Thời gian qua, một loạt nước EU đã diễn ra biến động lớn về chính trị. Sau khi tình hình mới tạm lắng xuống tại Italy thì đến lượt Tây Ban Nha rơi vào vòng xoáy bầu cử không lối thoát.
Sau gần năm tháng, quyền Thủ tướng Pedro Sanchez vẫn chưa thể thành lập chính phủ. Vòng đàm phán mới nhất giữa đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) và đảng cánh tả Podemos hôm 10/9 đã thất bại. Bốn giờ thương thảo không đủ để hai bên có thể vượt qua bất đồng và đi tới thành lập chính phủ liên minh.
Ngày 17/9, sau 48 giờ tham vấn giữa Nhà vua Felipe VI với lãnh đạo các chính đảng, Hoàng gia Tây Ban Nha chính thức tuyên bố các chính đảng không tìm được sự đồng thuận về người đứng đầu chính phủ mới và buộc phải tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 10/11 tới.
Như vậy, đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử thứ tư chỉ trong bốn năm tại Tây Ban Nha. Không quá khó để nhận ra nền chính trị tại xứ sở bò tót đã bị phân mảnh và phân cực mạnh mẽ, kể từ khi hai chính đảng truyền thống là Nhân dân Tây Ban Nha (PP) và PSOE mất vị thế độc tôn vào bầu cử cuối năm 2015.
Quyền Thủ tướng Sanchez đổ lỗi cho ba chính đảng PP, Podemos, Ciudadanos đã không tán thành việc ông trở thành lãnh đạo chính phủ, sau khi đảng PSOE giành thắng lợi rõ rệt trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 28/4. Tuy vậy, ông Sanchez vẫn không thể thành lập được Chính phủ do chỉ có được 123/350 ghế tại Quốc hội và phải phụ thuộc vào sự ủng hộ của các chính đảng khác.
Thế nhưng, tất cả những gì mà quyền Thủ tướng đã làm trong năm tháng qua không mang lại kết quả tích cực. Mâu thuẫn giữa PSOE và Podemos quá sâu sắc khi ông không thể đạt được thỏa thuận với lãnh đạo đảng Podemos Pablo Iglesias trong việc chia sẻ quyền lực. PSOE ban đầu miễn cưỡng chấp nhận liên minh với Podemos, song ông Iglesias từ chối, cho rằng danh sách nội các mà PSOE đưa ra không đủ sức nặng chính trị.
Bên cạnh đó, ông Sanchez còn bị nhiều chính trị gia khác chỉ trích là bất tài, vô trách nhiệm khi một lần nữa đẩy Tây Ban Nha vào một cuộc bầu cử dài hơi và tốn kém. Sự non nớt về mặt kinh nghiệm, thiếu vắng sự chỉ đạo đến từ các “lão làng” trong đảng đã khiến cho sự nghiệp chính trị của chính trị gia trẻ tuổi Sanchez có nguy cơ “giữa đường đứt gánh”.
Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn đó. Ông Sanchez có thời hạn đến ngày 23/9 để thành lập Chính phủ mới và phép màu vẫn có thể đến bất cứ lúc nào. Nhưng sau những gì xảy ra tại Cung điện Hoàng gia, lãnh đạo các chính đảng của Tây Ban Nha chưa cho thấy bất kỳ nỗ lực cụ thể nào nhằm giải quyết tình hình. Thực trạng này có thể đẩy Tây Ban Nha rơi vào một vòng bầu cử nữa và không chắc chiến thắng sẽ thuộc về PSOE.
Theo Quang Đào / vov.vn