Chúng ta cần học hỏi từ người Bắc Âu là đứng quá coi trọng đến việc kiếm tiền, chăm chăm nhìn vào hình mà cần tạo ra “hygge” trọng cuộc sống của mình.
Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, trong khi Burundi là nước kém hạnh phúc nhất. Đó là kết quả tổng kết của Mạng lưới về Phát triển Bền vững Liên Hợp Quốc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018 mới được công bố gần đây.
Theo bản xếp hạng mới nhất của Liên Hợp Quốc, 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (trong đó các nước Bắc Âu luôn chiếm ưu thế) gồm Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Island, Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Canada, New Zealand, Thuỵ Điển và Australia.
Năm 2017, từ vị trí thứ 5 Phần Lan đã vượt Na Uy để trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Cho dù phải trải qua mùa đồng khắc nghiệt, u ám và lạnh lẽo, người dân Phần Lan cho biết được hoà mình với thiên nhiên, sự an toàn, hệ thống chăm sóc trẻ em, trường học tốt và y tế miễn phí là một số trong những điều tuyệt vời nhất ở nước này.
Tại châu Mỹ La Tinh, Costa Rica là nước hạnh phúc nhất ở khu vực này, đứng vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng về hạnh phúc toàn cầu, vượt các nước phát triển như Đức, Mỹ và Anh.
Đáng chú ý, Mỹ, cường quốc vốn được coi là số một thế giới, có sự tụt hậu về chỉ số hạnh phúc cho dù kinh tế nước này tăng trưởng hơn.
Trong bảng xếp hạng về hạnh phúc toàn cầu năm 2018, Mỹ đứng vị trí thứ 18, giảm bốn bậc so với năm 2017. Đứng sau Mỹ là Anh (19) và Saudi Arabia (20).
Những vấn đề liên quan đến sức khoẻ nổi cộm như tình trạng béo phí, trầm cảm và lạm dụng thuốc gia tăng tại Mỹ nhanh hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Và mặc dù thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ tăng mạnh trong 50 qua, song thể trạng hạnh phúc của người dân Mỹ còn bị chi phối sự suy yếu của các mạng lưới hỗ trợ xã hội, tình trạng tham nhũng gia tăng trong các cơ quan chính phủ và kinh doanh và niềm tin thuyên giảm đối với các tổ chức công và các đảng phái chính trị.
Vị trí thứ 18 không phải là quá tồi tệ song nói lên nhiều điều đối với một đất nước giàu, nơi thu nhập bình quân đang tăng tỉ lệ nghịch với hạnh phúc.
Điều gì đem lại hạnh phúc bền vững đến vậy cho người Bắc Âu?
Những lý do được liệt kê ra thường là mặc dù là những nước có hệ thống “sưu cao thuế nặng”, song các hệ thống này giúp cho cuộc sống của người dân được đảm bảo hơn và tốt hơn đáng kể như hệ thống chăm sóc y tế và giáo dục miễn phí, chất lượng cao. Chế độ nghỉ phép dài cho bố mẹ và các mô hình trên thị trường lao động bảo vệ tránh những rủi ro lớn về việc làm và thất nghiệp.
Giáo sư tâm lý học tại trường đại học Dickinson, Marie Helweg-Larsen (người Đan Mạch), chia sẻ các nước này có một nền tảng xã hội được coi yếu tố quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Đối với người Đan Mạch, đó là “hygge”. Thật khó dịch chính xác từ “hygge”, song theo bà Helweg-Larsen đó là “việc tạo ra sự ấm cúng có chủ đích” mà có thể thấy trong mọi mặt của đời sống như những buổi tương tác xã hội gần gũi và ấm áp. Theo bà, đó là một danh từ, một động từ hay tính từ và cảm giác hygge có thể đến khi bạn có những trải nghiệm an toàn, cân bằng và hài hoà được chia sẻ. Đôi khi đó chỉ là uống một tách cà phê với một người bạn bên bếp lửa hồng hay là một chuyến dã ngoại ở công viên vào mùa hè.
Thuỵ Điển, Na Uy và Hà Lan cũng có những triết lý sống tương tự như hygge, theo bà Helweg-Larsen.
Trong bản Tổng kết về Hạnh phúc Toàn cầu, có riêng một chương dành để phân tích về sự suy giảm hạnh phúc của người Mỹ. Jeffrey D. Sachs công tác tại trường Đại học Columbia, tác giả của chương này cho rằng có ba biến số chính đứng đằng sau hiện tượng này. “Thể trạng hạnh phúc chủ quan của nước Mỹ được quyết định về mặt hệ thống bởi ba yếu tố có liên quan đến nhau như nạn béo phì, tình trạng lạm dụng thuốc (đặc biệt là thuốc giảm đau nhóm opioid) và trầm cảm.”
Theo chuyên gia Sachs, tỉ lệ béo phì gia tăng do dùng nhiều đường, tình trạng sử dụng đồ ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn lan tràn cùng việc chuyển từ uống cà phê sang soda trong một vài thập kỷ qua. Tình trạng nghiện opiod gia tăng tại nước Mỹ trong những năm gần đây và khiến tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ giảm.
Cuối cùng, trầm cảm đang bắt đầu trở thành hiện tượng phổ biến không chỉ tại Mỹ mà trên toàn thế giới. Hơn nữa, trầm cảm không hẳn là căn nguyên khiến chỉ số hạnh phúc tại Mỹ giảm mà còn là một triệu chứng của một vấn đề khác. Ông Sachs còn liệt kê ra một số yếu tố như: các yếu tố xã hội, như việc thiếu sự hỗ trợ về mặt xã hội và tình trạng cô đơn và cô lập gia tăng; những vấn đề kinh tế, bao gồm căng thẳng về tài chính và sự bất bình đẳng về thu nhập: chủ nghĩa vật chất lên ngôi trong những năm gần đây được coi liên quan đến chứng trầm cảm; những vấn đề về thể chất (nghiện đường, béo phí, thiếu vận động) và một thực tế là mọi người đang tiêu tốn nhiêu thời gian vào mạng xã hội và điện thoại thông minh.
Một số trong những yếu tố khả biến này có liên quan mật thiết với nhau đến mức khó có thể tách rời và chúng như những vòng tròn luẩn quẩn tiếp tục quay. Thật khó tách rời các hiện tượng khỏi nguyên nhân, song chúng ta bắt đầu có thể làm tốt hơn nếu nhận thức ra nó. Chúng ta có thể học hỏi từ người Đan Mạch và người Bắc Âu đó là đừng quá coi trọng đến việc kiếm tiền và việc chăm chăm nhìn vào màn hình mà hãy tạo ra “hygge” như một phần trọng tâm hơn trong cuộc sống của mình./.