Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Làn sóng dân túy cánh hữu lan tràn trời Mỹ – Tây Âu

Ảnh: pixabay.com

Chủ nghĩa dân túy cực hữu châu Âu được tiếp sức bởi đảng Sự lựa chọn vì nước Đức.

Làn sóng chủ nghĩa dân túy theo đường lối hữu khuynh do Donald Trump kích hoạt ở nước Mỹ đã tràn qua châu Âu, khiến người ta nói tới một “thời đại của chủ nghĩa dân túy”. Đảng cực hữu ở Pháp có cùng những khẩu hiệu tranh cử như Donald Trump (Nước Mỹ trên hết/Nước Pháp trên hết, chống nhập cư, chống lại thể chế hiện hành). Tuy ở châu Âu, cánh cực hữu chưa giành được chính quyền, nhưng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý đang làm suy yếu nền dân chủ ở nhiều nước.

Trong nội bộ người Đức, nhất là người Do Thái, dấy lên nỗi lo ngại cho chính bản thân họ, khi hồi tưởng lại những gì xẩy ra  thời Adolf Hitler được bầu làm thủ tướng Đức hồi năm 1933, mặc dù bà Merkel đã trấn an rằng, sự tham chính của đảng “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) không ảnh hưởng đến đời sống chính trị Đức. Nhưng ai biết được sau này ra sao?

Hệ lụy từ sự lên ngôi của AfD

Cuộc bầu cử Nghị viện ngày 24/9 ở Đức, với AfD giành được 13% phiếu bầu,  hệ lụy lớn đối với đời sống chính trị Đức và Tây Âu. Angela Merkel, “người Mẹ” của EU vẫn thắng cử nhưng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của bà đã mất nhiều ghế tại Nghị viện Đức. Trong nhiệm kỳ 4 năm tới, bà Merkel sẽ không thể dễ dàng lãnh đạo nước Đức như 3 nhiệm kỳ trước, khi đối mặt với một  phe đối lập tham vọng, cứng đầu.

Ở vào vị trí đảng lớn thứ ba và là đảng đối lập chính tại Quốc hội Đức, tiếng nói theo đường lối cực hữu của AfD sẽ vang lên tại sân khấu chính trị cấp liên bang, đặc biệt với các quan điểm  phản đối nhập cư, chống  EU, chống  phương Tây, thân Nga. Merkel trong 4 năm tới sẽ phải giành nhiều sức lực để đối phó với các lực lượng cực hữu nay đã tham chính.

Trang mạng mderndiplomacy.eu, ngày 28/9, nhận xét: “Chính sách đà điểu (trốn tránh thách thức phía trước) của khối bảo thủ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel đã đến hồi kết. Ngay cả khi không có đảng AfD với quan điểm phản đối nhập cư và hoài nghi sự hội nhập châu Âu thì chính quyền Berlin sẽ phải xử lý hàng loạt vấn đề khó khăn. May thay, bà Merkel đã tỏ ra là người hết sức thực dụng và linh hoạt”.

Ở châu Âu, tuy Marine Le Pen thất bại trong bầu cử tổng thống Pháp, nhưng chủ nghĩa dân túy cực hữu tiếp tục hiện hữu, thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng qua bầu cử Hà Lan và Áo.  Số ghế và số phiếu mà các đảng dân túy cực hữu châu Âu giành được qua đấu tranh nghị trường đã từ 6% những năm 1960 lên 13% trong thập kỷ này. Còn các đảng cánh tả theo đường lối dân túy hầu như không giành được ghế nào tại các nghị viện châu Âu thì nay giành được số ghế lên tới 2 chữ số phần trăm.

Làn sóng “Nền cộng hòa Tiến bước” của đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từng cuốn phăng Hạ nghị viện Pháp 3 tháng trước, đã bị chặn đứng lại trước ngưỡng cửa Thượng nghị viện. Đảng này chỉ giành được số ghế khiêm tốn trong cuộc bầu cử một nửa Thượng nghị viện ngày 24/9, do trỗi dậy của các thế lực hữu, tả, truyền thống bảo thủ tại địa phương. Tổng thống Macron không thể kiếm đâu ra 155 phiếu ở hai viện của Pháp để đạt 3/5 của tổng số 555 nghị sĩ, mới có thể sửa đổi Hiến pháp, mở đường cho các cuộc cải cách kinh tế xã hội cần thiết với nước Pháp mà ông này từng hứa hẹn.

Nước Mỹ, cũng như nhiều nước Tây Âu đang rơi vào thời kỳ khủng hoảng nội tại. Chính quyền Trump sau 9 tháng cầm quyền đã sa vào hỗn loạn. Những ý tưởng cải cách ban đầu đã gặp trở lực to lớn. Người ta tự hỏi, không biết ông Trump sẽ thay đổi thể chế Washington hay thể chế Washington thay đổi ông Trump. Để tồn tại sau những bê bối, trong đó có vấn đề quan hệ với nước Nga trong năm bầu cử, chính quyền Trump buộc phải thỏa hiệp. Còn ở Tây Âu, để giải quyết những vấn đề của nước Pháp, ông Macron phải tìm tiếng nói chung với các giới chính trị Pháp; bà Merkel cũng phải vượt qua những khác biệt cố hữu về tư tưởng để hình thành liên minh “Jamaica” trùng với màu đen (CU/CSU) – vàng (đảng Dân chủ Tự do) – xanh (đảng Xanh)  của quốc kỳ của Jamaica.

Về phía AfD, lần đầu tiên tham chính ở cấp liên bang, cũng không dễ vừa giữ các quan điểm cực hữu, vừa thích nghi với một sân khấu chính trị mới rộng lớn. Thể hiện mâu thuẫn nội bộ đảng ngay sau khi thắng cử, Frauke Petry, nữ đồng Chủ tịch AfD, vừa tuyên bố rời khỏi đảng và không tham gia nhóm nghị sĩ của AfD tại Quốc hội Đức. Lý do được đưa ra là bất đồng với các thành viên chủ chốt của AfD về cách thức sử dụng quyền lực mới tại Quốc hội; Frauke Petry cho rằng AfD cần có lập trường ôn hòa hơn để chia sẻ quyền lực chứ không phải một mực chống chính phủ./.

Theo Nguyễn Ngọc Trường / toquoc.vn