Chủ tịch HĐQT chợ Đồng Xuân Berlin: Người Việt ở Đức được Chính phủ sở tại đánh giá là số 1. Chúng tôi đã tạo được lòng tin đối với họ.
Trung tâm thương mại Đồng Xuân (Đồng Xuân Centre hoặc chợ Đồng Xuân) nằm trên con phố Herzberg ở quận Lichtenberg phía Đông Berlin, nơi có gần 4.000 người Việt Nam sinh sống. Đây không chỉ là địa chỉ thân thiết của cộng đồng người Việt Nam ở CHLB Đức mà còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với người dân bản địa và du khách các nước.
Người có công thành lập Trung tâm thương mại này là ông Nguyễn Văn Hiền, quê Ninh Bình, sang Đông Đức lao động từ khi 30 tuổi. Hai năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ông ở lại làm ăn buôn bán tự do. Thời gian đó, ông Hiền có điều kiện để mua khu đất, sau này trở thành Đồng Xuân Centre sầm uất. Tổng diện tích của Trung tâm là 18ha. Trong đó, khu kinh doanh chia làm 4 dãy nhà lớn rộng khoảng 40.000m2 cho người Việt, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Đức thuê kinh doanh buôn bán lương thực, thực phẩm, giày dép, thủ công mỹ nghệ…
Ông Nguyễn Văn Hiền (bên phải) tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền VN tại CHLB Đức Đoàn Xuân Hưng đến thăm chợ Đồng Xuân ở Berlin. |
Tạo việc làm cho cộng đồng người Việt tại Đức
Ông Hiền mua vĩnh viễn khu đất này từ năm 2003. Đến nay, Trung tâm thương mại này đã tạo ra việc làm cho hơn 1.000 người Việt, người Đức và người nước khác. Quan trọng nhất, Trung tâm thương mại Đồng Xuân là cầu nối giao thương giữa Việt Nam và các nước, tạo việc làm cho nhiều gia đình người Việt sống ở Đức, có vị trí rất quan trọng đối với chính quyền sở tại, là yếu tố kinh tế rất có ý nghĩa với quận này và với thành phố nên được chính quyền sở tại rất lưu tâm.
Ông Hiền tự hào nói: “Sắp tới, bến tàu điện trước cửa chợ Đồng Xuân sẽ được đổi thành Bến Đồng Xuân (đã được Quốc hội Đức ủng hộ). Chúng tôi thường xuyên gặp các Thượng nghị sĩ Quốc hội, Chủ tịch thành phố và Quận để trao đổi phát triển kinh tế”.
Nhưng theo ông Hiền, điều quan trọng nhất mà Trung tâm làm được trong nhiều năm qua là quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Thông qua đó, thu hút rất nhiều khách du lịch Đức về Việt Nam và là cầu nối vô giá giữa 2 dân tộc về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Cộng đồng người Việt Nam ở đây đã góp phần xây dựng và phát triển đất nước Đức.
Trong những năm vừa qua, dù kinh tế gặp khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở Đức vẫn phát triển rất mạnh, làm chủ một số ngành hàng quan trọng như: kinh doanh ăn uống (nhà hàng Việt tại Đức) đã tạo cho hàng ngàn người Việt tại đây có công văn việc làm. Hiện hệ thống nhà hàng Việt Nam ở Đức đã mở rộng sang các nước: Anh, Pháp, Hungary, Bulgaria, Cộng hòa Czech… Thông qua việc mở rộng này cũng tạo thêm việc làm cho người Việt ở Đông Âu, Anh và Pháp.
Ông Hiền khẳng định: “Mở nhà hàng được coi là thành công của người Việt ở Đức. Họ mở rộng nhà hàng không phải chỉ để lấy tiền mà cái chính là quảng bá văn hóa ẩm thực người Việt Nam ở nước ngoài. Món ăn Việt Nam đã khiến người Đức nghiện. Chính điều đó đã khích lệ và thôi thúc họ tò mò muốn đến Việt Nam để du lịch”.
Thành công thứ 2 của người Việt tại Đức đó là dịch vụ làm đẹp cho phụ nữ. Công việc này cũng đã tạo ra rất nhiều việc làm cho người Đức và dịch vụ này được mở rộng ra ở nhiều nước khác.
Một ngành khác là làm hoa tươi cũng rất phát triển, trong nhiều hội nghị lớn ở Đức, người ta chỉ mua hoa Việt Nam bởi người Việt bó hoa rất đẹp và khéo. Người Việt đang làm chủ thị trường ngành này ở Berlin”.
Rất tự hào là người Việt Nam
Sinh năm 1957, ông Nguyễn Văn Hiền sang Đông Đức lao động từ khi 30 tuổi. Hai năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, ông ở lại làm ăn buôn bán tự do. Thời gian đó, ông Hiền có điều kiện để mua khu đất này, sau này trở thành Đồng Xuân Centre sầm uất. Năm 2017, tròn 30 năm ông xa quê hương.
Anh Lê Mạnh Hùng, một người Việt xa quê đã gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc- người đưa âm nhạc truyền thống của Việt Nam đến với Đức- cho biết: “Ông Nguyễn Văn Hiền không xa lạ gì đối với chúng tôi. Ông nổi danh là một doanh nhân thành công, là ông chủ chợ Đồng Xuân và phụ trách rất nhiều doanh nghiệp. Có một thời gian, ông ấy làm Chủ tịch Hội DN CHLB Đức”.
“Hồi đầu mới sang ông Hiền chỉ là người buôn bán nhỏ nhưng ông ấy có gan làm giàu. Bây giờ, ông ấy trở thành người rất giàu, là mạnh thường quân trong các sự kiện lớn ở đây, đặc biệt là thường xuyên kêu gọi ủng hộ người Việt ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Các cơ quan đại diện ngoại giao sang đây thường tìm tới những người như ông ấy để kết hợp làm ăn. Thời gian ông Hiền là Chủ tịch Hội DN, những tầng lớp buôn bán giàu có nể trọng ông. Nếu ai tiếp xúc, dễ nhận thấy, ông ấy là người mạnh mẽ quyết đoán, nghị lực”- anh Hùng nhận xét.
Để có được cơ ngơi khang trang như Trung tâm thương mại Đồng Xuân ngay trên đất châu Âu ngày hôm nay, đối với ông Hiền, đó là niềm tự hào nhưng đằng sau đó là sự hi sinh và tâm huyết rất lớn. Ông Hiền muốn chứng minh cho người Đức thấy rằng: Người Việt Nam rất giỏi và không thua bất cứ ai.
Sống ở nơi đất khách quê người, có rất nhiều khó khăn và áp lực nhưng có khó khăn lớn nhất là sự cạnh tranh khốc liệt, nếu không cố gắng sẽ không có ngày hôm nay.
Bí quyết để thành công nơi đất khách quê người
Nói về bí quyết thành công nơi đất khách quê người, ông Hiền chia sẻ: “Người Việt Nam ở nước ngoài, không riêng gì ở Đức, nếu không hội nhập được thì không thể thành công.
Để hội nhập được mình phải tìm hiểu văn hóa của nước sở tại, bản chất con người ở đó thế nào. Ngoài ra, mình phải hiểu được chính sách, pháp luật của họ mới phục vụ họ được. Hội nhập không phải chỉ là mình phải hiểu họ mà mình phải để họ hiểu mình. Hai bên phải tạo điều kiện cho nhau, hội nhập với nhau. Hội nhập được chính là con đường dẫn tới thành công”.
Chia sẻ thêm, ông Hiền nhấn mạnh: “Một trong những nguyên tắc thành công là yêu nghề; quyết đoán và trung thực với những người cùng làm với mình; hợp tác, chia sẻ lợi nhuận; lòng tin, say mê trong công việc. Ngoài ra, phải biết vượt qua khó khăn. Nếu cái gì cũng dễ dàng thì giá trị rất thấp và sự thành công cũng thấp”./.
Theo Thu Thủy / vov.vn