Các chuyên gia cho rằng một lý do đằng sau việc Chủ tịch Kim lựa chọn tàu hỏa tới Hà Nội đó là vì ông của Chủ tịch Kim là Kim Nhật Thành cũng tới Việt Nam năm 1958 và 1964 bằng máy bay và tàu hỏa để tới Hà Nội qua Trung Quốc. Chủ tịch Kim thường làm giống ông của mình để củng cố ý tưởng rằng ông là người thừa kế của ông Kim Nhật Thành.
Khi tàu đi qua Trung Quốc, chuyến đi của Chủ tịch Kim cũng được xem là một cách để Triều Tiên tự hào có mối quan hệ gần gũi với đồng minh của mình.
Con tàu bọc thép cũng được cho là sự lựa chọn an toàn hơn đối với Chủ tịch Kim so với máy bay Chammae-1 đã cũ và thiếu những phi công có kinh nghiệm. Máy bay Chammea-1 là máy bay Il-62M sản xuất từ thời Xô viết, có thể bay quãng đường 10.000km. Khi Chủ tịch Kim tới Singapore bằng máy bay trong thượng đỉnh đầu tiên với TT Trump hồi tháng 6/2018, ông cũng đã dùng máy bay mượn của chính phủ Trung Quốc.
Cựu trợ lý về mặt giao thức Tak Huyn-min của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng việc Chủ tịch Kim đi tàu là một “lựa chọn tuyệt vời” cho nhóm giao thức của Triều Tiên.
“Trước hết, họ khiến cho việc di chuyển của ông Kim được báo chí quan tâm. Họ đã tạo đủ các câu chuyện với binh lính xếp hàng tại các nhà ga và với ý nghĩa lịch sử của việc đi tàu từ Triều Tiên tới Việt Nam” – ông Tak cho biết trên trang Facebook của mình.
“Họ đã khiến cả thế giới, và chúng ta chứng kiến một thực tế đơn giản rằng đường tàu ở Bình Nhưỡng được nối thẳng tới Việt Nam, nó kích thích chúng ta có suy nghĩ rằng một con tàu khởi hành từ Busan có thể đi qua Bình Nhưỡng để tới các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam”.
Con tàu mà Chủ tịch Kim sử dụng thường được xem như một “khách sạn đặc biệt” biết đi. Con tàu mang số hiệu DF-0002 khác so với mẫu mà cha ông là Kim Jong-il đã sử dụng với số hiệu DF-0001. Người ta cho rằng con tàu đặc biệt này được chế tạo với cơ sở an ninh cao cấp và có nội thất rất giống khách sạn.
Hải Yến
Theo Korean Herald
Nguồn: giaoducthoidai.com