Liên minh châu Âu (EU) đang đề nghị giảm biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm với mỳ ăn liền của Việt Nam, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ.
Từ tháng 2/2022, mỳ ăn liền Việt Nam xuất sang EU chịu kiểm soát chất lượng như có chứng thư do cơ quan quản lý Việt Nam cấp, kiểm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (chất ethylene oxide – EO) với tần suất 20% tại cảng nhập khẩu.
Theo Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương), nửa cuối năm 2022 không có vụ việc vi phạm nào của mỳ ăn liền Việt Nam bị EU phát hiện có EO trong sản phẩm. Kết quả này được Tổng vụ An toàn và sức khoẻ (Sante, thuộc EU) ghi nhận trong phiên họp kỹ thuật giữa tháng 2.
Nhờ đó, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, phía EU đã đề nghị giảm mức kiểm soát với mỳ ăn liền của Việt Nam vào thị trường này. Theo đó sẽ không yêu cầu có chứng thư, nhưng vẫn chịu kiểm soát tại cửa khẩu EU với tần suất 20%. Đề xuất này của EU sẽ được các nước thành viên thông qua tại phiên họp vào tháng 4 tới.
Để mỳ ăn liền Việt Nam vào danh sách giảm kiểm soát từ phía EU, Bộ Công Thương cho rằng cần nỗ lực lớn từ phía doanh nghiệp trong kiểm soát chuỗi cung ứng, đảm bảo không sử dụng EO trong bất kể khâu nào của sản xuất, và sản phẩm khi xuất sang EU.
Các quy định kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn EU được doanh nghiệp, đơn vị kiểm nghiệm tuân thủ nghiêm, theo Bộ Công Thương, sẽ là điểm cộng để các nước thành viên đồng thuận nới điều kiện kiểm soát với sản phẩm mỳ ăn liền, hàng hoá Việt Nam tiếp cận thị trường EU.
Đến cuối tháng 2, Bộ này đã cấp 3.170 chứng thư an toàn thực phẩm (Health Certificate) cho các doanh nghiệp xuất mặt hàng này sang thị trường EU thông qua 21 cảng. Đức là quốc gia nhập khẩu mỳ ăn liền nhiều nhất từ Việt Nam, chiếm hơn một nửa số chứng thư được cấp (1.715 chứng thư).
Tháng 8/2021, một số lô mỳ ăn liền của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất sang thị trường EU bị trả lại hoặc tiêu huỷ do dư chất EO vượt quá quy định cho phép tại thị trường này.
Hiện mỗi nước, khu vực đưa ra quy định về chất EO khác nhau, có nơi siết chặt như EU, nhưng cũng có các quốc gia nới lỏng hơn. Ethylene oxide (EO) thường được sử dụng làm chất khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao trong một số sản phẩm nông sản; khử khuẩn các nguyên liệu thực phẩm, đặt biệt cho các gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế do yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella.
Việc tiêu thụ các sản phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe nhưng có thể gây ung thư nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài. Tại nhiều nước châu Âu, hàm lượng ethylene oxide trong thực phẩm được tính cả mức tồn dư 2-chloroethanol, một dạng chuyển hóa của ethylene oxide.
Theo Anh Minh / vnexpress.net