Rời Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm nay (27/9) sẽ bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Đức, kéo dài 3 ngày.
Chuyến thăm nhằm cải thiện các mối quan hệ song phương và xa hơn là mối quan hệ giữa Ankara với toàn châu Âu.
Dù đã bất đồng với cả Mỹ và nhiều nước châu Âu trong những năm trở lại đây, song những căng thẳng với Mỹ đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này quyết định chọn lựa cách “làm lành” với đồng minh châu Âu vì những lợi ích của cả đôi bên.
Theo Bộ Ngoại giao Đức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ được chào đón theo nghi thức cấp Nhà nước và dự tiệc chiêu đãi cùng với người đồng cấp nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Berlin. Dự kiến trong 3 ngày của chuyến thăm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào sáng 29/9, để cùng thảo luận về các vấn đề song phương và quốc tế hai bên cùng quan tâm; trong đó bao gồm tình hình tại Syria, cuộc khủng hoảng người di cư, mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ…
Ngoài ra, Tổng thống Tayyip Erdogan dự kiến cũng có cuộc gặp với đại diện cộng đồng hơn 3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức cũng như các giám đốc điều hành trong các Tập đoàn và công ty hàng đầu của Đức.
Do lo ngại về làn sóng biểu tình phản đối chuyến thăm của Tổng thống Tayyip Erdogan tới Đức, chính phủ nước chủ nhà đã quyết định nâng các biện pháp an ninh lên mức cao nhất 1+. Theo các hãng truyền thông Đức, hơn 5.000 nhân viên cảnh sát sẽ được triển khai tại thủ đô Berlin và nhiều tuyến đường chính xung quanh khu vực các tòa nhà chính phủ cũng sẽ bị phong tỏa để đảm bảo an ninh.
Đây là chuyến thăm Đức đầu tiên của Tổng thống Tayyip Erdogan khi ông đắc cử năm 2014. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đức và Mỹ – hai đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – đều đang xuống dốc nghiêm trọng trong những năm qua liên quan tới một loạt bất đồng.
Trước chuyến thăm Đức, Tổng thống Erdogan cũng đã tới Mỹ để dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, ngoài những cái bắt tay với người đồng cấp nước chủ nhà Donald Trump bên lề hội nghị, Tổng thống Tayyip Erdogan chỉ thể hiện một quan điểm cứng rắn trước Mỹ trong bài phát biểu của ông trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tổng thống Erdogan đã lên án, chỉ trích mạnh mẽ việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế như một loại vũ khí:
“Chiến tranh thương mại từng làm tổn hại đến nhân loại ở mọi lứa tuổi. Hiện chúng ta cũng đang đối mặt với một cuộc chiến nữa mà chúng ta lại sợ hãi chống lại. Không ai trong chúng ta có thể im lặng với việc hủy bỏ thỏa thuận thương mại tùy ý, sự lan rộng của chủ nghĩa bảo hộ hay việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế như vũ khí; vì những tác động tiêu cực của chúng sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi việc Mỹ áp mức thuế cao đối với hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ như một cuộc chiến kinh tế, khiến Ankara lâm vào một cuộc khủng hoảng đồng tiền nội tệ mất giá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia.
So với Mỹ, thì mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đức còn bất đồng trong thời gian dài hơn, trong nhiều vấn đề hơn, đặc biệt từ khi Ankara bắt giữ một số công dân Đức, trong khi Berlin chỉ trích mạnh mẽ cách thức xử lý vụ đảo chính bất thành hồi giữa năm 2016 của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các vấn đề liên quan đến người Cuốc ở Trung Đông…. Tuy nhiên, những căng thẳng này ít tác động đến nền kinh tế của hai bên và cũng đã được cải thiện phần nào trong thời gian gần đây khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quyết định thả tự do cho một số công dân Đức.
Trước khi lên đường tới Mỹ, sau đó là Đức, Tổng thống Erdogan đã đặt mục tiêu cải thiện quan hệ chính trị và kinh tế với Đức, chứ không phải với Mỹ. Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, chương trình nghị sự ưu tiên trong chuyến thăm Đức sẽ là bỏ lại đằng sau những khúc mắc trong quan hệ chính trị suốt nhiều năm qua, để thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Trong khi, bên lề của các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua (26/9) cũng đã có các cuộc gặp Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras. Điều này đang cho thấy sự quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cải thiện mối quan hệ không chỉ với Đức mà còn toàn châu Âu./.
Tổng hợp