TBVĐ- Trong vụ chú hải cẩu lên bờ nô đùa với người dân bị đánh chết, rất nhiều người đã lên án hành động giết hại động vật hoang dã.
Vào đầu tháng 12 năm 2016, tại khu vực bãi biển Đồi Dương, Bình Thuận có một „vị khách“ (hải cẩu đốm) rất đặc biệt đến từ vùng biển bắc Thái Bình Dương. Chú hải cẩu đốm này có thể theo các dòng hải lưu đi từ vùng biển phía Bắc xuống Việt Nam và vô tình trôi dạt về Bình Thuận. Vị khách này được đạt tên là „Sam Sam“, vô cùng thân thiện, thường nằm phơi mình trên cát và rất thích đùa giỡn với người dân, đặc biệt khi được vỗ tay khuyến khích thì hải cẩu tỏ vẻ thích thú và bò đến gần người xem hơn. Trớ trêu thay, chiều ngày 1.1.2017,người dân phát hiện „Sam Sam“ đã bị đánh chết một cách dã man.
Những „vết đen“ kéo dài sang Đức
Có nghi vấn rằng „Sam Sam“ bị đánh chết có thể do “phá phách” lưới của ngư dân, hay làm cho cá sợ nên người ta phải tiêu diệt. Lý do thật sự phía sau việc xuống tay giết chết một con vật đáng yêu này vẫn còn là dấu chấm hỏi, tuy nhiên dấu chấm hỏi lớn hơn đang đặt vào ý thức của người dân trong việc bảo vệ động vật, nhất là động vật hoang dã hay thậm chí là vật nuôi trong nhà ở Việt Nam hiện nay.
Ngay cả người Việt khi sang Đức, một đất nước có ý thức cao và luật pháp chặt chẽ với quyền của động vật, vẫn mắc phải những „vết đen“ tương tự khi đối xử tàn bạo với động vật. Năm 2014, ông Trần Q. cư trú tại Andernach thuộc tiểu bang Rheinland-Pfalz phải hầu tòa và đối mặt với mức án 3 năm tù giam, do ăn trộm mèo hàng xóm, sau đó nướng trên đèn khí đốt. Một người hàng xóm bắt gặp cảnh này và lập tức báo cảnh sát. Người đàn ông Việt 5 con, khai không biết giết và ăn thịt mèo là hành vi bị cấm tại Đức. Trước tòa, ông Trần Q. tỏ ra ăn năn và hứa từ nay sẽ thích nghi với phong tục tập quán của người Đức.
Luật pháp Việt Nam phải mạnh tay
Một đứa trẻ ở Đức nếu nghe câu chuyện „Sam Sam“ bị đánh chết cũng sẽ tức giận. Bài học về sự lương thiện đầu tiên mà nhiều trẻ em ở Đức phải học là yêu thương các loài động vật nhỏ. Ở trường mẫu giáo nuôi những động vật nhỏ, bọn trẻ sẽ luân phiên nhau phụ trách nuôi dưỡng, chú ý quan sát sự trưởng thành của động vật… trẻ em ngược đãi với động vật nhỏ sẽ bị phê bình hoặc phạt nếu nghiêm trọng sẽ gửi đi trị liệu về tâm lý. Bên cạnh cơ quan bảo vệ động vật của nhà nước, xã hội Đức có rất nhiều nhóm, câu lạc bộ… hoạt động trong lĩnh vực này. Người Đức đặc biệt rất yêu động vật, nhất là vật nuôi trong nhà. Có người chủ nhà bị mèo cào xước hết hai cổ tay, vậy mà người này vẫn rất yêu quý và xem chú mèo là vật cưng của mình. Hay như vụ một người đàn ông phải ra hầu tòa vì bị kiện đá „dã man“ con mèo của người hàng xóm. Thậm chí có gia đình đặt chú chó của mình lên xe nôi trẻ con rồi đẩy khắp phố.
Tại Đức, ăn thịt chó, mèo là vi phạm Luật vệ sinh thực phẩm, sẽ bị phạt hình sự theo điều 17 Luật bảo vệ động vật. Cả hành vi giết và nấu món ăn từ chúng cũng bị phạt, áp dụng cho tất cả chủng loại và họ hàng gần như cáo, linh miêu. Theo điều 22, quy định này cũng áp dụng cho khỉ và nhập khẩu thịt khỉ. Nếu vi phạm, có thể bị phạt tiền và tù đến 3 năm. Các loại động vật khác nằm ở khu vực „xám“, có nghĩa, tất cả những loại không được nêu tên cụ thể trong luật bảo vệ động vật sẽ áp dụng quy định luật khác, chẳng hạn Luật Thực phẩm hay Luật Nhu cầu vật dụng (Lebensmittel- oder das Bedarfsgegenständegesetz).
Giết mổ động vật phải được thực hiện bởi người có chuyên môn như nhân viên lò mổ, thợ săn hay bác sĩ thú y. Nếu khi giết không thực hiện đúng quy định như giết không thuốc tê hay cắt tiết, cũng bị phạt hình sự. Nếu vô tình ăn thịt chó hay mèo, chẳng hạn được phục vụ thịt chó, mèo trong nhà hàng mà không biết, sẽ không bị phạt hình sự. Khi đó, chủ nhà hàng phải chịu trách nhiệm, do cố tình bán loại thịt này. Sẽ không bị phạt, khi không tham gia giết và nấu ăn. Nếu phát hiện bị lừa, ăn phải thịt cấm, có thể yêu cầu bồi thường.
Người Đức „dạy dỗ“ người Việt cách sống với động vật Năm 2011, chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã người Đức ông Georg Kloeble tình nguyện sang Việt Nam giúp chính phủ bảo vệ động vật hoang dã. Ông làm ở chi cục kiểm lâm Thanh Hóa. Ông tự in 4000 cuốn tài liệu tuyên truyền „Rừng và động vật hoang dã tương lai của chúng em“ tặng cho người dân Việt Nam, nhất là trẻ em. Qua đó, ông muốn các bạn trẻ có tình yêu với rừng và muôn thú. Từ đó sẽ có các hành động thiết thực không săn bắt, ăn thịt thú rừng, đồng thời cũng ngăn cản những ai làm việc đó. |
Thanh Mai