Văn hóa, kỳ thị hay là sự bảo thủ khốn cùng? Cộng đồng mạng mùa Corona hẳn chưa quên chuyện thiếu nữ người Hàn Quốc bị đấm đến trật khớp hàm ở Manhattan – Mỹ, chỉ vì là người châu Á “mà dám không đeo khẩu trang”, hay ngược lại, một nữ sinh gốc Việt khác ở California bị kỳ thị và sỉ nhục chỉ vì dám đeo khẩu trang. Cho đến nay, đeo hay không đeo khẩu trang vẫn còn chưa ngã ngũ. Nếu ở Vn, Hàn Quốc, Hongkong.. các nước châu Á nói chung, và mới đây là Áo, coi khẩu trang là bắt buộc ở chốn công cộng thì tại Đức, vẫn là một vấn đề hết sức tế nhị và khá dè dặt.
Đeo khẩu trang là văn hóa, là đặc sản từ châu Á. Ở Vn chẳng hạn, do ô nhiễm cực khủng, nên hầu như không ai ra đường mà không có khẩu trang. Khẩu trang là miếng vải để che bụi, cái lá chắn cuối cùng bảo vệ chính mình. Nên không ngạc nhiên khi vào mùa corona, đất nước này đã mau chóng coi khẩu trang là vũ khí tối thượng để chống lại con virut bên cạnh phương án truy lùng và cách ly cực kỳ quyết liệt. Bất chấp sự nghi ngờ về những con số, châu Âu phải thừa nhận: Vn chống dịch thành công trong hoàn cảnh rất eo hẹp về kinh tế và khiêm tốn về y tế. Trong đó, không thể không nhắc đến công lao của miếng khẩu trang, mà ngay từ đầu, y giới phương tây ra rả tuyên truyền: Không có tác dụng tiệu diệt corona.
Đó là những khẩu trang tự chế, nói thẳng ra là tự may, màu sắc sặc sỡ, hoặc sang hơn, là những khẩu trang nhập khẩu từ nước bạn láng giềng, loại phẫu thuật, dùng một lần rồi bỏ. Khẩu trang than hoạt tính, N95… ít thấy hơn. Thật khó mà hình dung một Hà nội không khẩu trang, không áo chống nắng, nhìn ai nấy đều trùi trũi unisex như Ninja. Hà nội là một minh chứng cho khẩu trang thời Corona: có còn hơn không.
Người châu Á khóc thét nhìn phương tây mồm trần mắt trụi đi lại nghênh ngang ngoài đường. Không khí trong lành, ít ô nhiễm, khiến dân tây không thèm đến khẩu trang, thứ rọ mõm bịt miệng của người Á quanh năm ép mồm khâu miệng. Trong khi Vũ hán hàn kín nhà dân và sập cửa biên giới, giam cả chục triệu người trong nhà chỉ sau một đêm, thì phương Tây vẫn nhởn nhơ. Hết Pháp đến Đức gom nào khẩu trang nào quần áo bảo hộ, hết chuyến bay này đến chuyến bay khác, vừa đón đám công dân mải chơi, vừa để tặng cả triệu món quà vô giá cho Bắc Kinh như một quan sát viên hào phóng, mà không biết, cái chết xám đang đến gần như một cơn lốc. Đến khi phương tây kịp hiểu chuyện thì đã muộn. Khẩu trang, nước sát trùng trở thanh gia bảo, là thứ bị mất cắp nhiều nhất ở bệnh viện, thành món hàng phải có cảnh sát hộ tống và thậm chí mất cắp ngay ở cảng hàng không và đường biên giới trước khi kịp đến Đức. Vũ Hán chưa hoàn hồn nạn dịch khủng khiếp, Bắc Kinh đã dùng ngay khẩu trang như một món quà lại quả với những quốc gia ăn ở “biết điều”, lờ tịt đi hàng trăm ngàn bộ bảo hộ y tế và hàng chục triệu khẩu trang từ tấm lòng nước Đức và các quốc gia khác. Nếu Ý, Tây Ban Nha và Hà lan phải ngậm ngùi trả lại quả đắng là những lô hàng lởm cực mất dạy của ông bạn vàng quý hóa, thì đáp lại, Đức đã từ chối sự “giúp đỡ” kẻ cả đến từ quê hương của con virut Vũ Hán. Khẩu trang có thể là quà tặng, nhưng không thể là sự ban ơn, từ một quốc gia vô ơn. Đức đã sút một quả tung lưới, trong sự ngạo nghễ đầy tự trọng.
Cũng như giám đốc WHO cho đến nay không khuyến khích những người chưa bị nhiễm corona đeo khẩu trang thì Đức, lúng túng trước tình trạng thiếu hụt khẩu trang nghiêm trọng, tỏ ra khá trung thành với tiêu chí: Khấu trang chỉ dùng cho người bệnh và y giới. Nhưng thấy vậy mà không phải vậy. Cách đây mới độ chục ngày thôi, trên đường phố còn thấy rất ít người đeo khẩu trang, thì bây giờ, điều ấy đã thay đổi. Không ai còn chằm chằm đầy ngờ vực nhìn một nhân vật đeo rọ mõm xuất hiện trên đường nữa. Có lẽ bây giờ là cái nhìn thán phục: À, không biết nó mua được khẩu trang ở đâu mà xịn thế nhỉ. Hay ít ra, cũng là để khen thầm một sự dũng cảm. Kỳ thị người đeo khẩu trang y như họ là một con virut di động đã trở nên lỗi thời. Đã đến lúc, khẩu trang như một tuyên ngôn của bản lĩnh thời corona: Nhà có điều kiện, tiện thì dùng, đi lung tung không lo lây nhiễm!
Như để giáng thêm một đòn cuối cùng vào sự bảo thủ lỳ lợm, thủ tướng Áo hôm nay đã ra lệnh buộc người dân Áo phải đeo khẩu trang khi đi siêu thị hoặc những chỗ đông người. Và để đáp lời, Jena (Thüringen, Đức), cũng bắt đầu ra luật khẩu trang. Tất cả mọi thứ che miệng đều được coi là khẩu trang, thậm chí là khăn quàng cổ, hay cổ áo khoác kéo lên. Sự “dễ tính” của khẩu trang, hay sự xuống cấp của các quy tắc? Không, đó là một thay đổi vĩ đại của nhận thức! Cuộc cách mạng khẩu trang!
Trong khi chính phủ vẫn coi khẩu trang là chuyện riêng của mỗi cá nhân, ông nhà nước cũng chịu móc hầu bao xuất trong kho dự trữ ra 20 triệu chiếc nhỏ giọt cho những đơn vị đang thoi thóp cần. Nghe đâu, hãng xe BMW danh tiếng và Mercedez của Đức bắt đầu sản xuất… khẩu trang, cũng như các tập đoàn Charnel, Dior…Pháp xa xỉ và kiêu hãnh chuyển hướng sang làm nước rửa tay vậy. Như vậy, có thể dự đoán, không xa nữa, đeo khẩu trang có thể là điều bắt buộc ở Đức, xóa bỏ vĩnh viễn một thời kỳ tự do thả rông mồm miệng. Con virut bé nhỏ đã làm được những điều tưởng chừng không bao giờ có thể xảy ra, ở Đức.
Bà con Vn ta, một thời oanh liệt với máy khâu 7 tác dụng bắt số đo may quần bò phục vụ cả 5 bang Đông Đức, giờ lại lôi đồ nghề ra quất khẩu trang. Nhà nhà may, người người may, ríu rít như hội, làm ấm cả một tháng Ba đầy bão táp. May để tặng dân Đức, thậm chí cả bệnh viện cảnh sát… Nghe đâu phong trào này bắt nguồn từ bên Tiệp thì phải. Dân ta giỏi thật. Buông tay này đếm tiền là tay khác hối hả làm từ thiện, đồng cam cộng khổ. Dân Đức từng có quan niệm, cứ người Vn là biết may. Nay họ sẽ có dịp ôn lại, mỗi khi nhớ về hôm nay, từng chiếc khẩu trang xanh đỏ tìm vàng và cả kẻ caro, của những đôi tay hôm qua vừa xào mỳ, giũa móng, bó hoa…
Yêu lắm, khẩu trang. Chiếc “rọ mõm” bé nhỏ xinh xinh mà đằng sau đó là cả một câu chuyện, lịch sử và những thăng trầm. Chúng ta sẽ “sống để kể lại” câu chuyện này, cho con cháu mai này.
Ngày xửa ngày xưa, vào năm 2020 sau công nguyên, loài người đột nhiên bị một con Virut có tên là vũ hãn tấn công. 2% dân số bị tiêu diệt. Đó là những người quá già yếu sống một cuộc đời đủ lâu, nhiều kẻ ác độc, một số người tốt chết đi để cảnh tỉnh loài người, và những kẻ ra đường không có khẩu trang…
(*) Sống để kể lại- Tên một tác phẩm của nhà văn Gabriel Garcia Marquez.
Nguồn: Facebook Kiều Thị An Giang