Tháng Tư, người yêu hoa Berlin bồi hồi chờ đón những ngày thật đẹp đẽ và cũng thật ngắn ngủi của một sự kiện mỗi năm chỉ có một lần: Lễ hội hoa anh đào.
Không phải Hoa anh đào (Sakura – katakana: サクラ,hiragana: さくら, kanji: 桜 (cựu tự thể: 櫻)) của loại anh đào cho quả. Có đến hơn 200 loại anh đào khác nhau, nói chung để nhận biết hết cái thứ rắc rối chi, họ… với đủ thứ tên Latinh, tên Nhật… này nọ, chắc phải cầu đến các nhà “anh đào học”. Nhưng thôi ta cứ tạm chia nó ra làm hai loại, loại cho ta quả ăn được và loại không ăn được.
Loại ăn được hoa cũng đẹp lắm, đủ cả ba màu hồng trắng đỏ, nhưng vì ăn được thì mặc nhiên người ta phải trồng. Mà kể cả không trồng, nó cũng vẫn mọc vì hạt sẽ phát tán đi khắp nơi theo quy luật sinh sản tự nhiên.
Đáng nói là thứ anh đào không ăn được, mỗi năm chỉ nở vẻn vẹn có hai tuần mà náo nhiệt từ Đông sang Tây, hết lễ hội nọ đến lễ hội kia, kèm theo cả ngành du lịch ăn theo và vô số kể những hoạt động văn hóa mang tầm quốc tế nữa thì đáng nể thật. Thế mới người Nhật rất giỏi. Chỉ từ một giống cây mà họ gieo vãi văn hóa khắp nơi trên thế giới. Có thể liệt kê không hết những quốc gia du nhập hoa anh đào, trong đó đó phải kể đến Mỹ, Canada, Hàn, Tàu… và ngay cả Việt nam. Thời tiết nóng nhưng cũng a dua anh đào rất ầm ĩ sự kiện. Văn hóa là thứ không thể cưỡng bức. Đàn bầu, nón lá áo dài, phở cùng múa sạp còn lâu mới chạm vào được ngưỡng này. Ngoài những lý do chính trị bang giao này nọ, thì hoa anh đào sở dĩ lan truyền nhanh đến như vậy bởi trước hết nó đẹp.
Mùa xuân xứ lạnh, nền đất được ủ ấm và bồi bổ bằng lá rụng rền rĩ u ám suốt mùa đông bây giờ đã thực sự hồi sinh. Ấy là khi tháng Ba vồi vội kéo nhau đi nhường chỗ cho tháng Tư ùa đến. Mùa xuân, mẩu que khô vùi xuống năm trước năm nay còn nảy mầm nữa là cây cỏ. Đây là mùa đẹp nhất, rực rỡ nhất của châu Âu. Chỗ nào cũng gặp hoa nở, chồi vươn. Hết thủy tiên lại đến tuylip, mộc lan và trăm ngàn thứ hoa dại chẳng biết tên. Nhưng đáng kể nhất phải nói đến hoa anh đào. Hoa anh đào vẫn tốn nhiều cảm xúc nhất, nhiều giấy mực nhất không chỉ bởi nó đẹp, mà còn bởi những câu chuyện đi kèm đằng sau nó.
Gọi là anh đào Nhật bản vì chúng là sản vật của Nhật bản. Nghe đâu từ thế kỷ thứ 7 đã xuất hiện loài hoa này rồi. Người Nhật kỳ lạ, ưa triết lý và mê chuộng hình tượng đã gán cho chúng đủ thứ đức tính cao quý và mong manh (như cuộc sống), khiến loài hoa này trở thành một biểu tượng đầy tính truyền thống cũng như văn hóa và sau đó cùng với hoa cúc, hoa anh đào trở thành quốc hoa của đất nước Kimono và Samurai.
Bây giờ thì anh đào không chỉ có ở Nhật bản. Người Nhật đã hào phóng mang nó tặng cho rất nhiều dân tộc trên thế giới. Rõ ràng, hoa anh đào không chỉ là hoa. Nó là sứ giả hòa bình, phẩm vật của tình hữu nghị và dấu ấn giao thoa giữa các nền văn minh.
Năm 1912, Mỹ đã được đất nước mặt trời mọc tặng 3000 cây anh đào. Đức thì không may mắn như vậy. Phải sau khi bức tường Berlin sụp đổ, loài cây yêu chuộng hòa bình này mới chính thức có mặt ở nơi đây.
Hẳn chúng ta còn nhớ khoảnh khắc của đêm 9.11.1989, khi hàng ngàn người dân Berlin tràn qua bức tường sau mấy chục năm chia cắt, bắt đầu viết một biên niên sử khác không chỉ cho dân tộc mình. Trong niềm vui lớn lao vỡ òa ấy, TV Asahi, một kênh truyền hình Nhật bản đã tổ chức một chương trình quyên góp và ngay lập tức đã thu được 140 triệu Yên (khoảng 1 triệu Euro) từ 22 ngàn người ủng hộ. Quỹ HANAMI được thành lập từ đó và toàn bộ số tiền ấy được dùng vào việc một việc rất ý nghĩa: Anh đào hóa Berlin. Và thế là 10.000 cây anh đào được chuyển đến và trồng quanh (nơi đã từng là) bức tường thành Berlin. Cũng muốn nói thêm là quỹ HANAMI từ đó đến nay vẫn tồn tại và toàn bộ những hoạt động phi lợi nhuận của quỹ được dùng vào việc chăm sóc, phát triển cây hoa anh đào của thành phố.
Đây cũng là câu trả lời cho rất nhiều bạn, hỏi mình tại sao trước đây Berlin không thấy có loài hoa này? Vâng, đến cây cỏ cũng có số phận và mang trong mình cả một phần lịch sử. Có lẽ anh đào Nhật bản cũng sẽ vẫn đến Berlin, nhưng không phải vào năm 1989 và càng không phải mọc quanh bức tường nếu như những trang sử lịch sử được lật sang chương khác. Bắt đầu từ năm 2002, những cây anh đào đầu tiên đã nở hoa. Đó cũng là năm đầu tiên người Berlin biết đến cụm từ “Lễ hội hoa anh đào” ngay trên quê hương mình.
Đây là những địa điểm tập trung nhiều anh đào nhất trong phạm vi bức tường thành:
Japanische Kirschbäume in Berlin-Teltow
Kirschbäume im Ernst Thälmann Park,
Berlin Kirschbäume in Berlin Pankow, Wollanksstrasse
Trong đáng kể nhất phải kể đến Con đường anh đào dài nhất Berlin mang tên Kirschebaum Allee (Đại lộ những cây hoa anh đào), với 1.000 gốc đào đã bước sang tuổi 36.
Bây giờ thì không chỉ có Teltow, nơi có con đường hoa anh đào huyền thoại, mà cả Berlin đã ngập tràn hoa anh đào. Công viên Erholungspark Marzahn, (Gärten der Welt in Berlin) Botanischer Garten..., các đại lộ, vườn hoa, và ngay cả tại các mảnh vườn tư gia, hoa anh đào cũng là lựa chọn của nhiều gia đình bởi mầu sắc lộng lẫy lúc vào xuân và vòm lá xanh um mùa hè, cho bóng mát mà không quá cao làm mất đi cảnh quan chung.
Hàng năm, cứ vào tháng Tư, hầu như quận nào của Berlin có lễ hội hoa anh đào. Những chuyên gia anh đào phải nghiên cứu rất kỹ thời tiết để cho ra những lịch lễ hội chuẩn xác nhất, nhằm cống hiến cho dân chúng những khoảnh khắc tuyệt diệu để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp đúng lúc hoa nở. Cùng một thành phố, nhưng anh đào mỗi nơi nở mỗi khác nhau.
Năm nay lễ hội hoa anh đào Berlin diễn ra vào ngày 29.04.2018. Đi dưới con đường cả ngàn cây anh đào thẳng tắp, hồng rực như một dải băng dưới nền trời xanh thăm thẳm, cảm giác thật khó tả. Có thể nói không ngoa, để có được những phút giây bồng bềnh tiên cảnh, cũng bõ công chờ đợi cả một năm dòng dã.
Một ngày tựa mạn thuyền rồng Còn hơn trọn kiếp nằm trong thuyền chài…
Cũng tháng Tư này đây, dân tộc mình biết đến một sự “thống nhất”. Không có bất cứ bức tường nào được dựng lên, cũng không có bất cứ loài cây nào được trồng như một biểu tượng của sự tái hợp. Sau gần nửa thế kỷ, những hàng cây Hà nội và bây giờ là Sài gòn, đua nhau ngã xuống. Có thật phải cần lâu đến thế, lòng người mới tự mọc lên những bức tường vô hình? Hay nó đã mọc lên từ bao giờ, chẳng biết!
Sau gần 30 năm, nước Đức đã hàn gắn được nhiều điều mặc dù ranh giới của sự chia cắt vẫn còn đó: Người ta cố tình để lại những đoạn tường Berlin để nhắc nhở, và hơn thể, hàng chục ngàn cây anh đào đã bén rễ, nở hoa ngay dưới chân “bức tường ô nhục” của một dân tộc.
Tháng Tư. Lễ hội hoa anh đào trên thành phố Berlin.
Lại nhớ đến tháng Tư, tháng của quê hương mình…
Kiều Thị An Giang (Berlin)*
*Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn thay đổi.