Theo một báo cáo mới đây của Ủy ban châu Âu, 10 quốc gia châu Âu đã thực hiện ít nhất 1 trong 4 biện pháp “cốt lõi” hướng đến bình đẳng thu nhập giới. Theo đó, các nhân viên có quyền được biết về mức lương, doanh nghiệp phải công bố mức lương, nghĩa vụ kiểm toán, thương lượng tập thể về bình đẳng tiền lương.
Ngay từ những ngày đầu năm, Iceland – từng được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng là một quốc gia tôn trọng bình đẳng giới nhất, đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng luật bắt buộc trả lương công bằng giữa nam giới và nữ giới. Các doanh nghiệp Iceland buộc phải trả lương cho nhân viên nam và nữ ngang bằng nhau và sẽ bị phạt tiền nếu không tuân thủ quy định này.
Nước Đức cũng đã lựa chọn cách thức minh bạch về tiền lương khi vừa ban hành đạo luật cho phép nữ nhân viên làm việc cho các công ty có ít nhất 200 nhân viên có quyền được biết mức lương của ít nhất 6 đồng nghiệp nam của họ. Trong khi đó, các doanh nghiệp có hơn 500 nhân viên phải công khai mức độ chênh lệch giữa các mức lương.
Bình đẳng thu nhập giới cũng đang dần trở thành hiện thực ở Pháp. Quốc vụ khanh về bình đẳng giới trong Chính phủ Pháp, bà Marlène Schiappa, đã tiết lộ về một kế hoạch “cứng rắn và cụ thể” về bình đẳng tiền lương trong năm nay. Tỏ rõ quyết tâm áp dụng các biện pháp trừng phạt, bà đã không loại trừ khả năng thiết lập một hệ thống minh bạch tiền lương. Cùng một công việc, nhưng phụ nữ Pháp kiếm ít tiền hơn nam giới từ 12%-27%. Một kết quả nghiên cứu được Quỹ Concorde của Pháp công bố, cho rằng việc giải quyết được sự bất bình đẳng giới trong vấn đề tiền lương có thể làm nền kinh tế Pháp tăng trưởng tốt hơn. Quỹ Concorde cũng tính toán rằng, việc loại bỏ bất bình đẳng tiền lương sẽ làm tăng 6,16 tỷ EUR trong quỹ tiết kiệm, cũng như kích thích tiêu dùng tăng lên 21,98 tỷ EUR. Trong trường hợp áp dụng mức lương bằng nhau, Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp sẽ được hưởng lợi khoảng 168,74 tỷ EUR trong suốt thời gian 5 năm.
Những nước giàu trì hoãn
Trong khi đó, Thụy Sĩ chưa có bất cứ biện pháp ràng buộc nào liên quan đến vấn đề minh bạch hay bình đẳng về tiền lương. Tháng 7 năm ngoái, Hội đồng Liên bang (chính phủ) đã giới thiệu một dự thảo khiêm tốn, theo đó các doanh nghiệp có trên 50 nhân viên phải tiến hành phân tích các mức lương định kỳ 4 năm/lần và phải thông báo kết quả phân tích cho các nhân viên. Tuy nhiên, văn bản lại không đưa ra bất cứ biện pháp ràng buộc hay xử phạt tài chính nào với các doanh nghiệp không thực hiện quy định. Các tổ chức công đoàn, các đảng cánh tả và các tổ chức tập hợp phụ nữ đánh giá, dự thảo cải cách này là quá rụt rè. Các đảng cánh hữu và các tổ chức giới chủ lao động thì cho rằng, các biện pháp này là quan liêu và thái quá. Nguyên tắc bình đẳng giới từng được ghi trong Hiến pháp Thụy Sĩ và trong Luật Bình đẳng (LEg). Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Thụy Sĩ, vẫn tồn tại một khoảng cách tiền lương không giải thích được, khoảng 600 franc/tháng (khoảng 613 USD) giữa các nhân viên nam và nữ .
Trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới năm 2017 của EU, Anh bị cho là đã không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết bất bình đẳng giới tính trong thập kỷ qua và đã tụt lại phía sau, sau Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan và Pháp. Theo báo Guardian, Vương quốc Anh cùng với Slovakia và Cộng hòa Czech là 3 trong số 28 nước thành viên EU không đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm mức bất bình đẳng ở nơi làm việc, thu nhập, giáo dục, y tế hoặc tham gia chính trị. Mới đây, hãng truyền thông BBC của Anh bị xáo trộn khi nữ Tổng biên tập chi nhánh Trung Quốc Carrie Gracie từ chức sau khi phát hiện tiền lương mà bà nhận được ít hơn so với các đồng nghiệp nam tới 50%. Vào tháng 10-2016, tại Ireland, hàng ngàn phụ nữ đã ngừng làm việc vào đúng 14 giờ 38, giờ mà sau đó đến hết ngày làm việc theo thông lệ họ phải làm “tình nguyện” chứ không được trả lương như nam giới.
Theo bảng xếp hạng của EU, khoảng cách việc làm trong EU vẫn “lớn và bền vững”. Nam giới chiếm tỷ lệ việc làm toàn thời gian là 56%, trong khi phụ nữ là 40%. Khoảng cách thu nhập dù đã được thu hẹp trong EU, nhưng phụ nữ vẫn kiếm ít hơn nam giới 20% thu nhập. Trong “Tuyển dụng thế giới và triển vọng xã hội: Định hướng cho phụ nữ 2017” được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định rằng: “Thu hẹp bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động có thể đem đến những lợi ích to lớn cho xã hội và nền kinh tế thế giới”.
Báo cáo của ILO ước tính, bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động và việc làm được thu hẹp 25% đến năm 2025 có tiềm năng đem lại cho nền kinh tế gần 5.800 tỷ USD cũng như đóng góp thêm 1.500 tỷ USD cho nguồn thu thuế toàn cầu. Theo cơ quan của Liên hiệp quốc này, tỷ lệ nữ giới tham gia thị trường lao động vốn đã thấp đáng kể, trong khi cơ hội tìm việc làm cho họ vẫn khó khăn hơn nhiều so với nam giới. Trên phạm vi toàn cầu, tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới hiện ở mức 6,2%, so với mức 5,5% ở nam giới. Do đó, ILO kêu gọi việc giúp phụ nữ tiếp cận với thị trường lao động là biện pháp quan trọng trước tiên. Cơ quan này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy việc trả lương xứng đáng và công bằng, giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của phân biệt giới tính trong lao động, đồng thời chấm dứt những hành vi bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc.
Khi nào mới có sự bình đẳng tiền lương? Câu hỏi này được đặt ra thường xuyên từ 10 năm nay. Câu trả lời được đưa ra trong một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới là, phải tới năm 2186 (tức là gần 170 năm nữa), thế giới mới có sự bình đẳng tiền lương.