Ngày 8.5.1945, cả nhân loại mừng vui khi phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc tại châu Âu, mở ra giai đoạn phát triển mới trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, khi thế giới hồi sinh sau thảm họa diệt chủng thì nước Đức thời hậu phát xít lại có bước ngoặt lớn trong lịch sử. Đó là sự chia cắt.
Sau một thời gian chiếm đóng nước Đức thời hậu chiến, các quốc gia đồng minh gồm Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp đã quyết định trao lại chủ quyền quốc gia cho người Đức. Song vì không thống nhất về xây dựng tiến trình dân chủ cho nước Đức thời hậu chiến, các quốc gia đồng minh đã quyết định chia nước Đức thành hai quốc gia tách biệt.
Hiệp ước thống nhất Đông Đức và Tây Đức
Do ảnh hưởng bởi ý thức hệ đối lập, Đông Đức và Tây Đức luôn đối nghịch. Thủ đô Berlin cũng bị chia làm hai và luôn là nơi thể hiện mâu thuẫn giữa hai miền. Để ngăn chặn người dân Đông Đức chạy sang Tây Đức, ngày 13.8.1961 chính quyền Cộng hòa Dân chủ Đức đã cho xây dựng một bức tường ngăn đôi thành phố Berlin.
Bức tường Berlin được xem là biểu tượng rõ rệt nhất của chiến tranh lạnh hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Trong những năm 1980, làn gió của đổi mới và công khai từ Liên Xô đã tạo ra nhiều thay đổi lớn trong đời sống chính trị tại Đông Âu và Đông Đức cũng bị ảnh hưởng bởi làn gió ấy. Kết quả vào ngày 9.11.1989, bức tường Berlin đã bị phá bỏ sau 28 năm tồn tại.
Cuộc bầu cử tự do ngày 18.3.1990 tại Cộng hòa Dân chủ Đức đã tạo điều kiện cho việc thương lượng giữa Tây Đức và Đông Đức để tái thống nhất nước Đức. Hiệp ước thống nhất Đức-hiệp ước “2+4” ký kết giữa Đông Đức, Tây Đức và bốn cường quốc chiếm đóng Đức thời hậu chiến (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp)- đã chính thức trao chủ quyền đầy đủ cho nước Đức thống nhất.
Theo Khoản 2, Điều 2, Chương I của hiệp ước thống nhất Đức, ngày 3.10 được chọn là Ngày Quốc gia tại Đức – ngày nước Đức chính thức thống nhất. Đã 26 năm trôi qua, một nước Đức thống nhất đã thực sự xóa nhòa trong ký ức của nhiều người về hai quốc gia Đông Đức và Tây Đức từng tồn tại hơn 40 năm trên bản đồ thế giới.
Kinh tế nước Đức sau thống nhất đứng thứ 4 thế giới
Rất nhiều người đã từng đặt câu hỏi liệu thống nhất Đông Đức và Tây Đức có phải là ý nguyện của người Đức hay không, bởi lẽ trước khi thống nhất, Đông Đức thua kém quá xa Tây Đức về mọi mặt. Tiềm lực của Đông Đức quá nhỏ bé so với Tây Đức, chất lượng sống của người dân miền Đông Đức thấp hơn nhiều so với Tây Đức.
Tuy nhiên, cá nhân người viết luôn cho rằng thống nhất nước Đức là ý nguyện của cả dân tộc Đức chứ không chỉ ở thượng tầng kiến trúc – không chỉ là ý muốn của lực lượng cầm quyền tại hai miền nước Đức. Có thể thấy việc chia cắt nước Đức thời hậu chiến là do ý muốn của các quốc gia đồng minh – lực lượng quyết định chiến thắng phát xít.
Người Đức phải chấp nhận chia cắt vì là quốc gia bại trận. Do vậy, chênh lệch giữa hai miền nước Đức sau hơn 40 năm tồn tại của Tây Đức và Đông Đức là hậu quả bởi chính sách “chia để trị” của các quốc gia đồng minh. Vì vậy, điều đó không tạo ra rào cản quá lớn trong việc tái hòa hợp giữa hai miền.
Chứng kiến nước Đức thống nhất, nhiều người cho rằng nước Đức phải mất vài thập kỷ thì “nước Đức cộng sản mới hòa tan trong nước Đức tư bản”, song thực tế không như vậy.
Ngay sau khi thống nhất, ngày 20.6.1991, Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức (tên gọi của nước Đức sau tái thống nhất) đã ra nghị quyết dời thủ đô từ Bonn về lại Berlin. Và cũng từ đó, đời sống chính trị- xã hội trên toàn nước Đức nhanh chóng ổn định, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho phát triển kinh tế.
Hiện tại kinh tế nước Đức đứng vị trí thứ 4 trong các nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Tốc độ phát triển và chất lượng phát triển của nước Đức thống nhất luôn được nhiều quốc gia ngưỡng mộ.
Nước Đức hiện tại là quốc gia có tổng giá trị sản xuất – chế biến lớn nhất thế giới. Đức đang là đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu (EU). Đức là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 3 trong nhóm G7, sau Mỹ và Nhật. Trong nhóm G20, quy mô kinh tế Đức lớn thứ 4 sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật.
So sánh nước Đức thống nhất với Yemen
Cho dù không phải là thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, song vai trò của nước Đức không khác gì nhiều thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Những định chế 2+1, 3+1, 4+1 hay 5+1 luôn được tạo ra trong việc giải quyết nhiều vấn đề lớn, quan trọng, phức tạp trên thế giới và đó cũng là thái độ ghi nhận vai trò ngày càng lớn của nước Đức thời hậu thống nhất.
Cũng nên nhớ lại rằng năm 1990, người dân thế giới chứng kiến bốn quốc gia sát nhập lại với nhau hình thành nên hai quốc gia thống nhất. Ngoài Đông Đức sát nhập với Tây Đức hình thành nên Cộng hòa Liên bang Đức còn có Cộng hòa Nam Yemen sát nhập với Cộng hòa Bắc Yemen cho ra đời nước Cộng hòa Yemen.
Song cho đến nay thì Yemen thời hậu thống nhất đang bị xâu xé bởi mâu thuẫn sắc tộc, đảng phái và ngoại bang. Người dân Yemen đang phải sống trong đạn pháo vì những toan tính thấp hèn và tranh giành ảnh hưởng giữa các quốc gia muốn làm “bá chủ Trung Đông”. Chính quyền Yemen đã bị đánh bật khỏi chiếc ghế quyền lực và không thể thực hiện chủ quyền quốc gia.
Điều đó càng cho thấy ý nghĩa thống nhất nước Đức lớn lao như thế nào. Và sự thực đang chứng minh thống nhất hai nhà nước Đông Đức và Tây Đức là đáp ứng ý nguyện của người dân Đức. Mọi chia cắt đều không thể chấp nhận, song việc tái lập thì phải đáp ứng được ý nguyện toàn dân tộc thì đất nước sau thống nhất mới hy vọng có được phồn vinh.
Nước Đức đối mặt chủ nghĩa khủng bố và dân tộc cực đoan
Hiện tại nước Đức cũng như châu Âu đang phải đối mặt với chủ nghĩa khủng bố quốc tế và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang có nguy cơ bùng phát trở lại. Nằm ở trung tâm châu Âu nên thực tế đó khiến cho bất ổn đang hình thành trong lòng xã hội Đức. Giới trẻ Đức-nhất là những người trưởng thành sau ngày thống nhất-đang phục sinh tư tưởng phân biệt chủng tộc.
Nguyên tắc đưa tự do và dân chủ truyền thống phương Tây dựa trên phạm trù nhân quyền đang bộc lộ khiếm khuyết. Với suy nghĩ tự do-dân chủ là “có thể làm bất cứ điều gì mình muốn” đang khiến cho một bộ phận giới trẻ kích động tư tưởng dân tộc cực đoan và gây nên bất ổn xã hội.
Việc đặt ra các quy phạm là để điều chỉnh xã hội vận hành theo những nguyên tắc nhất định, nghĩa là “khép cánh cửa tự do vô tổ chức, dân chủ vô nguyên tắc” và dần mở ra cùng với sự phát triển của xã hội. Tính hai mặt của mọi sự vật, hiện tượng luôn là bất biến nên “mở cửa cho tự do, dân chủ” cũng làm xuất hiện những ảnh hưởng trái chiều.
Theo tin mới nhất, khoảng 30 người Đức đã tấn công một nhóm khoảng 10 người nước ngoài vào tối 30.9 tại quảng trưởng Marie ở thành phố Schwerin (bang Mecklenburg-Vorpommern). Hồi đầu tuần, hai công dân Syria cũng đã tấn công một nhóm người di cư và một người dân ở Schwerin.
Như vậy là quyền sống – quyền cơ bản nhất của con người đang bị xâm hại Có thể thấy rằng, tự do phải trong khuôn khổ – khuôn khổ của tự do chính là tiến bộ xã hội. Nếu vượt quá khuôn khổ thì tự do sẽ dẫn đến vô tổ chức và con người sẽ bị lệ thuộc, nô lệ vào “cái gọi là tự do” ấy.
Còn dân chủ cũng phải có nguyên tắc – nguyên tắc của dân chủ cũng chính là tiến bộ xã hội. Nếu vượt quá nguyên tắc thì sẽ dẫn tới dân chủ quá trớn và con người sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn với những nguyên tắc của chính mình. Hiện nay, chủ nghĩa khủng bố cũng đang vận dụng cái sự luẩn quẩn ấy để rao giảng chủ thuyết của chúng.
Khi “cánh cửa của tự do-dân chủ” được mở không hợp lý, không tương thích với phát triển của xã hội, từ đó sẽ gây ra nghịch lý là càng tự do, càng dân chủ thì chủ nghĩa khủng bố càng có điều kiện khẳng định sức mạnh chủ thuyết. Bom đạn có thể giết chết bọn khủng bố nhưng không thể tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố, nếu không định nghĩa lại tự do-dân chủ.
Thất bại của Thủ tướng Angela Merkel
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng lên án nguyên tắc tự do-dân chủ được mở ra không phù hợp với phát triển của xã hội. Nhà lãnh đạo huyền thoại đã định nghĩa lại sự tự do và nền dân chủ, từ đó xây dựng nguyên tắc tự do-dân chủ cho Singapore. Đó là đóng khung tự do, dân chủ trong phạm trù dân quyền, gắn liền với thể chế chính trị và hình thức nhà nước
Theo đó, tất cả những gì “được gọi là tự do, dân chủ” mà không tương thích với phát triển xã hội, làm suy yếu nhà nước, làm ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân đều không thể tồn tại hợp pháp. Và có lẽ đây chính là vấn đề mà nước Đức phải đối mặt trong hiện tại và trong cả tương lai.
Thất bại của Thủ tướng Angela Merkel và đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) trong cuộc bầu cử vùng hồi tháng 9.2016 là hậu quả bởi chính sách người tị nạn thân thiện của bà Merkel. Sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang ảnh hưởng tới phát triển và thách thức vai trò của nước Đức trên trường quốc tế có được sau hơn 1/4 thế kỷ thống nhất.
Tóm lại. sau 26 năm nhìn lại có thể nhận định thống nhất nước Đức là phù hợp với nguyện vọng của dân tộc Đức, do vậy tạo ra nguồn lực giúp thúc đẩy nước Đức phát triển và ngày càng chứng tỏ được vị thế, vai trò của một cường quốc trên thế giới. Song những vấn nạn hiện tại có thể khiến nước Đức phải đối mặt với nhiều hệ lụy trong tương lai.
Các chỉ số kinh tế nước Đức thống nhất
Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nước Đức khi thống nhất năm 1990 là 1.764,9 tỉ USD và 22.352,9 USD/đầu người. 5 năm sau thống nhất (năm 1995), GDP của Đức là 2.591,4 tỉ USD và 31.752,9 USD/đầu người. 15 năm sau thống nhất (năm 2005), GDP của Đức là 2.861,3 tỉ USD và 35.217,9 USD/đầu người.
Sau tròn 1/4 thế kỷ kể từ ngày thống nhất Đông Đức và Tây Đức, GDP của nước Đức năm 2015 là 3.355,77 tỉ USD và 45.629,79 USD/đầu người. Như vậy sau 25 năm thống nhất, GDP của nước Đức đã tăng gấp đôi. Mức sống của người dân Đức – tính theo thu nhập bình quân/đầu người – tăng 2.04 lần.
Ngọc Việt / motthegioi.vn