Hôm nay 15/1, Hạ viện Anh sẽ bỏ phiếu về thoả thuận Brexit.
Đây được coi là một trong những cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất đối với tương lai của Vương quốc Anh kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới 2.
Đến thời điểm này đa số các phân tích đều cho rằng thoả thuận này sẽ bị Hạ viện Anh bác bỏ. Nhận định này xuất phát từ các tính toán về số nghị sĩ ủng hộ thoả thuận này và các tính toán đều kết luận rằng, dựa trên quan điểm cũng như tuyên bố của các lực lượng chính trị tại Anh trong thời gian qua, bà May có thể sẽ không có sự ủng hộ của khoảng 100 nghị sĩ đảng Bảo thủ chống đối, cộng thêm số nghị sĩ của Công đảng đối lập, của đảng Dân tộc Scotland và cả của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP).
Như thế, bà May sẽ khó có thể giành được đa số phiếu của 650 nghị sĩ Anh. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng, câu hỏi chỉ là bà May sẽ thất bại ở mức độ nào.
Đây đang là thời điểm vô cùng phức tạp và căng thẳng tại Anh, không chỉ bởi sự đối đầu giữa bà May với Hạ viện Anh vốn đang muốn giành lại quyền quyết định về Brexit mà ngay trong nội bộ Hạ viện Anh thì cũng có sự chia rẽ, kể cả giữa những nhóm nghị sĩ cùng chống lại thoả thuận Brexit.
Sự chia rẽ thể hiện ở việc có những nhóm nghị sĩ kêu gọi sẵn sàng rời khỏi EU mà không có thoả thuận để qua đó tạo nên một cú sốc kinh tế và xây dựng mô hình kinh tế siêu tự do ngay cửa ngõ châu Âu. Tiêu biểu cho nhóm này là các cựu Bộ trưởng đảng Bảo thủ đã từ chức vì bất bình với bà May, như Boris Johnson.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nhóm nghị sĩ khác không muốn Anh rời EU mà không có thoả thuận mà chỉ muốn tạm hoãn Brexit, tức lùi thời hạn ngày 29/3/2019 thêm vài tháng để có thể có một chính phủ mới để đàm phán lại với EU. Đại diện cho nhóm này là thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn.
Và cuối cùng, là cũng có không ít nghị sĩ muốn Anh tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit để qua đó ở lại trong Liên minh châu Âu.
Phương án B
Tuần trước, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua một điều khoản bắt buộc chính phủ Anh phải chuẩn bị “phương án B”, tức nếu Hạ viện bác bỏ thoả thuận Brexit thì trong vòng 3 ngày làm việc, chậm nhất là 21/01, bà Theresa May sẽ phải đệ trình một kế hoạch mới lên Hạ viện Anh.
Vì thế, về lý thuyết kể cả trong trường hợp Hạ viện Anh bác bỏ thoả thuận Brexit hiện thời, nước Anh vẫn chưa thể quyết định là sẽ rời Liên minh châu Âu theo cách nào. Điều này phụ thuộc rất lớn vào việc chính phủ Anh đã chuẩn bị “phương án B” ra sao và nội dung cụ thể của phương án đó là gì.
Dựa trên các phát biểu của Thủ tướng Anh Theresa May và Bộ trưởng Brexit, Stephen Barclay, đến thời điểm này chính phủ Anh cương quyết bảo vệ quyết định là phải tiến hành Brexit, và loại trừ khả năng huỷ bỏ Brexit hay tiến hành trưng cầu ý dân. Vì thế, “phương án B”, nếu có, sẽ có thể là việc bà May yêu cầu EU tiến hành sửa đổi thoả thuận cũ. Khi đó, Hạ viện Anh sẽ lại bỏ phiếu phương án B vào ngày 21/1 và nếu phương án B lại không được thông qua, nước Anh sẽ lại đứng trước hai kịch bản: hoặc tạm hoãn thời hạn rời EU dự kiến vào 29/3 để tìm kiếm thoả thuận mới, dù đây là điều EU chưa chắc đã chấp nhận, hoặc rời EU mà không có thoả thuận.
Trong trường hợp này, hậu quả kinh tế sẽ rất nghiêm trọng, kèm theo bất ổn chính trị và xã hội. Đó là kịch bản tệ hại nhất nhưng chính phủ Anh cũng đã phải tính đến kịch bản này từ nhiều tháng trước, trong đó có việc sẵn sàng huy động quân đội can thiệp trong trường hợp có bạo loạn vì thiếu thốn lương thực và vật dụng y tế.
Lá thư từ EU
Ngày 14/1, chính phủ Anh đã công bố một bức thư do Liên minh châu Âu gửi cho phía Anh trong đó có đưa ra các đảm bảo từ phía Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker liên quan đến vấn đề biên giới Bắc Ireland.
Cụ thể, trong bức thư các ông Tusk và Juncker có viết “Uỷ ban châu Âu có thể khẳng định, cũng như Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu không mong muốn áp dụng điều khoản back-stop trong thực tế”, tức phía Liên minh châu Âu cũng không mong muốn phải giữ toàn bộ Vương quốc Anh ở lại trong Liên minh thuế quan nếu như không có giải pháp cho vấn đề biên giới Bắc Ireland.
Đây được xem là nỗ lực vào phút chót từ phía EU nhằm giúp bà May vượt qua được cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh bởi lẽ cho đến nay thì điều khoản khiến thoả thuận Brexit bị các nghị sĩ Anh phản đối nhiều nhất chính là ở điều khoản “back-stop” liên quan đến việc giữ Bắc Ireland và toàn bộ Vương quốc Anh ở lại trong Liên minh thuế quan châu Âu với thời hạn không xác định, nhằm tránh việc tái lập biên giới cứng giữa tỉnh Bắc Ireland thuộc Anh và nước Cộng hoà Ireland thuộc EU.
Trên thực tế, EU cũng không hề mong muốn Brexit diễn ra mà không có thoả thuận bởi kịch bản đó cũng sẽ mang lại các hậu quả lớn cho EU về mặt kinh tế, chưa kể có thể tạo ra một môi trường địa chính trị thù địch tại châu Âu và nguy cơ Vương quốc Anh có thể trả đũa EU bằng cách biến thành một thiên đường thuế ngay cửa ngõ châu Âu.
Tuy nhiên, lá thư bảo đảm từ phía EU cũng khó có thể tạo ra cú hích lớn giúp bà May vượt qua thách thức tại Hạ viện Anh vì mặc dù đó là cam kết từ những nhà lãnh đạo cao nhất của EU nhưng lá thư đó lại không phải là một thoả thuận có tính ràng buộc về pháp lý.
Ngoài ra, trong bức thư, EU cũng tuyên sẽ không có chuyện EU chấp nhận bất cứ sửa đổi hay điều khoản nào đi ngược lại với thoả thuận đã ký hồi cuối tháng 11/2018./.