Giờ ngay cả bệnh nhân cũ và mới cũng sẽ bị phân biệt đối xử!”. Không chỉ vậy, người điều hành Quỹ bảo hiểm y tế Kỹ thuật, ông Jens Baas, cũng chỉ trích trong bài phỏng vấn của báo Rheinischen Post Düsseldorf rằng, chỉ khi áp dụng bộ luật mới này mới thấy được hậu quả của nó trong vấn đề phân phối bệnh nhân. Ông cho rằng, những cải cách mới tuy chưa thấy được ưu điểm nhưng chắc chắn sẽ ngốn một khoản chi phí rất cao.
Đặc biệt từ trước khi bộ luật TSVG được thông qua, phóng viên trực tuyến của báo Focus, ông Uwe Hauck, đã từng nhận xét: Những quy định mới hoàn toàn bỏ qua các nhu cầu của bệnh nhân mắc bệnh tâm lý, buộc họ chỉ có thể tiếp nhận trị liệu sau khi được các bác sỹ chẩn đoán là thật sự cần thiết. Ông Hauck nhấn mạnh, chính ông từng là bệnh nhân mắc chứng trầm cảm, vì vậy kinh nghiệm cá nhân dạy ông rằng không phải bệnh nhân tâm lý nào cũng có thể tự đi bước đầu tiên để xin trợ giúp từ người khác. Nếu phải chờ đợi xét duyệt trị liệu, sẽ khiến bệnh nhân khép kín hơn và tạo nên rào cản cao hơn giữa đôi bên.
Cẩm Chi