TBVĐ- Đó không ai khác chính là Giáo sư – Nghệ sỹ Đặng Ngọc Long, người đã đặt dấu ấn to lớn cho âm nhạc dân ca Việt Nam trong các cuộc thi âm nhạc quốc tế.
Là một nhà nghiên cứu âm nhạc, một nghệ sĩ tài ba, một thầy giáo với đông đảo học trò “tây lẫn ta”, và hơn hết là người nghệ sĩ mang trên mình nhiều giải thưởng âm nhạc quốc tế cao quý, Giáo sư – Nghệ sỹ (GS.NS.) Đặng Ngọc Long là một trong những niềm tự hào lớn nhất của người Việt tại CHLB Đức nói riêng và ở khắp mọi nơi trên thế giới nói chung. Chia sẻ với Thời Báo Việt Đức, Ông cho biết rất mong muốn đào tạo những học sinh có năng khiếu và nghị lực từ khắp vùng miền trên đất nước Việt Nam trở thành những tài năng âm nhạc.
“Đam mê đã cho tôi sức mạnh và sự kiên trì”
+ Phóng viên: Thưa ông, là một Nghệ sĩ được mang trên mình rất nhiều danh hiệu cao quý trong nghệ thuật, đồng thời mang không ít trọng trách quan trọng trong các cuộc thi lớn của thế giới, các chương trình giảng dạy, đào tạo. Có bao giờ ông thấy áp lực quá lớn trong việc tìm kiếm, sáng tạo những cái mới để thỏa mãn bản thân cũng như nhu cầu của khán giả?
. GS.NS. Đặng Ngọc Long: Thực ra công việc thì rất nhiều, áp lực thì rất lớn, nhưng niềm đam mê đã cho tôi sức lực và sự kiên trì vô cùng to lớn. Cũng cần phải biết sắp xếp công việc hợp lý, cái gì phải hoàn thành trước, cái gì làm sau. Tôi lấy ví dụ: công việc giảng dạy là thường ngày, nhưng khi có hợp đồng biểu diễn thì có thể hoãn dạy để đi biểu diễn, rồi về dạy bù sau. Hay là khi có chương trình lễ hội (Festival) hoặc cuộc thi quốc tế thì phải được ưu tiên trước, vì sự kiện này chỉ diễn ra mỗi năm mới có một vài lần. Công việc ra đề thi và chấm thi thì càng phải ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra còn thời gian thì sáng tác và sau đó nếu còn thừa „chút đỉnh“ thì đi nghỉ mát cùng gia đình.
+ Có người cho rằng “những ngôi sao nghệ thuật thường nhạy cảm và hay cô đơn dù hay đứng trước đám đông”. Cá nhân Ông nghĩ như thế nào về quan điểm này?
. Quả thật đúng là như vậy. Khi đứng trước công chúng thì niềm vui chung cùng khán giả. Niềm vui này là thành quả lao động nghệ thuât, sau bao ngày đêm miệt mài kiên trì rèn luyện vất vả. Niềm vui này mang tính „Sự nghiệp“. Nhưng khi cuộc vui với công chúng bạn bè đã qua đi, về nhà là sự yên tĩnh của bản thân và gia đình. Nếu gia đình đầm ấm hạnh phúc bên nhau thì niềm vui càng được nhân lên gấp bội. Ngược lại nếu gia đình không yên ổn thì những người của công chúng sẽ bị cám thấy cô đơn, cuộc sống nội tâm lúc đó nó trỗi dậy.
+ Như vậy, xin Ông có thể chia sẻ niềm vui trong cuộc sống của Ông hiện nay là gì?
. Niềm vui cuộc sống của tôi bây giờ là ngồi thưởng thức lại những tác phẩm của chính mình, nhìn lại những đứa con mà tôi đã thai nghén và sinh thành ra chúng. Nếu như hàng ngày ở đâu đó trên trái đất này đang vang lên một giai điệu của tôi, một nét nhạc của tôi, thì niềm vui quả thật là khôn tả xiết bao vì đó chính là lúc những “đứa con” của tôi đã trưởng thành.
Đưa dân ca Việt Nam vào đề thi quốc tế
+ Ông đã truyền bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra nước ngoài như thế nào?
. Tôi rất may mắn được ban tổ chức cuộc thi Guitar Quốc tế tại Berlin (diễn ra 2 năm một lần) trao trọng trách ra đề cho cuộc thi. Ngay từ năm 2006 tôi đã mạnh dạn đề nghị đưa một số bài chuyển soạn và sáng tác pha trộn âm nhạc hiện đại châu Âu với chất liệu âm nhạc dân ca Việt Nam đưa vào chương trình thi và được chấp nhận. Đến nay đã được 10 năm rồi, thành thông lệ, khi nói đến cuộc thi guitar quốc tế tại Berlin là người ta nghĩ đến cuộc thi mà các bài thi bắt buộc là những bài có chất liệu dân ca Việt Nam. Có lẽ chính vì điều mới lạ này mà tap chí Âm nhạc của Pháp đã xếp đứng thứ 4 trong Top 5 của các cuộc thi có uy tín nhất thế giới. Bạn đọc có thể theo dõi thông tin tại địa chỉ http://www.guitaredomination.com/blog/actualites/5-concours-guitare-classique-prestigieux/
+ Mức độ lan tỏa và ảnh hưởng của cuộc thi nói chung và những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng của Việt Nam nói riêng như thế nào, thưa Ông?
Sự ảnh hưởng của nó thì thật lớn, các thí sinh đến đây dự thi đều phải tìm hiểu nguồn gốc của mỗi tác phẩm. Có những thí sinh cất công sang tận Việt Nam vừa đi du lich, vừa làm quen một đất nước mà bài thi của họ hôm sau là những giai điệu của đất nước này. Tình cờ tôi gặp một videoclip thú vị: một giáo viên là người Trung Quốc dạy cho một thí sinh người Đan mạch bài „Núi rừng Tây nguyên“ do tôi (người Việt Nam) sáng tác. Đến bây giờ một số tác phẩm đã trở thành yêu thích trong chương trình biểu diễn của nhiều nghệ sỹ trên thế giới, và như vậy trên trái đất này cũng có thể lúc nào cũng vang lên giai điệu dân ca truyền thống Việt Nam.
Giấc mơ thắp sáng tài năng âm nhạc ở Việt Nam
+ Được biết Ông còn khao khát “mở một trường nhạc ngay tại quê hương để hỗ trợ các tài năng âm nhạc trong nước”. Từ đâu Ông có ý tưởng này?
. Tôi có một người chú rất yêu âm nhạc, đặc biệc, ông rất yêu ghi ta. Năm 2010 tôi về biểu diễn tại Quê hương, ông gặp tôi và nêu ý tưởng này. ông nói với tôi: „Long ạ, chú rất quí cháu, nên muốn bàn với cháu về một dự án trên quê hương. Chú cháu mình sẽ thành lập, xây dựng một trường Âm nhạc (trình độ đại học). Mục đính là đào tạo những học sinh có năng khiếu và nghị lực từ khắp nước về để tu luyện thành tài. Chú sẽ tài trợ toàn bộ số tiền để xây cơ sở vật chất. Cháu hỗ trợ về đào tạo bằng cách: Cháu và đồng nghiệp của cháu từ Đức tình nguyện về giảng dạy“.
+ Dự án đó đã được triển khai thành thực tế chứ, thưa Ông?
. Sau khi chú trình bày một dự án rất âm nhạc và tình người như thế, tôi rất cảm động đến mức ôm lấy ông ấy. Và tất nhiên là tôi đồng ý. Rồi hai chú cháu chia tay. Chú ở lại quê nhà tìm địa điểm, thuê thiết kế bản vẽ, xin giấy phép của bộ ban ngành chức năng. Cháu bên này tìm hỏi các đồng nghiệp, giảng viên, giáo sư nhận lời thiện nguyện. Lên danh sách các khoa, bộ môn, lập chương trình giảng dạy (chủ yếu vào các dịp nghỉ hè, nghỉ thu bên này…).
Mọi công việc đang tiến hành trôi chảy thì đùng cái, tôi thắt tim nhận được tin báo chú đã mất sau một giấc ngủ dài…Tôi thật đau khổ mỗi khi nghĩ về chú, nghĩ về dự án. Tiếc thương một người chú say mê âm nhac, tình thương thật bao la mà ra đi quá sớm.
+ Đó là một sự thật vô cùng đau lòng. Xin Ông cho biết, dự án vẫn tiếp tục được tiến hành chứ?
. Tôi cũng không biết như thế nào, nhưng nếu có một mạnh thường quân nào đó có tình yêu nghệ thuật cháy bỏng, muốn khuyến khích và nâng đỡ các tài năng âm nhạc của đất nước, tiếp quản dự án để thực hiện thì tôi sẵn sàng cộng tác.
+ Sắp tới đây Ông có dự tính gì cho sự nghiệp âm nhạc của mình không, thưa Ông?
. Hiện nay tôi đang khẩn trương thu âm để ra đĩa CD „Long plays Long vol 2” gồm những tác phẩm do tôi sáng tác và chuyển soạn. Việc quan trọng tiếp theo là chuẩn bị đề thi và sáng tác bài thi bắt buộc cho cuộc thi Guitar quốc tế sắp tới vào năm 2018.
Điện ảnh cũng là sở thích của tôi
+ Thời gian gần đây thấy ông đóng nhiều phim trên tuyền hình của Đức, có phim đoạt giải thưởng, Ông cho biết cái duyên cơ nào đưa ông đến với điện ảnh?: . Điện ảnh đến với tôi thật tình cờ, cách đây khoảng 10 năm tôi thường đưa con trai đi đóng phim. Một lần ông quản lý nói rằng người ta cần một vai người Việt Nam trạc tuổi tôi và ông ta muốn tôi thử xem, tôi đồng ý đi Casting (thi tuyển) và đỗ luôn. Vậy là sau lần ấy ông ta giới thiệu tôi theo học lớp „Đào tạo diễn viên điện ảnh“ tại Berlin, đồng thời ông ta làm quản lý tôi luôn cùng với con trai tôi. Thế là từ đó tôi trở thành Schauspieler (diễn viên điện ảnh). Nhưng điện ảnh đối với tôi chỉ là sở thích, thỉnh thoảng chuyền sang công việc khác cho thêm phong phú, vui vẻ, chứ không lấy điện ảnh làm sự nghiệp. |
Giáo sư – Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long hiện đang sống và làm việc tại Berlin-CHLB ĐỨc, là người Việt đầu tiên đoạt giải Guitar Quốc tế tại Hungary (1987). Ông tốt nghiệp bằng Thạc sĩ (1985-1993) tại Học viện Âm nhạc Hanns Eisler (Hochschule für Musik Hanns Eisler) ở Berlin. Từ năm 2004 ông giữ chức Hiệu trưởng trường Âm nhạc Berlin-Gesundbrunnen ở CHLB Đức. Từ năm 2006 làm chủ tịch hội đồng nghệ thuật cuộc thi Guitar Quốc tế tại Berlin. Ông đã biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới (Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Tiệp Khắc, Hungary…). Sau này chính ông từng làm là chủ tịch giám khảo, chủ tịch hội đồng nghệ thuật cho nhiều cuộc thi quốc tế. Năm 1994 một cuộc thi guitar đã được mang tên anh (Long-Wettbewerb für Gitarrensolo) để vinh danh công lao đóng góp của anh cho lĩnh vực đào tạo âm nhạc tại Đức do trường âm nhạc Bernau tổ chức. Chương trình biểu diễn của ông bao gồm tác phẩm từ thế kỷ 15 (Renaissance)- 17(Baroque)- 18 (Klassisch) đến Hiện đại. Ngoài ra ông còn trình diễn các tác phảm do chính ông biên soạn và chuyển thể từ dân ca Việt Nam. Đặc biệt một số tác phẩm guitar do Ông sáng tác như “Prelude No. 1”, “Mienman”, “For Thay”, “Bamboo-Ber”, “Giận mà thương”, “Prelude No.4”, “Bèo dạt mây trôi” (dân ca quan họ Bắc Ninh), “Hồi tưởng”, “Ru con”, “Mưa”, Núi rừng Tây nguyên” được đưa vào làm bài bắt buộc cho các cuộc thi Guitar Quốc tế tại Berlin. Nhiều tờ báo ở Đức đã đánh giá: “Nghệ sĩ Đặng Ngọc Long đã chứng minh tài năng của mình bằng những kỹ thuật điêu luyện và cảm xúc tuyệt vời của ông qua các bản nhạc kinh điển đến những điệu nhảy Tây Ban Nha và âm nhạc dân tộc Việt Nam. Người ta có cảm giác như đang đi trên quê hương của ông mặc dù nơi đó cách xa hàng vạn dặm”. |
Văn Hồng thực hiện