Nước Đức nằm ngay giữa châu Âu. Nếu bạn muốn đi du lịch bằng đường bộ từ Moscow sang Paris, từ Roma đến Stockholm hay từ Amsterdam về Budapest thì đúng là khó có thể tránh khỏi nước Đức và người Đức.
Thêm vào đó, người Đức rất thích đi ra nước ngoài. Tôi không muốn nói đến những lần trong thế kỷ vừa qua, khi họ không mời mà xâm nhập vào các nước láng giềng và đã để lại ở đó một ấn tượng không thể xóa nhòa được, tôi muốn nói đến những cuộc xâm lược hòa bình của người Đức trong thời gian sau chiến tranh, tức đến thú vui đi du lịch của họ.
Họ qua vùng Alsace của Pháp để đi ăn, sang Ba Lan để mua sắm và lái ô tô sang Luxembourg hay Thụy Sĩ để đổ xăng. Người Đức dường như có mặt ở khắp nơi trên thế giới.
Nước Đức bao giờ cũng nằm trên đường đi của người khác và đi đâu người ta cũng gặp người Đức. Nhưng thật là đáng ngạc nhiên khi láng giềng gần xa hiểu biết người Đức rất ít. Người Anh gọi họ là krauts, vào thời nước Đức Quốc Xã chiếm đóng Pháp, người Pháp đã gọi họ là sales boches và người Nga thì hay dùng từ fritzi. Tất cả những từ đó đều không có ý thương mến mà trái lại phản ánh nhiều thành kiến – rất đáng tiếc là có lý do. Phải công nhận rằng nước Đức và người Đức không thuộc vào trong số những quốc gia và dân tộc mang lại thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Nước Đức và người Đức không phải bao giờ, không phải ở mọi nơi và cũng không phải đối với bất cứ người nào cũng như nhau. Thêm vào đó, bên cạnh tính ưa thích kỷ luật, trật tự và sự đúng đắn, người Đức lại có khuynh hướng bốc đồng và không đoán trước được.
Khuất đằng sau vẻ ngoài cứng rắn lạnh lùng thường là một tâm hồn thân thiện, đã chịu nhiều tổn thương vì thường hay bị hiểu lầm. Họ quá phức tạp, quá mâu thuẫn và cũng quá khó gần khi gặp lần đầu.
Nhìn thoạt qua, khi vừa đặt chân xuống nước Đức, bạn sẽ cảm thấy đất nước này gần như chán ngắt, tất cả đều có vẻ quá trật tự, sạch sẽ và kỷ luật. Dường như là người Đức đã siêng năng sưu tập tất cả những định kiến tốt về họ và thực hiện chúng một cách tỉ mỉ từng tí một.
Việc đó bắt đầu từ trong cảng hàng không, tất cả đều yên tĩnh, thông thoáng, sạch sẽ và trật tự. Ở đây không có đám đông ồn ào chờ đợi bạn bè và người thân, người ta mang trang phục chỉnh tề, đi lại nghiêm trang và đúng mực (vì suy cho cùng nơi đến và nơi đi, gửi hàng và nhận hành lý đều là những nơi nghiêm chỉnh). Tất cả lối đi – đi đến hải quan, đi nhà vệ sinh hay xuống tàu điện ngầm – đều có bảng chỉ đường, và nếu như ai cứ đi theo các mũi tên chỉ đường đó thì –ôi, điều kỳ diệu! – thật sự sẽ đến được nơi muốn tới.
Tại sao lại sạch sẽ được như thế? Người hầu của Oblomov trong quyển tiểu thuyết cùng tên của Ivan Goncharov (1812-1891) có một lý giải rất độc đáo: “Ngài cứ hãy nhìn họ sống như thế nào đi! Cả tuần gia đình gặm một cục xương duy nhất. Chiếc áo ngoài thì đi từ bờ vai cha sang con và từ con lại trở về cha. Họ lấy đồ dơ bẩn ở đâu ra? Ở chỗ họ không để hàng đống quần áo cũ nằm cả năm trong tủ hay vỏ bánh mì tụ lại một góc nhà trong mùa đông như ở ta. Họ cũng chẳng để cho một mẩu vỏ bánh mì nằm vô dụng, họ lấy nó làm bánh mì khô rồi ăn khi uống bia”.
Ông Oblomov chỉ quen biết những người Đức cùng là công dân thời nước Nga trước cách mạng. Nếu như ông biết Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay thì ông cũng giống như những người xa lạ sống lâu năm tại Đức: Thỉnh thoảng người ta có cảm giác như đang ở trong một cái hộp nhựa đựng thức ăn: Các bức tường trơn láng, không mùi, có thể lau chùi được, rất vệ sinh. Ở phía trên có một cái nắp đậy kín lại, không cho không khí bên ngoài vào.
Vào những ngày mùa đông u ám lạnh giá, thỉnh thoảng lại có nhiều ý nghĩ đen tối vụt đến, không hiểu việc giặt giũ lau chùi trông có vẻ như bị cưỡng ép này có nguyên nhân từ bệnh hưng trầm cảm hay không, giống như Macbeth trong tác phẩm cùng tên của Shakespeare, nhân vật tượng trưng cho một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ. Chúng xuất hiện đặc biệt là khi suốt cả một buổi tối dường như người ta không xem thấy gì từ chương trình truyền hình ngoài những quảng cáo cho bột giặt, xà phòng dùng để lau chùi hay rửa chén. Cứ như theo quảng cáo và nhìn bề ngoài thì đối với dân tộc này không có một thảm họa nào ghê gớm hơn là một vết bẩn trên cổ áo hay một vết vôi đóng lại trên bồn tắm.
Một người phụ nữ ngoại quốc, hoàn toàn không phải là không ưa thích sạch sẽ, đã từng dùng khái niệm chủng loại “Rambo với bột giặt” cho phụ nữ nội trợ Đức.
Theo Phan Ba / nguoiduatin.vn