TBVĐ- Ở Đức quy định việc sử dụng mã IBAN bắt đầu từ tháng 6/2016, theo đó đất nước này quy định tất cả các khách hàng phải bắt buộc dùng tài khoản IBAN để thực hiện chuyển tiền. Mã IBAN này bao gồm 22 chữ và số. Với dãy số dài như vậy, không ít trường hợp khách hàng nhỡ tay chuyển tiền nhầm tài khoản rồi cảm thấy hốt hoảng vì không biết phải xử lý như thế nào. Và sau đây là cách giải quyết ngay lập tức mà bạn cần biết.
Chuyển tiền với số IBAN không đúng
Nếu nhập một số IBAN không tồn tại thì giao dịch sẽ không được thực hiện người chuyển chỉ việc nhập lại ngay lúc đó. Với hình thức chuyển khoản được điền bằng viết tay, ngân hàng có nghĩa vụ phải kiểm tra số tài khoản đó có tồn tại không. Tuy nhiên, trường hợp kiểm tra bỏ qua, giao dịch thực hiện với tài khoản không có thực, tiền trừ vào tài khoản nhưng sẽ được hoàn lại sau đó một vài ngày.
Chuyển nhầm với số IBAN có thực
Trong trường hợp bạn nhập số IBAN có tồn tại thì đó hoàn toàn là lỗi ở người chuyển, và ngân hàng không chịu trách nhiệm. Nếu chuyển khoản nhầm thì khách hàng phải liên hệ ngay với ngân hàng thông báo về việc chuyển nhầm tài khoản thụ hưởng.
Nếu tiền vẫn đang trên đường, việc chuyển tiền có thể bị dừng lại. Việc chuyển tiền khác ngân hàng thường mất từ 3 đến 24 giờ, ở cùng một hệ thống ngân hàng thường giao dịch ngay lập tức.
Trường hợp lệnh chuyển tiền đã được thực hiện, mọi chuyện trở lên phức tạp, ngân hàng không có quyền truy cập vào số tiền chuyển sai. Lúc này người chuyển tiền sai có thể yêu cầu ngân hàng tiến hành kiểm tra, rà soát và thông báo ngay đến chủ quản của tài khoản chuyển nhầm đòi hoàn trả số tiền với lệ phí dao động từ 10 đến 20 Euro.
Đầu tiên ngân hàng xác định người nhận tiền chuyển sai, sau đó liên hệ với ngân hàng của người đó để thông báo việc chuyển khoản không chính xác. Tiếp đó người nhận sẽ được thông báo khoản tiền chuyển nhầm và yêu cầu chuyển trả. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ thực hiện điều này với những khoản tiền chuyển nhầm từ 20 Euro.
Hải Nam