Mới đây, truyền hình Đức đưa phóng sự về tình trạng các cô gái muốn có giấy tờ cư trú hợp pháp tại Đức “vơ” luôn anh/chú/ông/bác/cụ nào đấy (đã có giấy tờ ở Đức) và có con với người ta, chả cần cưới hỏi hay quan tâm xem người ấy có gia đình chưa. Trong đó có nhắc đến người Việt.
Nhiều trường hợp có con với người này nhưng “bán” cho người kia (nhận làm bố) để hợp thức hóa giấy tờ. “Mẹ ăn theo con” và được ở lại Đức, ăn trợ cấp theo con.
Ở Berlin, người Việt truyền tai nhau về những “xóm không chồng”. Tôi chưa kiểm chứng được, nhưng cũng thăm dò. Anh nào cao tay, làm được phóng sự về “xóm không chồng” thì quả thực vừa bi, vừa hài. Nói xóm không chồng không phải nói về không gian, mà nói về những nhóm phụ nữ người Việt chỉ có con, còn bố thì vô định.
Đau lòng là mới đây, một người đồng nghiệp vừa bức xúc vừa cay đắng kể, có ông chồng người Việt ngủ với hai cô gái đáng tuổi con, tuổi cháu và cả hai có thai cách nhau 5 tháng. Hai cô gái này là bạn của nhau, cùng qua Đức học nghề. Bà vợ của ông có đứa con vừa qua đời, niềm đau chưa ráo, nay nhận tin sét đánh về chồng ngoại tình.
Chuyện “mua bầu bán bí” hay còn được gọi là “mua áo bán quần” như vậy không phải hiếm. Giá cả có đủ, không những trai Việt mà còn có cả trai Tây. Thuận mua vừa bán, mặc cho đứa trẻ sinh ra tương lai thế nào; mặc cho biết bao gia đình cứ thế nát tan, vỡ ra từng mảnh rồi cứa vào da vào thịt, vào tâm can của những người làm vợ và cả những người phụ nữ ở “xóm không chồng”.
Người thì lên án “nhẫn tâm”, kẻ thì tặc lưỡi “hoàn cảnh ép buộc”. Ông bà dạy “bầu ơi thương lấy bí cùng”, có ai ngờ những kẻ cùng quê, tha hương đặt chân sang Đức “thương nhau” theo cái kiểu vừa đau xót, vừa ô nhục như vầy. Ông bà dạy “một mẹ nuôi chín con”, có ai ngờ sang Đức, đứa con chưa có hình hài đã phải “nuôi lại mẹ”.
Để “mua bầu bán bí”, đa phần các cô gái đều có sự hướng dẫn, môi giới qua trung gian, cũng là người Việt và “sành sỏi” luật Đức. Kết hôn giả là chuyện quá tầm thường so với trình độ luồn lách (luật) phải nói là đẳng cấp của không ít người Việt nhà mình; nay mua bán con cái là chuyện mà đến dạo gần đây nước Đức mới hoảng hồn. Không ngờ lại có ý tưởng cao tay hơn cả những nhà làm luật của Đức, mà đó lại là từ người Việt. Vậy nên, các nhà làm luật phải họp khẩn, tìm cách thắt chặt lại cái “lỗ hổng” này. Lẽ ra, “mẹ theo con” là một điều luật mang tính nhân văn cao với người phụ nữ, thì nay nó biến tướng thành kẻ hở cho những người muốn bám trụ lại nước Đức mà quên cả lòng tự trọng và trái tim.
Tôi quan sát và thấy rằng rất nhiều người Việt qua Đức đều rất khổ, và sự cần lao của họ – từ cô gái làm điều dưỡng đến cụ già bán quán ăn, đều rất đáng trân trọng. Nhưng việc “mua bầu bán bí”, vì lý do là gì đằng sau đi nữa, đều dẫn đến bi kịch nhiều hơn. Nước Đức rất cần điều dưỡng viên, nếu học xong chịu khó lao động thì việc ở lại Đức không phải khó. Nhưng tiếc thay có cô gái tặc lưỡi “cực quá, phải chăm cho ông/bà già nặng hàng trăm ký, khi tỉnh khi mê, lo cho từng cái tả đến từng viên thuốc không phải ai cũng chịu được”. Thế là đành lòng “bầu bí”, thà “đau đẻ một lần” còn hơn mệt nhọc cả đời.
Không biết, con cái sau này lớn lên, ngoài việc không được có cha mẹ tử tế như bạn bè, khi chúng hỏi “Tại sao mẹ sinh con ra”, các bà mẹ ở “xóm không chồng” có dám trả lời như bao người mẹ khác, rằng “Vì mẹ yêu con” ?!
Nguồn: Facebook Đỗ Thiện
* Bài viết đã đăng trên trang Facebook cá nhân và được đăng lại trên Thời báo Việt Đức với sự đồng ý của tác giả,