Trong tuần này, liên minh ‘đèn giao thông’ gồm Đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP) sẽ chọn ra những gương mặt then chốt trong chính quyền mới tại Đức dưới sự lãnh đạo của vị thủ tướng mới sau 16 năm.
Ngày 6-12, Đảng Xanh dự kiến sẽ là đảng sau cùng thông qua thỏa thuận liên minh, mở đường cho việc xác lập nội các. Một số vị trí quan trọng đã được hé lộ phần nào cho thấy đường hướng sắp tới của nước Đức về kinh tế, môi trường và cả chính sách chống dịch COVID-19.
Hướng đến kinh tế xanh
Theo kế hoạch, ngày 7-12 ba đảng gồm SPD, Xanh và FDP sẽ ký thỏa thuận liên minh và ngày 8-12 sẽ thành lập chính phủ mới. Bà Merkel dự kiến cũng rút lui vào ngày 8-12, khi Quốc hội Đức bầu ra thủ tướng mới là ông Olaf Scholz.
Ngoài giữ chức thủ tướng, SPD sẽ phụ trách 6 bộ gồm Quốc phòng, Lao động, Nội vụ, Hợp tác kinh tế và phát triển, Xây dựng và Y tế; Đảng Xanh sẽ giữ 5 bộ bao gồm Bộ Ngoại giao, và Đảng FDP sẽ giữ 4 bộ bao gồm Bộ Tài chính.
Theo Hãng tin AFP, lãnh đạo FDP, ông Christian Lindner, 42 tuổi, đã cầm chắc ghế bộ trưởng tài chính trong chính phủ mới. Chính trị gia sắc sảo này nắm quyền lèo lái trong giai đoạn vô cùng quan trọng của nền kinh tế Đức.
Là một người yêu thích xe hơi, đặc biệt là xe cổ, ông Lindner sẽ phụ trách chương trình đầu tư xanh khổng lồ của liên minh cầm quyền. Ông đã thể hiện rõ tầm nhìn rằng các doanh nghiệp, chứ không phải chính phủ, nên dẫn đầu lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, theo giới quan sát, ông có thể gặp khó khăn với phe thiên tả trong chính phủ về vấn đề cân bằng ngân sách trong bối cảnh lạm phát tăng hiện nay.
Trong khi đó, chính trị gia Robert Habeck của Đảng Xanh sẽ nắm giữ “siêu bộ” phụ trách kinh tế, năng lượng và bảo vệ môi trường, bên cạnh vai trò cấp phó của ông Scholz. Như vậy, ông sẽ quản lý từ các chính sách kinh tế, doanh nghiệp cho đến mạng lưới điện quốc gia, năng lượng sạch.
Nắm giữ vị trí này ở một quốc gia mạnh về công nghiệp như Đức sẽ không dễ dàng. Nhiệm vụ chính của ông là tăng gấp đôi nguồn năng lượng sạch để tới năm 2030 sẽ chiếm khoảng 80% nguồn điện tiêu thụ của Đức, con số cao hơn nhiều so với mục tiêu 65% đặt ra trước đó. Tuy nhiên, chính trị gia 52 tuổi này được đánh giá mạnh về đàm phán với dấu ấn là thuyết phục các ngư dân, nhà bảo tồn về việc xây dựng nông trại gió trên biển.
“Ông ấy giống một nhà quản lý tổng quát hơn là chuyên viên, ông ấy có cách đơn giản hóa những vấn đề phức tạp” – nhà khoa học chính trị Uwe Jun của Đại học Trier (Đức) từng nhận xét.
Quyết liệt chống dịch
Đức cũng sẽ có nữ ngoại trưởng đầu tiên là bà Annalena Baerbock, đồng lãnh đạo Đảng Xanh. Là một chuyên gia về luật quốc tế, bà Baerbock đã cam kết sẽ đặt vấn đề nhân quyền vào trọng tâm chính sách đối ngoại của Đức, cứng rắn hơn với Nga và Trung Quốc.
Bà Baerbock được mô tả là một phụ nữ mau mắn nhưng kiên quyết, tỉ mỉ. “Bà ấy sẽ đặt câu hỏi cho đến khi nào thực sự hiểu vấn đề. Bà ấy sẽ không bao giờ bỏ cuộc” – một số thành viên của Đảng Xanh mô tả về nhà lãnh đạo đảng trên tờ Handelsblatt.
Đối với dịch COVID-19, liên minh cầm quyền mới đã thể hiện rõ thái độ mạnh mẽ trong chống dịch như kế hoạch bắt buộc tiêm vắc xin từ tháng 3-2022 đối với nhân viên bệnh viện, nhà dưỡng lão và các cơ sở y tế khác.
Hãng tin Reuters dẫn dự thảo kế hoạch cho biết để đẩy mạnh tiêm liều bổ sung vào cuối năm nay, Đức cũng sẽ tạm cho phép nha sĩ, dược sĩ tham gia tiêm vắc xin. Ngày 5-12, bộ trưởng giao thông tương lai của Đức, ông Volker Wissing, cũng đã kêu gọi người dân hạn chế đi du lịch trong nước vào Giáng sinh, cảnh báo rằng mùa đông 2021 sẽ còn “kịch tính” hơn 2020.
Ngoài ra, chính quyền mới cũng sẽ thực hiện các mục tiêu trong thỏa thuận cầm quyền như tăng lương tối thiểu mỗi giờ lên 12 euro, hạn chế mức tăng giá thuê nhà tại những thị trường địa ốc đang sốt.
Về quân sự, các đảng cũng muốn trang bị máy bay không người lái cho các lực lượng vũ trang. Đức cũng đặt mục tiêu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, mức phù hợp với mục tiêu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo Trần Phương / tuoitre.vn