Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Khi giáng sinh “chạm tay” vào lòng thành phố

Ảnh: Trung Hiếu

TBVĐ- Người ta đã thống kê, mấy năm gần đây, người Đức đã chi khoảng 700 – 750 triệu Euro cho việc trang trí cây thông trong nhà.

Quảng trường “Marktplatz” ở thành phố Halle/Saale năm nào cũng được dùng mở chợ tết mừng Đức chúa giáng sinh (Weihnachtfest). Chợ mở cửa từ 24-11 đến 24-12 hàng năm. Các mặt hàng kinh doanh không ngoài đồ mĩ nghệ và ăn uống.

Phố hàng ăn nhộn nhịp và hấp dẫn

Đồ ăn chủ yếu là các món ăn dân gian quê nhà: Bít tết phết với pho mát hoặc hành xào, Thịt băm viên, xúc xích… được nướng trên than củi; thịt đùi heo hầm dưa chua bắp cải; cá hun khói, cá-tôm tẩm bột chiên ròn, ăn với sáu loại nước sốt khác nhau.

Khác với người Việt chỉ pha nước mắm trong bữa ăn, người Đức rất chú trọng món nước sốt. Mỗi đồ ăn lại có nước sốt phù hợp. Trong chợ, người ta làm tới 20 món sốt “International” khác nhau, cho riêng món khoai tây chiên thái sợi (Pommes).

Đồ uống được dùng ưa thích là vang ngọt nóng (Gluehwein), rượu ngọt nóng (Punsch) và Kakao nóng. Ba loại trên lại được pha trộn với các hỗn hợp khác để tạo ra các “biến thể” đa dạng như: Vang nóng pha với rượu ngọt Jaegermeister, Punsch pha với rượu Rum, Punsch pha với Whiskey, hoặc pha với trứng. Kakao thì được pha với rượu ngọt như Jaegermeister, Strohrum, hay Kirschlikoer.

Trời lạnh, người ta dùng nóng tất cả các đồ ăn uống, thậm chí cả bia cũng nóng: Gluehbier, Kirschbier. Giá cả đồ ăn và uống, trung bình giao động từ 3-5 Euro. Trẻ con được quan tâm với đồ uống Kinderpunsch (không cồn) với giá chỉ 1 Euro.

Ảnh: Trung Hiếu

Những khu chợ đặc sắc

Có rất nhiều cửa hàng bán đồ mĩ nghệ khác nhau với các chất liệu sắt, gốm, thủy tinh, gỗ được bày bán nhân dịp Giáng sinh. Ở đây không bao giờ có thể thiếu mặt hàng truyền thống cổ xưa, đó là nến. Nến rất nhiều và người tạo dáng hết sức đa dạng. Mặt hàng kinh doanh cây thông Noel, được khoanh vùng riêng hẳn một khu cạnh chợ. Những cây thông cao từ một mét đến hai mét, có giá thấp nhất là 30 Euro. Người ta đã thống kê, mấy năm gần đây, người Đức đã chi khoảng 700 – 750 triệu Euro cho việc trang trí cây thông trong nhà.

Bánh mì là lương thực chính của người Âu, do vậy mà lò bánh mì trong chợ lúc nào cũng tuôn khói cuồn cuộn. Lò bánh đặc biệt này, làm theo phong cách cổ truyền của người nông dân Đức. Bột mì được nhào và cho vào lò nướng ngay tại chỗ bằng củi Bạch dương. Nhân đây „mở ngoặc“ với các bạn chuyện bánh mì Đức: Bánh mì Đức bị Uỷ ban bảo vệ sức khỏe của Liên minh châu Âu đánh giá là „không thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng“. Bởi vì nó quá mặn. Người ta đã yêu cầu giảm lượng muối trong bánh, nhưng các nhà sản xuất Đức trả lời: „không! Nếu giảm lượng muối trong bánh, chúng tôi sẽ phá sản“. Bao đời nay, người Đức ăn mặn quen rồi!

Trong chợ tết, đa phần các nhân viên phục vụ ăn vận trang phục cổ truyền. Ban ngày, một sân khấu nhỏ được dựng lên, đây là điểm thu hút du khách tới chơi chợ đông nhất. Thưởng thức món ăn tinh thần sau khi đã ẩm thực, là nhu cầu không thể thiếu của người Đức.

Và cả một chút hoài niệm về „Nước Đức ngày xưa“

Mấy hôm trước, khi đang lang thang trong chợ Noel, tôi bị sốc khi bắt gặp một cửa hàng quái dị. Tôi đứng trước quầy hàng khoảng năm phút và suy nghĩ: „Thằng cha này là ai mà đem vào đây bán những thứ quỷ quái này. Cả quầy hàng bầy kín những kìm, búa, kéo, bánh răng, ốc vít. Cái nào cũng cũ kĩ, gỉ ngoèn. Cái kìm giá 8 Euro, cái ốc vặn giá 6 Euro,…“

Tôi dí máy ảnh chụp cận cảnh khắp lượt và hết sức ngạc nhiên về kiểu kinh doanh độc nhất vô nhị này. Tôi quay lưng đi mà trong đầu vẫn còn bỏ dở câu hỏi khi nhiều thứ đặc sắc khác đang hấp dẫn mình. Đúng trưa ngày 24-12, chợ tết Noel dọn một nửa. Một nửa thôi, vì còn có một số quầy (chủ yếu là đồ ăn) đăng kí bán hết ngày 31-12.

Chỉ còn một tiếng nữa là đúng 14 giờ là hạn cuối cùng để các ông chủ, bà chủ khép lại công việc kinh doanh tất bật trong năm. Tôi cố tìm bằng được

cái nhà ông dở hơi đem bán đống sắt gỉ ngoèn ngoài chợ Noel mấy hôm trước. May quá, ông ta đã chuyển cửa hàng lên ngã tư Hansering và bây giờ đang chuẩn bị thu dọn. Thấy tôi hổn hển ngỏ ý xin được “sờ vào hiện vật”, ông ta cười rồi đưa cho tôi một cái túi Folie, trong có đựng cái kìm và con ốc gỉ. Tôi đưa lên tận mắt ngắm nghía, nhưng không phát hiện được điều gì bất thường. Duy có điều chúng rất nhẹ. Tôi hỏi ông rằng, chúng được làm bằng loại “Material” gì, ông ta lại cười về cái sự ngớ ngẩn đó và từ từ rút ở dưới gầm bàn lên một tấm biển quảng cáo với dòng chữ: “Dụng cụ cơ khí làm từ bột Schokolade”. Hoá ra, người ta muốn gợi nhớ về một thời công nghiệp Đức còn sơ khai với các “công trường thủ công” – những xe ngựa kéo, những máy móc quay tay và các cửa hàng thủ công ngoài phố.

Chợ Noel đông vui tấp nập bắt đầu từ chập tối và lung linh về đêm. Mặc dù có nhiều nghìn người từ khắp các nơi đổ về, chen nhau đi chơi chợ, hàng hóa bày bán ngoài tủ kính la liệt, tàu điện, ô tô đan dệt liên tục như mắc cửi… nhưng qua mấy chục cái tết rồi, tôi thấy rất ít khi cảnh sát xuất hiện trong chợ và chưa thấy bất cứ một vụ mất an ninh nào xảy ra ở đây.

Người Đức đã tự tạo cho mình một thói quen sinh hoạt lịch lãm và một nề nếp tự quản xã hội ở một trình độ rất cao. Sau tin quốc hội Đức thông qua luật cho phép quân đội hỗ trợ cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, nhiều người lo chợ Weihnacht ở Đức sẽ bị bọn khủng bố viếng thăm. Đúng như vậy, lễ giáng sinh năm 2016, tên khủng bố Amri đã giết chết người tài xế Ba Lan, cướp chiếc xe tải và lao vào chợ tết Breitscheidplatz trên Berlin, làm 12 người chết và 50 người bị thương. Ngay hôm sau, an ninh được thắt chặt trên toàn quốc. Tại thành phố Halle, cảnh sát đã phải phong toả mọi ngả đường mà ô tô có thể đi vào chợ. Ba ngày sau, tên Amri bị cảnh sát Ý tiêu diệt. Tình hình lúc đó khá căng thẳng, nhưng người Đức vẫn rất bình tĩnh và tự tin đi chơi chợ như chảy hội.

Nguyễn Công Tiến