Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Nước Đức bất an: Lỗi của người nhập cư?

Một cuộc biểu tình chống trục xuất người nhập cư. Ảnh: Trung Hiếu

Đây từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi trên báo chí và giữa các chính trị gia. Trong khi các nhóm lợi ích nhanh chóng cổ súy hoặc chối bỏ mối liên hệ giữa tỉ lệ phạm tội và cộng đồng người nhập cư – đặc biệt là những người xin tị nạn – một nghiên cứu gần đây cho thấy sự thật có phần phức tạp hơn.

“Họ mang theo ma túy. Họ phạm tội. Họ là những kẻ hiếp dâm”. Những lời tuyên bố trên đã góp phần đưa Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, khắc sâu thêm những định kiến lâu đời về xu hướng phạm tội của những người nhập cư.

Trong những cuộc tranh luận đời thường, người ta cũng dễ dàng thấy được những quan ngại về vấn đề phạm tội của người nhập cư. Các chính trị gia cánh hữu cũng đã dùng thông tin về các hành vi tội phạm của người nước ngoài làm nền tảng cho việc giảm hạn ngạch nhập cư.

Tại The Local, chúng tôi đã tranh luận về việc các tổ chức truyền thông có nghĩa vụ báo cáo – hay không báo cáo – hoàn cảnh xuất thân cụ thể của người phạm tội bởi lo ngại rằng thông tin có thể bị hiểu sai lệch, gây ra sợ hãi và cuối cùng là khả năng trả thù hướng đến nhóm người này. Thực tế cho thấy vấn đề phức tạp hơn nhiều.

Một nghiên cứu sâu rộng về hoạt động tội phạm của người Đức và người nước ngoài đã được DPA thực hiện trùng với kỷ niệm một năm vụ tấn công Kandel vào ngày 27 tháng 12 năm 2017 nhằm kiểm chứng nhận định về khuynh hướng phạm tội của người nước ngoài – đặc biệt là người tị nạn.

Bên cạnh việc chỉ ra rằng vấn đề không chỉ trắng đen rõ ràng như câu chuyện của các chính trị gia, mà còn rất những mảng màu xám trong thực tế. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh những khó khăn trong việc liên kết nền tảng xuất thân với việc phạm tội.

Những lời dối trá và thống kê: Người nước ngoài phạm tội nhiều hơn, nhưng cần xem xét nhiều yếu tố liên quan.

Tổng cộng, người nước ngoài được ước tính chiếm khoảng 13% dân số Đức. Trong đó, người nước ngoài chiếm 32,5% trong số những người bị kết án phạm tội. Điều này tưởng như sẽ chứng minh cho những cáo buộc của phe cực hữu về xu hướng phạm tội của người nước ngoài – trừ việc là khái niệm “người nước ngoài” chưa được định nghĩa một cách rõ ràng.

Định nghĩa “người nước ngoài” được dùng hiện nay gộp tất cả những người không phải người Đức vào một nhóm, cho dù họ là khách du lịch Mỹ đến để tận hưởng Oktoberfest hay người tị nạn từ Syria. Tuy nhiên, tại quốc gia với dân số 82 triệu người này, hơn một nửa trong nhóm 37 triệu “người nước ngoài” thực chất là khách du lịch đến Đức. Khó khăn trong việc thống kê số lượng người nước ngoài và hoạt động tội phạm có thể được minh họa bằng phân tích nhóm người Đức ở quốc gia láng giềng Áo.

Thống kê cho thấy người Đức ở Áo dễ bị nghi ngờ là tội phạm hơn người Áo. Người Đức ở Áo cũng có nhiều khả năng trở thành nghi phạm hơn người Đức ở Đức. Các số liệu thống kê ước tính trong 190.000 người Đức sống ở Áo, có khoảng 10.000 người là nghi phạm hình sự. Tỉ lệ 1 trong 20 người Đức bị nghi ngờ phạm tội ở Áo liệu có phải là dấu hiệu của việc người Đức sẽ gây ra bạo động trên khắp các vùng dọc dãy Alps hay trấn áp các con đường ở Vienna. Chắc chắn là không.

Số lượng người Đức ở Áo cao hơn nhiều so với con số 190.000. Áo là một điểm đến phổ biến của người Đức trong kỳ nghỉ. Số lượng người viếng thăm Áo trong ngày gần như không thể xác định được ở các quốc gia có biên giới mở này.

Do đó, mặc dù con số 32,5% là hợp lệ, nhưng nó không thực sự đại diện cho tỉ lệ tội phạm của những người nước ngoài thực sự sống ở Đức – đặc biệt là nhóm người là mục tiêu công kích của phe cực hữu.

Người tị nạn, người xin tị nạn và tội phạm: So sánh khập khiễng

Do đó, điều quan trọng là phải phân biệt giữa người nước ngoài và người xin tị nạn, cũng như giữa tội phạm nghiêm trọng và tất cả các hoạt động tội phạm. Trong các trường hợp giết người, ngộ sát, tấn công và hãm hiếp nghiêm trọng, tỉ lệ tội phạm là những người xin tị nạn, người tị nạn và người nước ngoài “lưu trú tạm thời”- tức là những người có đơn xin tị nạn chưa được chấp thuận nhưng chưa bị trục xuất – trung bình nhiều hơn người dân địa phương.

Tổng cộng, khoảng 15 % các vụ được thực hiện bởi những người xin tị nạn, người tị nạn và người nước ngoài lưu trú tạm thời. Con số này không những cao hơn số lượng đại diện của nhóm này sinh sống trong xã hội Đức, mà còn là một so sánh khập khiễng.

Những người thuộc nhóm người nước ngoài phạm tội đa phần là đàn ông trong độ tuổi từ 14 đến 30. Nhóm này cũng thường chiếm số đông trong thống kê tội phạm nói chung. Một trong những nhà tội phạm học hàng đầu của Đức, Tiến sĩ Cristian Pfeiffer, chia sẻ với The Local vào tháng 8: “Nam thanh niên là nhóm người nguy hiểm nhất ở mọi quốc gia trên thế giới. Năm 2014, những người đàn ông trong độ tuổi từ 14 đến 30 chiếm 9% dân số và chịu trách nhiệm cho một nửa các vụ án bạo lực ở Đức.” Do đó, khi trích dẫn thống kê về khuynh hướng phạm tội của người tị nạn, cần chú trọng hơn đến độ tuổi và giới tính thay vì quốc tịch, xuất thân của họ.

Thêm vào đó, nghiên cứu cũng chỉ ra thống kê thường không tính số lượng người phạm tội nhiều lần- vốn có thể ảnh hưởng đến tỉ lệ phạm tội thực sự.

Uyên Lê (theo Thelocal)