TBVĐ- Khi di dân từ các vùng chiến sự Cận Đông ồ ạt tràn sang Đức, người Việt bắt đầu ý thức hơn về quyền lợi của mình khi chính thức trở thành công dân Đức
Trốn thuế ở Đức là một tội hình sự và sẽ bị xử phạt tiền hoặc phạt tù tới mức 5 năm (trường hợp nặng có thể phạt tù tới 10 năm, theo điều §370 Luật thuế). Nhiều người Việt kinh doanh tự do tại Đức mặc dù biết điều này và cũng nhiều lần bị kiểm tra thuế, nhưng vẫn tìm mọi cách lách luật, khai man, hòng giảm mọi mức thuế phải đóng và thậm chí, khi khai thu nhập thấp còn có thể xin thêm các khoản trợ cấp xã hội.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người Việt đã chia sẻ với Thời Báo Việt Đức rằng, càng ngày họ càng nhận ra, trốn thuế mang đến nhiều bất lợi hơn họ tưởng. Độc giả Thu Phương tâm sự: “Khi con mình còn bé thì chỉ mong chúng nó lớn lên, ổn định cuộc sống rồi mình sẽ về Việt Nam an hưởng tuổi già. Thế nhưng đúng là “nước mắt chảy xuôi”, con cái trưởng thành rồi thì cha mẹ già ở Việt Nam cũng qua đời, mình cũng không còn ngong ngóng việc về Việt Nam nữa mà muốn ở bên con, giúp con chăm sóc các cháu. Tính đường lâu dài như vậy thì muốn mua sắm nhà cửa đàng hoàng, cho con cái xe, ít vốn, nào ngờ vì chưa từng khai thu nhập cao nên giờ để hợp pháp hóa tài sản đều gặp khó khăn …”. Còn độc giả Vũ Lâm thì kể: “Tôi chỉ có cửa hàng bán hoa thôi nhưng cũng kiếm được kha khá. Thế mà năm ngoái bị bọn trộm đập cửa vào vơ vét, nào có dám nói bị mất bao nhiêu, chỉ dám khai 1/10 số tiền bị chúng cuỗm đi.”
Rất nhiều trường hợp lao động người Việt làm chui, một phần vì chủ lao động trốn thuế không muốn khai, một phần vì chính bản thân họ còn muốn xin thêm trợ cấp xã hội, cuối cùng đằng đẵng có khi cả chục năm không mua được cái xe, hoặc phải nhờ người A, người B đứng tên hộ, hoặc dù rất muốn mời người thân sang Đức chơi cũng khó. Cách đây 2 năm, khi di dân từ các vùng chiến sự Cận Đông ồ ạt tràn sang Đức, người Việt bắt đầu ý thức hơn về quyền lợi của mình khi chính thức trở thành công dân Đức. Thế nhưng, để đệ đơn xin quốc tịch Đức thì một trong những yêu cầu đầu tiên là không xin trợ cấp xã hội, đồng nghĩa với việc thu nhập đủ nuôi bản thân và gia đình, đóng thuế theo luật pháp. Như vậy đủ để thấy, việc trốn thuế, đặc biệt ở mức cao, mang đến không chỉ cho doanh nghiệp Đức, mà kể cả chủ lao động và người Việt nhiều thiệt thòi như thế nào, như nhiều người ví rằng “bị trói buộc chân tay”. Thiết nghĩ, để có thể sống một cuộc sống thanh thản, an nhàn hơn, để con cháu thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra tại Đức được ngẩng cao đầu, người Việt chúng ta nên dần học hiểu, sống và làm việc theo luật pháp Đức. Chỉ có như vậy, sự tự do và cánh cửa thế giới mới thật sự rộng mở trước chúng ta.
Bình Minh