Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch tiếp nhận ít nhất 50.000 người tị nạn trực tiếp từ châu Phi, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 2 năm tới.
Kế hoạch này là nỗ lực nhằm giảm số tàu thuyền chở người di cư vượt Địa Trung Hải đầy nguy hiểm tới châu Âu, giảm nạn buôn người và thể hiện sự chia sẻ trách nhiệm với các nước thứ 3, đặc biệt là những nước châu Phi.
Chính sách ưu tiên
Theo Ủy viên EU phụ trách vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos, EU sẽ có cơ chế tái định cư mới nhằm đưa ít nhất 50.000 người (thuộc diện dễ bị tổn thương nhất, cần có sự bảo vệ quốc tế) tới châu Âu trong vòng 2 năm. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ dành 500 triệu USD cho nỗ lực tái định cư người tị nạn, trong đó tập trung chủ yếu là người tị nạn từ Lybia, Ai Cập, Nigeria, Sudan, Cộng hòa Chad và Ethiopia.
Kế hoạch giúp đỡ người tị nạn phần lớn đến từ Bắc Phi này, dự kiến thực hiện đến tháng 10-2019, là một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn tội phạm buôn người tại Địa Trung Hải, đồng thời giảm áp lực của dòng người di cư dọc tuyến Địa Trung Hải nguy hiểm trên hành trình từ Libya tới Italia. Ngoài ra, kế hoạch còn giúp cải thiện cuộc sống của nhiều người tị nạn đang tìm kiếm sự bảo trợ; khuyến khích các chương trình tài trợ tư nhân giúp người di cư tránh nạn buôn người và đến châu Âu hợp pháp. Tuy nhiên, EU cũng sẽ đẩy mạnh việc gửi trả lại người di cư bất hợp pháp – tức là những người không được cấp quy chế tị nạn.
Theo EC, chương trình lần này khác với chương trình phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư gây tranh cãi của EU, trong đó chuyển những người di cư đã đến lãnh thổ Italia và Hy Lạp sang các nước EU khác theo hạn ngạch bắt buộc.
Kế hoạch mới ra đời sau khi chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 2 năm vừa kết thúc vào ngày 27-9 vừa qua, khi đã tái định cư cho 29.000 người tị nạn, một phần trong kế hoạch tái định cư 160.000 người ở Hy Lạp và Italia đến các nước châu Âu khác nhằm giảm áp lực đối với những nước ở tuyến đầu của dòng người di cư. Với kế hoạch này, Hungary và Slovakia đã từ chối hợp tác, Anh không tham gia. Tính đến 22-9-2017, ngoài 29.000 người được tái định cư, đã có 47.905 người được các nước EU cam kết tiếp nhận.
Mở rộng trong khối Schengen
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28-9, EC cũng công bố kế hoạch cho phép các quốc gia tham gia Hiệp ước Schengen về đi lại tự do trong khối tái áp dụng thêm 3 năm các biện pháp kiểm soát biên giới vì lý do an ninh. Tuyên bố của EC nhấn mạnh, các quốc gia thành viên có thể gia hạn các biện pháp kiểm soát nếu mối đe dọa an ninh vẫn còn hiện hữu.
Theo quy định hiện nay, 26 nước trong khối Schengen chỉ có thể tái áp dụng kiểm soát biên giới trong 6 tháng vì các lý do an ninh và 2 năm nếu có thêm mối đe dọa tới các khu vực biên giới, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng người di cư.
Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu xảy ra từ năm 2015 khiến các quốc gia đau đầu tìm hướng giải quyết, trong đó có cả biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới, đàm phán và đi đến ký kết thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn dòng người di cư hay đóng cửa tuyến lộ trình Balkan – tuyến đường di cư chính vào châu lục này. Nhiều quốc gia châu Âu cũng đẩy nhanh việc trục xuất những người không được phê duyệt đơn xin tị nạn.
Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) trước đó đã kêu gọi các nước EU xem xét lại và hạ thấp mức sàn đủ điều kiện tái định cư, nhưng đến nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề hóc búa mà lục địa già chưa thể giải quyết liên quan cuộc khủng hoảng này.
Theo Hạnh Chi (Tổng hợp) / sggp.org.vn