Sự sỉ nhục
Pháp là nước đầu tiên phê chuẩn luật trên. Văn kiện chính thức có hiệu lực từ ngày 24-10 và sẽ đảm bảo cho các hãng tin được trả nhuận bút khi sản phẩm của họ được đăng tải trên mạng. Tuy nhiên, tháng trước, Google từ chối thanh toán nhuận bút và sử dụng hình ảnh cho các công ty trên. Đồng thời cho biết các bài viết, hình ảnh, và video sẽ chỉ hiển thị dưới dạng đường dẫn (link) chứ không phải một phần nội dung, trong kết quả tìm kiếm trên Google nếu các công ty truyền thông không đồng ý cho Google sử dụng miễn phí.
Phản ứng trước động thái này, khoảng 800 nhà báo đã ký vào bức thư ngỏ đăng trên các tờ báo khắp châu Âu, kêu gọi các chính phủ đảm bảo rằng Google và các công ty công nghệ khác phải tuân thủ đạo luật bản quyền mới của EU.
Thư nêu rõ: “Đạo luật có nguy cơ mất hoàn toàn ý nghĩa ngay trước khi có hiệu lực. Tình hình hiện nay, khi Google đang được hưởng hầu hết thu nhập từ quảng cáo nhờ việc đăng phát các tin tức mà họ không phải trả tiền, là không thể chấp nhận được, và đã đẩy truyền thông vào cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng”. Các nhà báo gọi động thái của Google là “sự sỉ nhục mới đối với chủ quyền của quốc gia và của toàn châu Âu”.
Trước đó, Google lập luận họ đã đem lại lợi ích cho các hãng tin bằng việc đưa hơn 8 tỷ người dùng truy cập các trang mạng của báo mỗi tháng, riêng tại châu Âu.
Phó Chủ tịch Google phụ trách mảng tin tức Richard Gingras cho biết: “Chúng tôi không chi trả cho các đường dẫn được hiển thị trong các kết quả tìm kiếm, vì điều đó sẽ hủy hoại lòng tin của người sử dụng”.
Tuy nhiên, các hãng tin, trong đó có AFP của Pháp, nói rằng các link tới trang mạng của mình không thể giúp họ bù đắp sự sụt giảm thu nhập khi người đọc chuyển từ phương thức báo in truyền thống sang lướt báo mạng.
Phải tuân thủ luật
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Google sẽ phải tuân thủ Luật Bản quyền châu Âu. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên, nhưng chỉ sau khi các nước đưa Luật Bản quyền EU vào luật của nước mình trước tháng 6-2021.
Luật mới đảm bảo rằng các công ty truyền thông được thanh toán nhuận bút cho các nội dung gốc được hiển thị trên Google, Facebook và các đại gia công nghệ khác đang chế ngự thị trường quảng cáo trên mạng. Quy định mới tạo ra “các quyền kề cận” để bảo vệ bản quyền – và trả tiền nhuận bút – cho các công ty truyền thông khi nội dung của họ được sử dụng trên các trang mạng khác như các công cụ tìm kiếm. Luật bản quyền được coi là nỗ lực mới nhất của các nước châu Âu trong việc xây dựng hệ thống pháp lý, buộc các tập đoàn công nghệ khổng lồ Mỹ phải tuân thủ luật chơi công bằng trên lãnh địa của họ.
Kể từ khi được đưa ra xem xét cách đây 3 năm, Dự luật Bản quyền của EU đã trở thành đối tượng chỉ trích của các tập đoàn công nghệ lớn hay những nhà hoạt động về quyền kỹ thuật số. Ngoài ra, với những người khác, luật bản quyền lại gây hạn chế quyền tự do ngôn luận, cản trở sáng tạo khi buộc các trang phải cài đặt bộ lọc để kiểm soát nội dung trước khi đăng tải. Có ý kiến còn phê phán khá nặng nề khi cho đây là đạo luật mở ra thời kỳ đen tối đối với tự do trên internet. Hiện ngành công nghiệp sáng tạo trực tuyến đóng góp 915 tỷ EUR, tương đương 6,8% giá trị nền kinh tế của EU và tạo công ăn việc làm cho khoảng 12 triệu người.
Theo Đỗ Cao / sggp.org.vn