Nước Đức đã trở thành quê hương thứ hai cho hàng nghìn người tị nạn từ Syria, Afghanistan. Thế nhưng cuộc sống của họ ở quốc gia thịnh vượng nhất thế giới cũng vẫn chưa hoàn toàn bình yên.
Vài năm trước, Moschka Mohammadi không biết đọc, biết viết.
Nhưng hiện tại cô bé người tị nạn Afghanistan 11 tuổi đã thông thạo tiếng Đức và trở thành phiên dịch viên cho chính cha mẹ mình trong cuộc sống thường ngày ở quốc gia châu Âu- quê hương thứ hai của họ.
Moschka mới chỉ biết đến trường học đúng một ngày – còn lại quãng thời gian cô bé phải trốn trong những hầm trú ẩn khi các cuộc giao tranh bắt đầu nổ ra trong làng.
Gia đình Moschka rời làng đến Kabul trước khi bắt đầu một hành trình dài đến Đức.
Họ là một trong số gần một triệu người tị nạn đã chọn Đức để tìm kiếm một cơ hội sống mới kể từ năm 2015 theo chính sách mở cửa đón nhận người nhập cư của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Với những thương đau từng trải qua, suy nghĩ của cô bé Moschka có lẽ đã vượt qua những đứa trẻ cùng lứa luôn được sống trong hòa bình.
“Tôi biết rằng một số người đang khó chịu với chúng tôi, với những người tị nạn”, cô bé 11 tuổi tâm sự. “Nhưng nếu họ đặt bản thân mình vào những người tị nạn, họ sẽ biết được chúng tôi đã trải qua những thứ khắc nghiệt như thế nào”.
Altena, một thị trấn công nghiệp phía Tây nước Đức, đã phải đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế sau khi ngành gang thép rơi vào khủng hoảng.
Việc làm bị mất, các doanh nghiệp đóng cửa, nhiều người đã rời đi tìm vùng đất mới. Dân số nơi này đã giảm hơn 10%.
Như một giải pháp có lợi cho cả đôi bên, Thủ tướng Merkel đã đưa những người nhập cư mới đến đây để đầu tư cho nguồn nhân lực trong tương lai.
Thị trấn đã tiếp nhận khoảng 400 người tị nạn và thiết lập một chương trình phù hợp để những người này có thể hòa nhập với nền văn hóa Đức và những thủ tục hành chính rắc rối ở nơi đây.
Phản ứng của người dân địa phương cũng chia thành hai dòng ý kiến.
Những người bảo thủ gọi đây là cuộc khủng hoảng, trong khi nhiều công dân khác chào mừng những người hàng xóm của họ bằng sự nhiệt tình.
Thị trưởng của Altena, ông Andreas Hollstein cho biết, những người tị nạn nhanh chóng được sắp xếp làm việc tại các nhà máy thép. Một số nhanh chóng thích nghi và học tiếng Đức rất nhanh, nhưng nhiều người khác gặp khó khăn trong việc tiếp nhận văn hóa mới và phải bắt đầu lại từ đầu.
Thời gian sau đó, có những bất đồng nhỏ bắt đầu diễn ra.
Một thanh niên địa phương quá khích đã ném một quả bom vào nhà một gia đình người Syria, khiến họ phải đi cấp cứu vì bị ngạt khói. Người này sau đó đã bị bắt và bị kết án bốn năm tù.
Bernadette Koopmann là một trong những người chào đón và giúp đỡ nhiệt tình đối với người tị nạn ở nơi đây.
Koopmann hiện là cố vấn hòa nhập cho gia đình của Moschka cùng nhiều gia đình Afghanistan khác.
Cô đến thăm họ ít nhất mỗi tuần một lần để giảng dạy tiếng Đức, cũng như giải thích cho họ biết về chính sách của chính quyền địa phương.
Đến với nơi đây, người ta có thể chứng kiến những công trình mới đang được xây dựng trên khắp Altena.
Những người tị nạn đang trở thành một phần tạo nên sự phát triển của thị trấn bé nhỏ. Thủ tướng Merkel đã ca ngợi Altena như một câu chuyện thành công về sự hòa hợp con người.
Nhưng ở cách đó khoảng 500km tại thành phố giàu có Bautzen, miền Đông nước Đức – những người tị nạn không có được bình yên đến như vậy.
Thành phố này được yêu cầu tiếp nhận 900 người tị nạn, tuy nhiên chính quyền địa phương đã hào phóng hơn với việc đón nhận 1.700 người – gần gấp đôi với những gì được yêu cầu.
Những cuộc biểu tình đã nổ ra và một nơi trú ẩn tị nạn đã bị thiêu rụi khiến cho cảnh sát phải liên tục được tăng cường.
Với những đặc điểm lịch sử và văn hóa khác biệt, những người dân nơi đây được mô tả là có thái độ khó khăn hơn ở bất cứ nơi đâu trên nước Đức trong vấn đề đón nhận người nước ngoài về chung sống.
Những vụ xô xát liên tục diễn ra khiến Bautzen luôn là tâm điểm trên các mặt báo. Một số ý kiến cho rằng, thành phố này là trường hợp điển hình về sự thất bại của chính sách tị nạn.
Dẫu vậy, nó không phải là quá tệ với một số người. Yahya, một thanh niên 21 tuổi đã học tiếng Đức nhanh chóng và sớm trở nên thành thạo.
Anh có hai công việc chính và kiếm đủ tiền để sắm sửa một căn hộ. Yahya chỉ là một trong nhiều “câu chuyện thành công” ở nơi đây bên cạnh một bác sĩ gốc Syria đã sớm trở thành nhân vật có tiếng trong thành phố chỉ sau 3 năm làm việc.
Một số người dân địa phương có cái nhìn kém lạc quan về chính sách mở cửa đón nhận người tị nạn.
Họ lo ngại tình trạng tội phạm sẽ trở nên khó kiểm soát hơn, đặc biệt là sau vụ tấn công tình dục tại Cologne vào ngày lễ đón năm mới 2016, nơi cảnh sát cho biết một số người đàn ông nhập cư đã tấn công phụ nữ trong màn bắn pháo hoa tại quảng trường chính của thành phố.
Thị trưởng thành phố Bautzen, ông Alexander Ahrens cho biết, có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để người bản địa có thể bỏ qua sự lo ngại đối với những người bạn mới của mình.
Theo Quốc Vinh / nguoiduatin.vn