Ngày 11/5, Bộ Kinh tế Đức khẳng định nguồn cung khí đốt của nước này vẫn đảm bảo ngay cả khi không còn nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu qua điểm trung chuyển chính tại Ukraine.
Bộ này cho biết các cơ quan chức năng nước này theo dõi tình hình chặt chẽ và có phương án xử lý phù hợp. Hiện nguồn cung tại Đức vẫn ổn định.
Trong khi đó, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết tiếp tục chuyển khí đốt đến châu Âu qua Ukraine với khối lượng trong ngày 11/5 là 72 triệu m3, giảm so với 95,8 triệu m3 của một ngày trước đó. Gazprom không cho biết liệu lượng khí đốt này có phù hợp với yêu cầu của các khách hàng châu Âu không.
Theo công ty vận hành đường ống dẫn khí đốt Ukraine, khối lượng khí đốt Nga cung ứng đã giảm khi ngày 11/5, Nga ngừng cung cấp khí đốt trung chuyển qua Ukraine tại cửa khẩu Sokhranova sau khi Kiev cảnh báo cắt nguồn cung tuyến đường ống này.
Trong một diễn biến khác, ngày 1/5, Chính phủ Bulgaria thông báo từ tháng 6 tới, nước này sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng của Mỹ với giá thấp hơn giá của Gazprom. Thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Kiril Petkov và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Washington, Mỹ.
Gazprom đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan từ ngày 27/4 do hai nước này từ chối thanh toán các hợp đồng bằng đồng ruble của Nga. Bulgaria tiêu thụ khoảng 3 tỷ m3 khí đốt/năm, trong đó 90% đến từ Nga.
Hiện Bulgaira đang đẩy mạnh đàm phán với Azerbaijan để đa dạng nguồn cung khí đốt và hy vọng đạt thỏa thuận về khí hóa lỏng cung cấp từ các kho ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) mua chung khí đốt để có được các mức giá cạnh tranh hơn.