TBVĐ- Tháng 5 về, nước Đức bắt đầu đón chào Ngày của Cha (Männertag) và Ngày của Mẹ (Muttertag). Những thanh niên, trẻ em Việt Nam thế hệ thứ 1.5 (sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Đức), thế hệ thứ 2.0 cũng hưởng ứng.
Họ chuẩn bị những món quà, những chai rượu và có cả những tấm thiệp mừng với đôi lời chúc ngắn gọn, nghĩa tình, ấm áp. Họ nâng ly cho những đấng sinh thành đã tảo tần qua “hai thế kỷ” và biết bao biến cố giữa hai đất nước “Việt Nam – Đức”, có lúc nổi chìm, ngụp lặn giữa hai bờ đại dương.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi những thanh niên áo vải Việt Nam bước chân sang Đức. Họ rong ruổi trên những chặng đường muôn nẻo mưu sinh. Nắm bắt thời cơ, tảo tần khuya sớm, cần cù và không ngại điều tiếng, họ miệt mài lao động để cùng chung mục đích “hi sinh tất cả cho con, cho cháu” có một cuộc sống sung túc hơn, ấm no hơn. Có những người đàn ông ngoài 60 tuổi vẫn chưa từ bỏ nghề nặng nhọc; có những phụ nữ đã giáp lục tuần vẫn lận đận lao đao; có những cặp vợ chồng vẫn gắn bó với nghề bán hoa quả, bán áo quần, bán thức ăn, hay bất cứ cái nghề lương thiện nào, để cuối ngày nhận về những tờ bạc lẻ, vuốt thẳng và gấp gọn để dành làm hành trang vào đời cho con cháu của mình.
Có lẽ bao nhiêu lời lẽ nữa dành cho các bậc sinh thành đều là thừa, nhưng cũng lại là chưa đủ. Muôn hình vạn trạng kiểu lo toan, bươn chải là bấy nhiêu tình yêu thương vô điều kiện dành cho con.
“Con dù lớn, vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”
Có đi, có trải nghiệm, có cảm nhận bằng cả tâm can thì mới hiểu được sự chở che của những bậc làm cha mẹ người Việt bao la, rộng lớn đến chừng nào. Có người quở trách “chở che quá, bao giờ con mới khôn” hay “bảo vệ quá, bao giờ con mới lớn”. Phải học cách dạy con quyết đoán và độc lập như “người Tây”. Nhưng cũng chính người Tây, lại gật gù ước mơ những bữa cơm nghi ngút khói, rộn rã tiếng nói cười của hai, ba thế hệ trong một gia đình. Nhiều người Tây khi về đến bên kia chân dốc của cuộc đời, chợt thèm khát bàn tay ấm áp của những đứa con như thể những “đứa trẻ” thèm muốn được yêu thương.
Vậy nên mọi “phán xử” về tình yêu thương và cách gửi gắm tình yêu thương dành cho con cái có lẽ không bao giờ ngừng tranh cãi. Nhưng sau tất cả, yêu thương vẫn là yêu thương, và dù con trẻ có hiểu được hay không thì ngay cả Thượng đế cũng không thể phủ nhận và tước đoạt tình yêu thương của đấng sinh thành.
Tháng 5 là tháng để mỗi một người nhớ về Cha Mẹ. Hai ngày là quá ít ỏi so với tất cả những gì bậc làm cha mẹ hi sinh. Thế nên mới có chàng thanh niên lớn lên trên đôi vai của cha, tình yêu của mẹ, trải qua bao nhiêu sự kiện của cuộc đời mới hát lên rằng “Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình”. Thế nên mới có cô gái, sau bao sự đời đen trắng, bao thứ đổi thay, rồi thốt lên rằng “Mẹ ơi con đã già rồi còn ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con. Mẹ ơi con đã già rồi còn ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa. Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo. Ngoài kia mùa đông cây bàng lá đổ.”
Mùa tháng 5, mùa yêu thương trở về, Thời báo Việt Đức kính chúc những bậc làm cha mẹ hưởng trọn một mùa đầy yêu thương! Và cũng không quên nói lời yêu thương với chính cha mẹ của mình.
Thời báo Việt Đức
Bài viết được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 05.2018