Danh sách Henley Passport Index cho thấy cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới, trước đây, thường thuộc về Mỹ hoặc một quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi kể từ 2018, khi châu Á nổi lên nhờ năng động kinh tế và linh hoạt về di cư toàn cầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và các trung tâm quyền lực có xu hướng dịch chuyển, sự thống trị của châu Á dường như không thay đổi. Dựa trên dữ liệu của quý IV năm 2019 do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp, Nhật Bản và Singapore vẫn giữ vững vị trí đầu tiên trên bảng xếp hạng Henley Passport Index, khi công dân của hai quốc gia này đều được miễn thị thực và thị thực nhập cảnh sân bay khi đến 190 trên tổng số 227 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tờ Scoop Independent News cho biết, các nước đồng hạng hai gồm Phần Lan, Đức và Hàn Quốc với 188 điểm, tiếp sau đó là một số quốc gia châu Âu như Đan Mạch, Italy và Luxembourg giữ vị trí thứ 3 với 187 điểm. Mặc dù Vương quốc Anh và Mỹ đều đứng đầu bảng xếp hạng năm 2014, nhưng năm nay, cả hai nước đã rớt xuống vị trí thứ 6 với 184 điểm – thứ hạng thấp nhất kể từ năm 2010.
Kể từ lần cập nhật gần đây nhất vào tháng Bảy, mặc dù các vị trí trong Top 10 của danh sách Henley Passport Index được duy trì tương đối ổn định, song một số quốc gia vẫn liên tục giảm thứ hạng. Đáng chú ý, chỉ trong vòng ba tháng, UAE đã leo lên năm hạng sau khi được miễn thị thực vào một số quốc gia châu Phi, trong đó có Nam Phi. Quốc gia nằm trên bán đảo Arab này hiện đang ở vị trí thứ 15 và công dân mang hộ chiếu UAE có thể đi tới 172 nước mà không cần xin thị thực trước chuyến đi. Trong khi đó, Syria, Iraq và Afghanistan vẫn đứng cuối bảng xếp hạng, với số điểm đến miễn thị thực/thị thực nhập cảnh sân bay lần lượt là 29, 27 và 25.
Sức mạnh hộ chiếu và tự do kinh tế
Tiến sĩ Christian H. Kaelin, Chủ tịch Henley & Partners đồng thời là nhà sáng lập danh sách Henley Passport Index, khẳng định: “Nghiên cứu chúng tôi đang tiến hành đã chỉ ra rằng, khi nhắc đến ‘sức mạnh hộ chiếu’, chúng ta không chỉ thảo luận đơn thuần về những điểm đến mà chủ sở hữu hộ chiếu có thể đi du lịch và không cần xin thị thực trước. Thông thường, có một mối tương quan chặt chẽ giữa tự do thị thực và các lợi ích khác, như tự do kinh doanh và đầu tư, tính độc lập tư pháp, sức khỏe tài chính và quyền tài sản”.
Sử dụng dữ liệu từ danh sách Henley Passport Index và Chỉ số Tự do Kinh tế, hai nhà nghiên cứu khoa học chính trị Uğur Altundal đến từ Đại học Syracuse (Mỹ) và Zarmer Zarpli của Đại học Pittsburgh (Mỹ) đã tìm thấy mối liên hệ tích cực giữa tự do thị thực và nhiều chỉ số về tự do kinh tế, bao gồm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, quyền tài sản, gánh nặng thuế và tự do đầu tư.
Theo quan sát của hai học giả nói trên, “các quốc gia có điểm số thị thực cao hơn cũng có thứ hạng cao hơn về tự do kinh tế, đặc biệt trong các khía cạnh tự do đầu tư, tài chính và kinh doanh”. Một ví dụ nổi bật về mối tương quan tích cực này là Singapore, quốc gia giữ thứ hạng cao nhất trong hầu hết các chỉ số kinh tế, đồng thời giữ vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng Henley Passport Index.
Brexit, EU và ý nghĩa toàn cầu sâu xa
Về mặt lý thuyết, chỉ còn vài tuần nữa là tới thời hạn chót của tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Giới quan sát nhận định, trọng tâm của Brexit nhiều khả năng xoay quanh những ảnh hưởng của cuộc “li hôn” này đến chính sách di cư đến và từ Vương quốc Anh.
Chuyên gia Madeleine Sumption đến từ Viện Quan sát Di cư tại Đại học Oxford (Anh) nhận định, những câu hỏi này vẫn chưa có lời giải, ngay cả khi thời hạn Brexit sắp tới. “Khác với chính sách thương mại, tương lai của chính sách nhập cư của Vương quốc Anh cơ bản không phụ thuộc vào việc London có rời EU với một thỏa thuận hay không. Trong cả hai trường hợp, sẽ có một “giai đoạn chuyển tiếp”, ít nhất đến là tính đến tháng 12/2020, trong đó việc di chuyển tự do của công dân EU sang Anh ít nhiều sẽ tiếp tục như hiện nay.
Sau đó, xứ sở sương mù dự kiến sẽ giới thiệu hệ thống nhập cư mới. Mặc dù các chi tiết của kế hoạch này chưa được công bố, nhưng hệ thống này sẽ khiến việc di chuyển lâu dài của công dân EU trở nên khó khăn hơn. Còn các công dân Anh muốn đến các nước EU sau Brexit cũng sẽ phải đối mặt với chế độ nhập cư hà khắc hơn”, nữ chuyên gia nói trên cho biết.
Về tác động toàn cầu của Brexit, Tiến sĩ Parag Khanna, Người sáng lập và Đối tác quản lý của FutureMap chia sẻ: “Từ hơn một năm nay, cựu Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nói rằng, châu Á cần phải trở thành một trụ cột trong chính sách kinh tế toàn cầu của Vương quốc Anh hậu Brexit. Nếu London thực sự có thể thúc đẩy thương mại tự do trong ngành dịch vụ với các nước châu Á, điều này sẽ đòi hỏi các công dân Anh dành thời gian kinh doanh tại châu Á trên các lĩnh vực tài chính, tư vấn, giáo dục và một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, không khó để nhận thấy các thị trường châu Á hiện có xu hướng ưu tiên các cuộc đàm phán hiện tại với EU, hơn là kí kết các hiệp định thương mại tự do riêng lẻ với Anh”.
UAE, châu Phi và quyết tâm đối ngoại
Trong bối cảnh sự bất định về Brexit và tác động của tiến trình này vẫn chưa ảnh hưởng đến vị trí của Vương quốc Anh trên bảng xếp hạng hộ chiếu, quyết định đối ngoại của các quốc gia khác trên quả địa cầu đã dẫn đến một số thay đổi lớn. Sự “lên hạng” đáng chú ý của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trên bảng xếp hạng Henley Passport Index được cho là nhờ một số yếu tố, bao gồm cả quyết tâm của quốc gia này trong việc đặt Abu Dhabi là một người chơi nổi bật ở khu vực Trung Đông.
Chuyên gia Lorraine Charles tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh của Đại học Cambridge (Anh) nhấn mạnh: “Trong khi UAE nhiều khả năng không thể cạnh tranh với Saudi Arabia – bá chủ khu vực Trung Đông, về sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế, việc thể hiện sức mạnh mềm của Abu Dhabi trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là không thể kiểm chứng được. Điều này đã khiến UAE trở thành hiện thân của nguồn cảm hứng cho các quốc gia GCC khác”.
Nhận xét về số lượng thỏa thuận thị thực mà UAE gần đây đã ký kết với các nước châu Phi, Giám đốc Tổ chức Signal Risk Ryan Cummings cho hay: “Với một chiến lược đặc biệt rõ ràng trên lục địa châu Phi, UAE đã tăng cường ảnh hưởng đáng kể ở một khu vực vẫn được coi là chìa khóa để phát triển kinh tế toàn cầu”.
Người đứng đầu Signal Risk cũng lưu ý thêm rằng, khu vực châu Phi hạ Sahara đã tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc giảm bớt hạn chế về thị thực, với Namibia và Sierra Leone là những quốc gia điển hình của việc nới lỏng chính sách thị thực, coi đây là phương tiện thu hút đầu tư nước ngoài, vốn và kỹ năng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế.
Sự tiến bộ mạnh mẽ
Lịch sử bảng xếp hạng Henley Passport Index cho thấy, các quốc gia sở hữu chương trình đầu tư định cư có xu hướng giữ thứ hạng cao hơn. Giữ vị trí thứ 16 vào quý III năm 2019, Cyprus vừa tăng lên hạng thứ 14 khi công dân quốc gia này có thể đi tới 173 điểm đến trên khắp thế giới mà không cần thị thực. Về phần mình, Malta vẫn giữ vững vị trí thứ 7 với số điểm là 183, trong khi Antigua và Barbuda đã ngoi lên vị trí thứ 28 với 149 điểm, sau khi được miễn thị thực vào Nga.
Bình luận về những kết quả này, Tiến sĩ Juerg Steffen, Giám đốc điều hành Henley & Partners cho biết: “Các quốc gia sở hữu chương trình đầu tư định cư là một trong những ví dụ điển hình nhất cho sự tương quan giữa tự do thị thực và các chỉ số tự do kinh tế. Là một trong những quốc gia sở hữu chiếc hộ chiếu quyền lực nhất trên thế giới, tình hình tài chính của Malta hiện đang rất tốt. Giống như nhiều năm trước, thặng dư tài chính của nước này dự kiến vẫn duy trì ở vị trí thứ tư vào năm 2019, khiến Valleta trở thành một trong những quốc gia năng động nhất về tài chính ở EU. Đây cũng là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong liên minh kinh tế – chính trị này, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,8%. Những thống kê này đã nói lên điều đó, cũng như sự quan tâm ngày càng tăng trong ngành đầu tư định cư, từ các nhà đầu tư đang tìm kiếm tính di động toàn cầu, cho tới các quốc gia có chủ quyền đang tìm cách củng cố và đa dạng hóa nền kinh tế của họ.”
Cẩm Yến
Nguồn: baoquocte.vn