Liên minh châu Âu (EU) đang có những bước đi để mở rộng quy mô 27 quốc gia thành viên thêm 8 quốc gia. Tuy nhiên, những nỗ lực mở rộng mang tính lịch sử này sẽ đặt ra những rủi ro cho EU.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg nhấn mạnh: “Bây giờ là thời điểm cần phải quyết liệt thay đổi cách tiếp cận của chúng ta đối với việc mở rộng – để đưa 6 quốc gia Tây Balkan, Ukraine và Moldova, trở thành gia đình của chúng ta. Kết nạp thêm thành viên là động thái bảo vệ cuộc sống của các nền dân chủ phương Tây cởi mở, tự do”.
Quá trình mở rộng EU dự kiến là chủ đề xuyên suốt bài phát biểu thường niên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen về tình hình của EU trong ngày 13/9 tới. Theo hai nhà ngoại giao cấp cao EU giấu tên, các bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu từ 27 quốc gia của khối cũng sẽ thảo luận sâu về vấn đề này tại một cuộc họp vào cuối tháng 10.
Không chỉ vậy, chủ đề mở rộng EU sẽ được đề cập trong cuộc họp lần thứ ba của Cộng đồng Chính trị châu Âu gồm các quốc gia ngoài các thành viên trong khối, dự kiến diễn ra vào ngày 5/10 tại Tây Ban Nha.
Đức và Pháp – hai quốc gia có tiếng nói trong liên minh – dường như “bật đèn xanh” trước các nỗ lực kết nạp thêm thành viên. Đầu năm nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chấp thuận sáng kiến về một châu Âu “mở rộng” trong khi EU cũng nhận được những tín hiệu lạc quan từ Paris. Bộ trưởng Vấn đề châu Âu Laurence Boone của Pháp nói rằng EU nên đưa ra một “thông điệp nhất quán” cho các quốc gia ứng cử viên về việc gia nhập liên minh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ ý tưởng kết nạp theo từng giai đoạn, trong đó các quốc gia trước tiên sẽ được tiếp cận thị trường chung trước khi trở thành thành viên chính thức của EU.
Ngoại trưởng Áo Schallenberg đưa ra khả năng cho phép các quốc gia ứng cử viên làm quan sát viên trong ủy ban chính trị và an ninh của EU (PSC), cơ quan đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại của liên minh. “Thay vì chỉ gửi cho họ một tuyên bố chung về Chính sách an ninh đối ngoại của EU hoặc nói rằng ‘ký vào’, chúng ta sẽ biến họ thành một phần suy nghĩ trong khối, là một phần trong việc đưa ra quyết định của chúng ta”, nhà ngoại giao hàng đầu nhấn mạnh.
Việc bổ sung các thành viên mới được cho là sẽ mở ra loạt thách thức đối với EU, trong đó vấn đề đầu tiên là thời gian. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã kêu gọi kết nạp các thành viên mới trước năm 2030 song ý kiến này đã bị người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu, cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá năng lực của các quốc gia ứng cử viên, dội một gáo nước lạnh.
Người phát ngôn cho biết quá trình gia nhập EU hoàn toàn phải dựa trên điều kiện mà các nước đáp ứng. Ủy ban dự kiến trình bày các báo cáo tiến độ về các quốc gia ứng cử viên vào cuối năm nay, mặc dù một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết việc trình bày có thể bị trì hoãn trong bối cảnh cần đặc biệt xem xét kỹ lưỡng nỗ lực gia nhập của Ukraine.
Nếu muốn hiện thực hóa tham vọng trước hạn chót 2030, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải đối mặt với những cuộc tranh luận gay gắt. Cuộc tranh luận chấp thuận các thành viên mới có thể sẽ tạo ra mâu thuẫn giữa các nước thành viên khi các quan chức cân nhắc sự phù hợp của các quốc gia ứng cử viên, ví dụ như mối lo ngại về thực trạng tham nhũng ở Ukraine ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, chính sách nông nghiệp là điểm gây tranh cãi rõ ràng nhất trong bất kỳ cuộc đàm phán gia nhập nào giữa Brussels và Kiev. Xuất khẩu ngũ cốc giá rẻ của Ukraine có thể tràn vào EU và nhấn chìm thu nhập của nông dân được trợ cấp trong khối này. Ba Lan và một số nước EU khác đã chặng đường đối với việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine với lý do nhằm bảo vệ nông dân trong nước.
Để mở rộng thành viên, EU sẽ phải cải cách nội bộ các mặt, bao gồm: xem xét lại chính sách nông nghiệp chung của EU, thiết kế lại ngân sách dài hạn của khối và viết lại quy trình ra quyết định trong các lĩnh vực như chính sách đối ngoại.
Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Bồ Đào Nha, Tiago Antunes cho biết: “Những gì chúng tôi thấy là với khuôn khổ hiện tại, cho dù đó là ngân sách, chính sách hay quy trình ra quyết định, đều không phù hợp với một châu Âu có khoảng 30 thành viên. Nó đã rất khó khăn với 27 thành viên hiện tại rồi”.
Một sự mở rộng ở EU cũng sẽ chuyển trọng tâm của khối sang phía Đông, có khả năng làm suy giảm sức ảnh hưởng mang tính quyết định truyền thống của Pháp và Đức đối với các quyết định quan trọng.
Ngoài Ukraine, các quốc gia ứng cử viên nhỏ hơn đang gây sức ép lên liên minh. Tổng thống Vjosa Osmani của Kosovo, quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập EU vào năm ngoái, thận trọng bày tỏ quan điểm các quốc gia đang dần mất kiên nhẫn: “Chúng tôi tin rằng việc tất cả các nước Tây Balkan tham gia là vì lợi ích của tất cả mọi người. Song các quốc gia sẽ không sẵn sàng ngồi chờ mãi để EU đưa ra quyết định”.