Quan chức cấp cao Nhà Trắng đánh giá, Mỹ và châu Âu cần hợp tác tối đa để hiểu và giải quyết bất đồng, cũng như đối phó với những hành vi cưỡng ép và không phù hợp của Trung Quốc.
Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu nỗ lực vạch ra một hướng tiếp cận thống nhất nhằm đối phó với Trung Quốc, hai bên sẽ phải làm tốt hơn trong việc đạt được hiểu biết chung và giải quyết những vấn đề còn bất đồng, quan chức hàng đầu về Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Laura Rosenberger cho biết hôm 24/6.
“Thực tế là chúng ta chưa bao giờ đạt được sự nhất trí 100% với bất kỳ đồng minh nào về bất kỳ vấn đề gì. Đối với tôi, điểu quan trọng cần làm là cần hợp tác đối đa với các đồng minh của chúng ta, cũng như hiểu và giải quyết những bất đồng giữa các bên”, bà Laura Rosenberger nhận định trong một sự kiện trực tuyến do Trung tâm Wilson tổ chức ở Washington.
Mặc dù bà Rosenberger không nêu cụ thể các vấn đề bất đồng nhưng bà cho rằng, hiện vẫn chưa có sự nhất trí hoàn toàn giữa Mỹ và châu Âu về hướng tiếp cận ở Ấn Độ – Thái Bình Dương – vốn là một ưu tiên chính sách của chính phủ Mỹ. Dù vậy, quan chức cấp cao Mỹ này cho rằng đã có “sự dịch chuyển” giữa hai bên để hướng tới sự hợp tác hiệu quả hơn.
Dẫn ra “mối quan hệ kinh tế sâu sắc” của Mỹ và châu Âu với Trung Quốc, bà Rosenberger cho rằng “một điều quan trọng là chúng ta cần hiểu cách thức để hỗ trợ tốt hơn cho nhau trong việc giải quyết những vấn đề mà chúng ta còn mâu thuẫn”.
Quan chức trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ này cũng nhận định, việc giải quyết những khác biệt sẽ giúp Mỹ và đồng minh “sát cánh với nhau đối phó với những hành vi cưỡng ép và không phù hợp từ Bắc Kinh trên lĩnh vực kinh tế”.
Sự đồng lòng của Mỹ và châu Âu trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc đã được thể hiện hồi tháng 3 khi Washington cùng với Brussels, London và Ottawa trừng phạt các quan chức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, ông Biden và các nhà lãnh đạo khác cũng đưa ra tuyên bố mạnh mẽ, cam kết hợp tác cùng nhau thách thức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, Hong Kong và nguồn gốc Covid-19. Hội nghị Thượng đỉnh NATO cũng lần đầu tiên tuyên bố Trung Quốc là một mối de dọa về an ninh.
“Nếu bạn hỏi tôi cách đây 1 năm, tôi sẽ nói rằng một khía cạnh bất đồng giữa Mỹ và châu Âu là lập trường về việc coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh trực tiếp. Tuy nhiên, tôi cho rằng tuyên bố mới đây của Hội nghị Thượng đỉnh NATO là một minh chứng khá rõ ràng cho thấy sự khác biệt đó đã không còn nữa”.
Nỗ lực tập hợp các đồng minh châu Âu đối phó với Trung Quốc tiếp tục được Mỹ đẩy mạnh khi tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới châu Âu để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Các nhà lãnh đạo châu Âu hoan nghênh hướng tiếp cận đa phương của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, trái ngược với chính sách đối ngoại đơn phương của cựu Tổng thống Trump.
Phát biểu tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Blinken hôm 23/6, Thủ tướng Merkel cho biết Đức và Mỹ đã “có thể tìm kiếm điểm chung để đối phó với những thách thức địa chiến lược trên thế giới, không chỉ xác định chúng mà còn thực sự nhất trí một hướng tiếp cận chung nhằm đối phó với những vấn đề này”, trong đó bao gồm cả quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Các quan chức Trung Quốc, vốn kỳ vọng quan hệ Mỹ – Trung sẽ giảm căng thẳng dưới thời chính quyền Mỹ mới, đã giận dữ khi Washington lôi kéo các đồng minh châu Âu đối phó với nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chỉ trích những tuyên bố mà ông cho là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc đồng thời cho rằng tuyên bố chung của G7 “cho thấy ý định xấu xa của Mỹ và một số quốc gia khác nhằm tạo ra đối đầu và bất hòa, cũng như khoét sâu thêm chia rẽ và khác biệt”./.