Tỷ lệ sinh giảm, xu hướng thanh niên di cư sang nước ngoài ngày càng tăng và chính phủ từ chối cho người nhập cư tham gia vào thị trường lao động đã làm gia tăng tỷ lệ phụ thuộc ở các quốc gia này. Theo một báo cáo chính thức của EU, trong năm 2017, gần 17 triệu người tới từ các nước CEE đã chuyển tới một quốc gia EU khác, trong đó 32% nằm trong độ tuổi từ 15 đến 34. Đức và Vương quốc Anh là 2 điểm đến hàng đầu của các công dân trẻ châu Âu, trong khi các quốc gia xuất xứ hàng đầu là Romania, Ba Lan, Italy và Bồ Đào Nha. Những lao động có trình độ học vấn cao thích các đô thị và khu vực phía Bắc của EU như Thụy Điển, Ireland, Estonia, Đan Mạch và Anh.
Để đối phó với tình trạng chỉ đi không về, Chính phủ Ba Lan đã xóa bỏ hoàn toàn thuế thu nhập cho khoảng 2 triệu lao động trẻ. Luật mới, có hiệu lực từ đầu tháng 8, nhằm giữ chân các công dân trẻ Ba Lan. Khi kêu gọi sự ủng hộ luật này, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết, 1,7 triệu lao động đã rời khỏi Ba Lan trong 15 năm qua và đây là “mất mát vô cùng to lớn”. Theo điều luật mới, công dân Ba Lan dưới 26 tuổi thu nhập dưới 22.000 USD/năm sẽ không phải nộp thuế thu nhập. Mức thu nhập trung bình ở Ba Lan khoảng 15.000USD/năm, nên mức miễn thuế đối với những lao động trẻ Ba Lan là tương đối cao. Trong khi đó, Croatia cũng đã đề xuất miễn thuế những người dưới 25 tuổi và giảm 1/2 đối với những lao động trong độ tuổi từ 25 đến 30. Những đề xuất dự kiến được hoàn thiện trong vài tháng tới, và luật mới có hiệu lực vào tháng 1-2020.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ về tính hiệu quả của các biện pháp miễn giảm thuế đối với tình trạng chảy máu chất xám tại các quốc gia CEE và đề xuất nên lập một hệ sinh thái riêng hỗ trợ tối đa cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo Prianthi Roy, nhà phân tích tại Đơn vị Tình báo kinh tế (EIU), về cơ bản, mục đích của những biện pháp ngăn chặn phổ biến này rất tốt nhưng chúng không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng chảy máu chất xám. Chuyên gia đổi mới sáng tạo Anita Tregner Mlinaric cho rằng, muốn ngăn chặn hiệu quả chảy máu chất xám, các chính phủ CEE cần đầu tư xây dựng và thúc đẩy phát triển các hệ sinh thái quốc gia. Thông thường, các nhà nghiên cứu muốn cộng đồng trong nước công nhận những công việc mà họ đã thực hiện ở nước ngoài, đặc biệt là khi họ đạt được nhiều kết quả xuất sắc. Và khi trở về, họ muốn có được đầu tư của chính phủ ở cùng mức độ như họ nhận được ở nước ngoài để có thể tiếp tục nghiên cứu. Chuyên gia Mlinaric đề xuất vừa phải xây dựng cơ sở hạ tầng như các phòng thí nghiệm, trang thiết bị và các cơ sở nghiên cứu; vừa phải phát triển dịch vụ hỗ trợ các nhà nghiên cứu thực hiện công việc và cho phép họ đạt được những kết quả như khả năng họ có.
Theo Việt Lê / sggp.org.vn