Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng Berlin không còn phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga và đang tìm cách cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 20%.
“Tôi rất vui vì chúng tôi đã đạt được thỏa thuận ở cấp độ châu Âu về mục tiêu giảm lượng tiêu thụ khí đốt xuống 15%. Đây là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy sự đoàn kết ở châu Âu, cũng là tín hiệu đáng mừng đối với đất nước của chúng tôi, quốc gia cho đến nay vẫn đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt của Nga”, hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Scholz cho biết trong bài phát biểu tại Hạ viện ngày 20/10.
Thủ tướng Đức cũng bày tỏ tin tưởng rằng Berlin đã “giải phóng” đất nước khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và đang chuẩn bị tốt cho mùa đông. Nhà lãnh đạo này cũng nói lời cảm ơn toàn thể người dân Đức vì đã nỗ lực tiết kiệm năng lượng.
“Chúng ta đang cùng nhau phấn đấu cắt giảm 20% lượng tiêu thụ khí đốt. Mỗi kilowatt giờ chúng ta tiết kiệm được sẽ tăng cường an ninh năng lượng của đất nước”, ông Scholz tuyên bố.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng nhắc lại cáo buộc Moskva đã “sử dụng năng lượng làm vũ khí” đối phó với phương Tây. Ông cho rằng rất lâu trước khi xảy ra các sự cố tại đường ống Nord Stream ở biển Baltic, Nga đã ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống này mà không nêu rõ lý do. Do đó, ông Scholz nói rằng nước Nga không còn là đối tác thương mại đáng tin cậy.
Đức đã quyết định chấm dứt phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Theo kế hoạch của Berlin, trong năm 2022, nước này sẽ từ bỏ nhập khẩu than đá và dầu, nhưng vẫn sẽ cần khí đốt của Nga trong năm tới.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc cho rằng Moskva “vũ khí hóa” năng lượng. Giới chức chỉ ra rằng chính sách năng lượng của EU và các lệnh trừng phạt Nga chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” về năng lượng như hiện nay, gây khó khăn cho châu Âu.