TBVĐ- Người Việt Nam nói chung và người Việt tại Đức nói riêng thời gian qua đã và đang thảo luận sôi động về khái niệm “Cách mạng Công nghiệp 4.0” ngay cả khi họ chưa có những ý niệm rõ ràng về nó.
Theo Gartner, Cách mạng Công nghiệp 4.0, hay còn được biết đến dưới cái tên Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013. Theo đó, “Industrie 4.0” kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong. Trong khi đó, Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới lý giải “Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học”.
Người Việt Nam nói chung và người Việt tại Đức nói riêng thời gian qua đã và đang thảo luận sôi động về khái niệm “Cách mạng Công nghiệp 4.0” ngay cả khi họ chưa có những ý niệm rõ ràng về nó. Dù hiểu như thế nào thì hầu như tất cả đều thống nhất rằng, muốn bắt kịp thời đại con người phải bước tới những tầm cao mới về khoa học và công nghệ. Trong đó, giáo dục chắc chắn là một nhân tố quan trọng vì nó đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển con người.
Nếu như thời gian qua, giáo dục Việt Nam vẫn nặng kiến thức và gắn với quá nhiều phương pháp mang tính quy cũ làm lu mờ tính sáng tạo của người học, thì giờ là lúc “khả năng năng phá” của người học đang cần được giải phóng hơn bao giờ hết. Vài hôm trước, người máy (robot) đầu tiên trên thế giới đã được cấp “quyền công dân”, cho thấy những điều mà trước đây chỉ nằm trong trí tưởng tượng của con người hay các bộ phim viễn tưởng đã trở thành sự thật. Đó là một bước đột phá về công nghệ, nhưng hàm ý cao nhất vẫn là “sự tưởng tưởng của con người là vô hạn, nhưng năng lực của con người còn đáng nói hơn khi nó vô tận”.
Giáo dục Việt Nam thừa những người học “cần cù bù thông minh”, “trên tường thiên văn dưới rành địa lý”, nhưng dường như chúng ta đang rất “khát” những người học tò mò và dám liều lĩnh theo đuổi tò mò mà kim chỉ nam không gì khác chính là sức tưởng tượng của họ. May mắn cho chúng ta, mọi sự tưởng tượng đều đang được vun đắp bằng những nền tảng hay sự kế thừa của những bậc thầy về khoa học đi trước. Việc của chúng ta cần làm là tạo ra một môi trường giáo dục đủ sức hấp dẫn, kích thích sự tò mò, khuyến khích sự tưởng tượng, ủng hộ thái độ dấn thân và dám làm.
Để được điều ấy, chính sách từ nhà nước là một yêu cầu tiên quyết. Nhưng quan trọng hơn cả chính là “Người Thầy” – kỳ vọng có thể tạo nguồn cảm hứng vô tận cho người học và nâng học viên lên đôi vai của mình để gặt hái những thành tựu. “Khơi nguồn cảm hứng” chưa bao giờ là một giá trị mờ nhạt trong hình ảnh tử tế nhất của một người thầy. Nhưng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, giá trị ấy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Ngày Nhà giáo năm nay, kỳ vọng “khơi nguồn cảm hứng” có lẽ sẽ khiến nhiều quý nhà giáo suy nghĩ. Vì đó vốn chưa bao giờ là một sứ mệnh dễ dàng. Thế nên, nghề giáo càng đáng trân quý!
Thời báo Việt Đức
Bài viết được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 11.2017