Trong khi mức cầu về gỗ xẻ đang rất lớn thì các xưởng cưa tại Bỉ lại chỉ có thể hoạt động 50% công suất do thiếu nguyên liệu đầu vào. Người Trung Quốc đã qua mua gom hết.
Và đây là một nghịch lý: trong khi mức nhu cầu về gỗ xẻ đang rất lớn thì các xưởng cưa tại Bỉ lại chỉ có thể hoạt động 50% công suất do thiếu nguyên liệu đầu vào. Đến 90% lượng gỗ chế biến tại vùng Wallonie là gỗ sồi, một loại gỗ rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng.
Người Trung Quốc chơi kiểu mua vét
Người Trung Quốc thu mua đến 80% số lượng gỗ vận chuyển quá cảnh qua nước Bỉ, với cái giá cao ngất ngưỡng khiến các doanh nghiệp địa phương không thể cưỡng lại cám dỗ đó, còn các xưởng cưa thì cũng không thể chào giá cạnh tranh nổi.
Ông Eugène Bays – người phụ trách mảng chiến lược kinh doanh của Ban kinh tế khai thác gỗ vùng Wallonie, thừa nhận: “Các xưởng cưa của chúng tôi không thể đưa ra một mức giá làm vừa ý các nhà buôn các loại gỗ dùng để xuất khẩu, chủ yếu là xuất sang thị trường châu Á và Trung Quốc”.
Phóng viên đài truyền hình RTL của Bỉ đã đến tìm hiểu thực địa tại xưởng cưa Vica-Bois tại Florennes. Từ thập niên 1940, gia đình họ Camps đã mở xưởng và nghề cưa xẻ gỗ được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Hiện nay, doanh nghiệp này phải hoạt động cầm chừng và ông chủ Martial Camps là cháu nội trong dòng tộc còn tính đến chuyện phải đóng cửa, chuyển đổi nghề, vì “trung bình chúng tôi phải ngưng hoạt động hai ngày trong tuần, trong khi chúng tôi có khả năng hoạt động năm ngày trong tuần với 10 nhân công”.
Hiện giờ thì xưởng cưa này vẫn còn có thể cầm cự được nhờ nguồn nguyên liệu dự trữ, song ông chủ cho biết chắc không thể được lâu dài vì “sáu tháng nữa chắc chúng tôi không biết xoay sở ra sao. Mà một khi không thể mua được nguyên liệu thì làm sao xưởng tiếp tục hoạt động được nữa”.
Thậm chí, ông chủ còn chua chát cho biết là không muốn cậu con trai đi theo nghề truyền thống này của gia đình, ông nói: “Nói ra thì buồn lắm, mà nghe ai nói vậy cũng buồn lắm, nhưng tôi có nói với con trai tôi là: ‘Con kiếm việc gì khác làm đi, đừng có đầu tư vào nghề này của cha'”.
Đau với chuyện phải mua lại đồ gỗ Trung Quốc
Song chuyện chưa đã hết, nghịch lý này còn đi xa hơn thế: các doanh nghiệp Trung Quốc mua gỗ tươi nguyên liệu của vùng Wallonie, chế biến chúng rồi tiêu thụ chúng tại… châu Âu qua các thành phẩm như đồ nội thất hay ván sàn,… với giá bán cạnh tranh hơn so với doanh nghiệp địa phương.
Đây là một thảm họa thật sự vì số gỗ này có thể đã được chế biến ngay tại vùng Wallonie để tránh đội giá khi phải vận chuyển về Trung Quốc rồi chuyển thành phẩm sang trở lại châu Âu.
Giải pháp thì có đó: đó là những người bán gỗ, là các doanh nghiệp địa phương trong vùng, có thể giữ lại một phần số lượng bán ra để dành cho các xưởng cưa trong vùng.
Nhưng giải pháp này ít khi được sử dụng vì các doanh nghiệp kinh doanh gỗ của địa phương lại thích bán cho người Trung Quốc hơn vì họ mua với giá cao.
Eugène Bays, thuộc Ban kinh tế khai thác gỗ vùng Wallonie, cho biết: “Nhìn tổng thể, các xưởng cưa trong vùng có thể có được khoảng 17.000 mét khối gỗ được đề nghị giữ lại cho kinh tế địa phương, hiện nay con số đó là khoảng 4.000 mét khối”.
Nghe đâu tại châu Á có câu nói này: ‘Nếu tôi rút một mắt xích bên trên ra thì cả dây chuyền sẽ đổ sụp và tất cả những cánh cửa sẽ mở ra cho chúng ta để chiếm lĩnh thị trường’
Ông chủ xưởng cưa xẻ Martial Camps ở vùng Wallonie (Bỉ)
Trong thập niên 1990, cây dẻ (hêtre) cũng lâm vào tình cảnh tương tự: xuất khẩu quá nhiều, không cạnh tranh được với giá chào mua từ các thị trường ngoài nước và thiếu nguyên liệu để chế biến.
Hậu quả là hiện nay chỉ còn lại một xưởng cưa duy nhất chế biến loại gỗ này còn sống sót trong vùng.
Theo ông Eugène Bays, “nếu áp lực về thị trường quá lớn thì các xưởng cưa xẻ gỗ chắc phải đóng cửa thôi. Rồi đến một lúc nào đó, chúng ta lại quay về tình trạng độc quyền rất tai hại đối với những chủ sở hữu rừng, chắc chắn là như vậy”.
Nếu như các xưởng cưa xẻ gỗ đóng cửa hết, thì 1.000 lao động trực tiếp cũng sẽ phải nghỉ việc, và cả một hệ thống ngành nghề cũng bị ảnh hưởng theo.
Ông chủ Martial Camps kết luận: “Phía sau các xưởng cưa còn có cả một hệ thống hoạt động sử dụng rất nhiều nhân công, nào là những thợ mộc đến tìm mua gỗ thành phẩm của chúng tôi, rồi những cơ sở sản xuất hàng nội thất, ván sàn,… Tất cả họ sẽ đói nguyên liệu nếu như không còn các xưởng cưa như chúng tôi đây. Ngành chế biến gỗ mà ngưng hoạt động thì sẽ có 1.000 nhân công xưởng cưa thất nghiệp, và cả 10 lần, 20 lần số người như thế trong toàn ngành không có việc làm”.
Nhưng có vẻ những người thợ gỗ ở Wallonie vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu nào đối đầu với những ông chủ Tàu lắm tiền làm ăn bất chấp.
Theo Tường Nguyễn / tuoitre.vn