Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Bộ Tư lệnh mới của NATO sẽ đặt ở Mỹ và Đức

Ảnh minh họa: pixabay.com

 NATO có 2 Bộ tư lệnh ở Mỹ và Đức để tăng sức ép lên Nga hay sự “trục lợi” của nước Đức.

Ngày 8/2, Mỹ và Đức đã đề nghị xây dựng hai Bộ tư lệnh mới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại hai quốc gia này nhằm khắc phục những điểm yếu trước bất kỳ xung đột tiềm tàng nào.

Một bộ chỉ huy mới của NATO sẽ được thành lập ở đảo Norfolk, bang Virginia (Mỹ), nơi NATO đã có các cơ sở đang hoạt động, và một bộ tư lệnh khác ở Ulm, miền Nam nước Đức, hoặc có thể tại Cologne. Đây là hai địa điểm ở Đức hiện đã có các cơ sở của NATO và các cơ sở đa quốc gia.

Việc thành lập hai bộ tư lệnh mới này, cần khoảng 1.500 nhân lực, sẽ là việc mở rộng quy mô đầu tiên trong vòng hai thập kỷ qua kể từ khi NATO cắt giảm mạnh nhân sự vào năm 2011.

Bên cạnh ý nghĩa mở rộng quy mô của NATO thì ngay bản thân việc lập Bộ Chỉ huy ở Mỹ và ở Đức đang cho thấy các vấn đề về quản lý trong nội bộ tổ chức quân sự này sau khi châu Âu “sản sinh” ra một liên minh quân sự riêng theo Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO).

Theo một số phân tích, việc châu Âu thành lập một Quân đội riêng là dấu hiệu cho thấy sự bất mãn của các nước châu Âu đối với sự lãnh đạo của Mỹ đối với NATO, cảnh báo sự phân rã trong nội bộ Liên minh châu Âu và thể hiện những dấu hiệu rạn nứt của NATO.

EU đang cho thấy rõ mong muốn hạn chế sự lệ thuộc vào Mỹ trong cấu trúc an ninh chung Mỹ – Châu Âu (NATO). Thậm chí, cấu trúc này còn đòi hỏi các thành viên châu Âu phải đóng góp nhiều hơn cho các chuyển động quân sự mà họ thậm chí thấy rằng không cần thiết: đó là cuộc xâm lược trong tương lai của Nga. Do đó, có thể xuất hiện những chuyển động lệch pha giữa Mỹ và châu Âu sau khi “quân đội EU” ra đời. Điều này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của NATO.

Việc lập ra hai Bộ Chỉ huy quân sự ở Mỹ và Đức của NATO lại càng bổ sung cho quan điểm này.

Song một số quan điểm phân tích khác lại hoàn toàn ngược lại. Việc châu Âu cam kết với thỏa thuận PESCO thực tế là nhằm tìm kiếm sự phối hợp hành động giữa các thành viên trong khối sao cho hiệu quả để đối đầu với các nguy cơ đột ngột từ Nga, từ đó nhanh chóng hợp pháp hóa việc tự do di chuyển của Quân đội NATO.

Nhà phân tích quân sự Czech, Trung tá Martin Koller bình luận về tình hình xung quanh PESCO rằng, về bản chất, đây chỉ là sự thành lập một “Schengen quân sự”, là cái cớ để bố trí thêm nhiều đơn vị quân đội trên biên giới với Nga và tăng cường khả năng cơ động cho lực lượng quân sự của NATO trên lãnh thổ châu Âu.

Hồi tháng 7 vừa qua, Đại tá Mỹ Patrick Ellis chỉ huy việc điều chuyển các xe bọc thép từ Đức qua Hungary, Romania và Bulgaria tới các cuộc tập trận tại Gruzia phàn nàn là các thủ tục cần thiết ở biên giới các nước châu Âu khiến việc di chuyển khí tài quân sự chiến đấu không thể cơ động và khó mà đối đầu với mối nguy từ Nga.

Điều đó khiến việc lập ra một liên minh châu Âu chung thực hiện theo nguyên tắc của khu vực Schengen quân sự có thể giúp châu Âu vừa cơ động hơn trước  mối nguy vừa tách biệt sức mạnh với lực lượng của Mỹ trong tổ chức.

Giới phân tích cho rằng, những biến tướng của NATO hiện nay ở châu Âu như PESCO hay “NATO Ả-rập” trước đó, đơn thuần là những tổ chức mang tính khu vực của Liên minh này, được lập ra để “chuyên đối phó với những nước không theo định hướng của phương Tây” trong khu vực đó, ví dụ như Nga hay Syria, Iran…

Luồng ý kiến khác do nhà phân tích an ninh của Trung tâm Nghiên cứu phương Đông là Iustina Gotkovskaya lại lên tiếng nhận xét rằng, chính Đức là người đứng sau ý tưởng liên minh quân sự của NATO và họ làm thế bởi cần lấp đầy khoảng trống trong lực lượng lục quân để giành ảnh hưởng chính trị và quân sự trong NATO.

Sự hỗ trợ của các đối tác nhỏ hơn có thể giúp Đức tăng cường đáng kể tiềm năng quân sự trong thời gian ngắn nhất và quân đội mini do Đức đứng đầu có thể đảm bảo an ninh cho châu Âu.

Theo Đông Phong / baodatviet.vn