Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Vẫn còn những khác biệt sau 30 năm Bức tường Berlin sụp đổ

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, nhiều người ở Đông Đức cũ vẫn cho rằng họ là “những công dân hạng hai” và thực tế không phải mọi thứ ở Tây Đức đều đẹp đẽ.

Một báo cáo của Chính phủ Đức trong năm nay đã ca ngợi việc thống nhất nước Đức như một câu chuyện thành công ấn tượng, với GDP bình quân đầu người ở Đông Đức cũ từ chỗ bằng 43% của Tây Đức cũ vào năm 1990 đã tăng lên 75% vào năm 2018 và tỷ lệ thất nghiệp giảm từ mức 18,7% vào năm 2005 xuống 6,4% vào tháng 10 năm nay, không vượt quá xa so với mức 5% của quốc gia.

Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh nhiều người ở Đông Đức cũ vẫn cho rằng họ là “những công dân hạng hai”. Thủ tướng Angela Merkel, người sinh trưởng ở Đông Đức, trong một phát biểu vào tháng trước nói rằng quá trình tái thống nhất nước Đức chính thức đã hoàn thành, nhưng sự thống nhất những người Đức chưa hoàn tất hoàn toàn vào ngày 3/10/1990 và điều đó vẫn còn đúng cho đến ngày nay.

Khoảng ba tháng sau ngày 9/11/1989, ngày mở cửa Bức tường Berlin, Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl đã nói ông muốn quá trình tái thống nhất diễn ra nhanh chóng, có thể ngay vào đầu năm 1995. Tuy nhiên, sự kiện này diễn ra chỉ vài tháng sau đó, gây sốc cho không chỉ 16 triệu dân Đông Đức mà còn cả thế giới.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, người dân Đông Đức, với giấc mơ về tự do và thịnh vượng, đã bỏ phiếu ủng hộ việc thống nhất đất nước một cách nhanh nhất. Quá trình chuyển đổi nhanh chóng trong khoảng hai năm đã đưa Đức từ một nền kinh tế công nghiệp trở thành một nền kinh tế dịch vụ. Nhưng nhiều người đã hoàn toàn không có sự chuẩn bị để chấp nhận một thực tế rằng không phải mọi thứ ở Tây Đức đều đẹp đẽ và cũng có những vấn đề ở Đông Đức.

Việc ông Helmut Kohl thành lập một liên minh tiền tệ với Đông Đức, áp dụng tỷ giá 1/1, định giá đồng mark của Đông Đức quá cao so với đồng tiền của Tây Đức cũng đã gây ra những tác động ngoài ý muốn. Người dân chào đón việc tiền tiết kiệm của họ tăng giá trị, những các công ty ở Đông Đức không còn khả năng trả lương và thị trường cho các sản phẩm nhìn chung là thấp kém của họ sụp đổ sau một đêm. Điều này cũng dẫn đến cuộc di tản của những lao động trẻ sang Tây Đức. Theo nghiên cứu trên tờ Die Welt, cho đến nay, chỉ 16 trong số 500 công ty mạnh nhất ở nước này về doanh thu có trụ sở ở Đông Đức và không một công ty nào nằm trong chỉ số chứng khoán DAX của Đức.

Nhiều người Đông Đức vẫn cảm thấy vẫn bị thua kém, với 48% trong số 1.029 công dân trong tuổi bỏ phiếu hồi tháng Chín cho biết họ không được nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao, mặc dù có một Thủ tướng trong 14 năm. Khoảng 60% nói rằng họ cảm thấy không đúng về các vị trí hàng đầu trong các doanh nghiệp.

Nhiều người tham gia khảo sát của tờ Die Zeit ghi nhận một số điều tích cực như 88% nhận thấy sự cải thiện về dịch vụ và hàng hóa, và 54% cho rằng chất lượng cuộc sống nói chung là tốt hơn. Tuy nhiên, 73% nói rằng việc đảm bảo việc làm không được như trước và 70% cho rằng sự bảo vệ trước tội phạm là kém hơn.

Dù có những khác biệt vẫn tồn tại giữa Đông Đức và Tây Đức cũ, nhà kinh tế Stefan Legge cho rằng một phần của vấn đề là nằm ở việc người Đông Đức cũ đang so sánh họ với Tây Đức cũ, một cường quốc kinh tế của châu Âu, chứ không phải với toàn bộ châu Âu.

Các số liệu vào năm ngoái cho thấy tất cả các bang thuộc Đông Đức cũ có thu nhập bình quân đầu người ít nhất là bằng 75% mức trung bình của châu Âu, trong khi không một nước nào ở Đông Âu như Ba Lan, Hungary, CH Séc đạt được mức đó trên toàn quốc.

PV (theo AP)

Nguồn: baoquocte.vn