Hóa ra điều quan trọng hơn mà trẻ em cần học đó là khả năng tập trung, khả năng hòa nhập với những người xung quanh và khả năng tự kiểm soát bản thân. Và chính những kỹ năng mềm này sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho khả năng học và tiếp thu kiến thức trên giảng đường sau này của các con.
Rất nhiều người bị thuyết phục rằng tuổi thiếu nhi chính là điểm xuất phát của cuộc chạy đua đường dài về trí tuệ và đích đến cuối cùng là cổng trường đại học. Và để đạt được mục tiêu này, cha mẹ hẳn phải dạy trước cho con những kỹ năng như học nói, học đọc, học toán càng sớm càng tốt. Vì thế, họ đổ xô đi mua thẻ học, trò chơi kích thích não, thậm chí những dụng cụ đặc biệt siêu việt để giúp con sớm biết đi.
Người Pháp đương nhiên, họ cũng muốn con cái mình thành công. Nhưng họ lại không dùng chiến lược chạy đua marathon như vậy. Họ quan niệm rằng chẳng có lý do gì để thúc ép trẻ em chạy đua vượt qua những bước phát triển thông thường hay dạy con học đọc và học toán trước khi con có khả năng hấp thụ những thông tin đó. Các trường mẫu giáo ở Pháp cũng có dạy một vài chữ nhưng các con không thực sự bị ép phải biết đọc cho đến khi 6 tuổi. Ngay như Phần Lan, trẻ em chỉ được học đọc khi lên 7 tuổi nhưng các thiếu niên Phần Lan đạt chỉ số đọc hiểu và toán học cao nhất trong các khối nước phương Tây.
Những nghiên cứu gần đây đã khẳng định thêm tính đúng đắn cho việc tiếp cận muộn này. Hóa ra điều quan trọng hơn mà trẻ em cần học đó là khả năng tập trung, khả năng hòa nhập với những người xung quanh và khả năng tự kiểm soát bản thân. Và chính những kỹ năng mềm này sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho khả năng học và tiếp thu kiến thức trên giảng đường sau này của các con.
Đừng dạy những em bé mới biết đi học đọc chữ
Vâng, dạy một em bé 3 tuổi có thể nhận biết mặt chữ là một điều hoàn toàn có thể. Nhưng sao phải vội vàng thế? Tại sao cha mẹ lại bỏ phí khoảng thời gian quý báu này chỉ để dạy con nhận mặt chữ mà thay vào đó, cha mẹ có thể đọc những cuốn sách hay kể những câu chuyện cùng con, dạy con những kỹ năng mà con cần học nhất ở lứa tuổi này như cách dọn dẹp và biết sắp xếp có tổ chức, cách nói trôi chảy và mạch lạc, cách cảm thông. Các nhà trẻ mẫu giáo ở Pháp rất khuyến khích trẻ thực hiện các cuộc trò chuyện thảo luận nhóm, hoàn thành các bài tập thủ công cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề.
Ở trường mẫu giáo tại Paris, bài học trong ngày khai giảng đầu tiên cho các bé lên 5 tuổi là trình bày quan điểm và phát biểu trước lớp về “công bằng” và “can đảm”. Và đương nhiên khi 6 tuổi các con sẽ được học đọc chữ. Cũng là điều hiển nhiên khi 6 tuổi, các con sẽ học với tốc độ nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ con học ở lứa tuổi lên 3.
Hãy để cho con tự bộc lộ bản thân
Người Pháp vẫn hay truyền nhau câu nói: Không ai có thể chạy trước nhạc hiệu, tức là không ai có thể đốt cháy giai đoạn, hối thúc mọi việc khi chưa đạt mốc chín muồi. Người Pháp tin tưởng rằng, một đứa trẻ sẽ tự biết lẫy, đứng dậy và sẽ biết đi khi bản thân con sẵn sàng. Bố mẹ sẽ khuyến khích và hỗ trợ con, nhưng đừng thúc đẩy các bước phát triển của con và biến tuổi thơ của con như một trại huấn luyện kỹ năng. Hãy để con tận hưởng trọn vẹn tuổi thơ của mình.
Dạy con bốn từ màu nhiệm
Ở các nước Anh, Mỹ hai từ màu nhiệm mà trẻ cần phải học từ bé đó là “làm ơn” và “cảm ơn”. Người Pháp cũng thế nhưng họ dạy con cần học thêm hai từ “xin chào” và “tạm biệt”. Họ thực sự rất nghiêm túc trong việc duy trì lễ phép ở con cái bằng việc nói “xin chào” khi bước vào nhà của bất cứ ai. Trẻ em không nấp sau cha mẹ mỗi khi người lớn chào hỏi. Con cũng sẽ đứng ra và nói “xin chào” và thường kèm theo hai cái thơm lên hai bên má.
Người Pháp coi việc chào hỏi không chỉ thể hiện phép lịch sự, nó còn là bài học tối quan trọng về sự đồng cảm và cảm thông. Bằng cách này, con sẽ thoát ra khỏi cái bóng nhút nhát và hiểu ra rằng những người khác cũng có nhu cầu và cảm xúc như mình. Đôi khi nhu cầu đó chỉ đơn giản là người khác cũng cần được chào hỏi và công nhận sự có mặt của họ.
Việc chào hỏi cũng là cơ sở giúp con quan sát các quy tắc ứng xử trong xã hội. Khi con nói “xin chào”, con sẽ không lập tức nhảy lên ghế, bởi con đã được công nhận là một cá nhân, tuy bé nhỏ nhưng cũng là một cá thể độc lập tham gia vào mối quan hệ xã hội này.
Hãy để con “thức tỉnh” và “khám phá”
Cha mẹ Pháp tin vào sự thiết yếu của việc dạy con về những thú vui cảm xúc. Ví như “khám phá” thức ăn và thưởng thức một món ăn mới hay “khám phá” cảm xúc mới như việc trượt xuống một bể bơi. “Thức tỉnh” không nhất thiết cần quá nhiều công sức từ cha mẹ. Đôi khi “thức tỉnh” chỉ đơn giản là bé lẫy ra khỏi thảm trong một buổi picnic và có cơ hội được “nghiên cứu” cỏ dưới tay mình. Điều này vừa tạo ra cho con các cung bậc cảm xúc vừa có thể giúp con cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ mỗi ngày.
Hãy dành thời gian để chơi
Một vài buổi học nhạc hay học múa cũng tốt nhưng người Pháp muốn con cái họ có thời gian để chơi tự do hơn là tham gia các hoạt động ngoại khóa có tổ chức. Khi trẻ em chơi, chúng hình thành và xây dựng nên đặc điểm cá nhân mình. Ở Pháp, thời gian biểu tại trường mẫu giáo có rất nhiều thời gian chơi tự do và không theo chương trình nhất định nào cả. Bởi họ quan niệm rằng, việc tự do khám phá dạy trẻ tính kiên trì, các kỹ năng xây dựng mối quan hệ, kỹ năng xử lý tình huống và sau đó là giúp con tăng cường khả năng tập trung và sự tự tin, cho các con có cơ hội tìm hiểu từ đó thuần thục các hoạt động. Quan trọng hơn cả đó là vui chơi không chỉ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển mà nó còn mang lại niềm vui cho con.
Hãy để con giao du với bạn cùng lứa tuổi
Các phụ huynh ở Pháp luôn dành thời gian để chơi cùng con cái. Nhưng họ cũng hiểu tầm quan trọng của việc con cần được giao lưu với các bạn cùng mê mẩn xe cứu hỏa, hay hoàng tử, công chúa không kém gì con. Họ muốn con học được cách kết bạn, biết xếp hàng chờ đợi đến lượt và biết cách cư xử rồi hòa nhập trong một nhóm các bạn đồng lứa. Những gia đình mà cả cha và mẹ đều đi làm, họ mong muốn gửi con ở nhà trẻ hơn là để con ở nhà cả ngày với cô trông trẻ. Và ngay cả khi các mẹ ở nhà cũng thường gửi con đến nơi trông trẻ bán thời gian hoặc cùng con đến chơi ở các sân chơi chung.
Hãy lùi lại và nói nhỏ khi ở sân chơi chung
Ở sân chơi chung tại Pháp bạn sẽ không thấy hình ảnh người mẹ kè kè đứng cạnh con bên cầu trượt hay chạy theo con từng bước để nhắc nhở hoặc tán dương con. Ngay cả các cô giáo ở nhà trẻ cũng thừa nhận là họ ít kiểm soát giờ chơi tập thể và để cho các con có sự tự do cần thiết. Bởi họ cho rằng, các em bé khi đã có thể bước đi vững vàng và biết trèo lên cầu trượt thì họ sẽ đứng giám sát từ xa. Đồng thời, họ cũng không bênh vực con mình khi xảy ra tranh chấp trên sân chơi, thay vào đó họ sẽ tạo điều kiện cho con tự xử lý những vấn đề nảy sinh bằng chính khả năng của mình.
Khi con chơi họ sẽ ngồi xuống một chiếc ghế băng, lặng im quan sát và nghỉ ngơi. Bằng cách này, họ cảm thấy rất vui vẻ, có đủ kiên nhẫn và có tâm trạng tốt để xử lý khi con thực sự cần đến sự trợ giúp từ cha mẹ.
Hoạt động ngoại khóa chỉ dành cho sở thích, không phải để tạo lợi thế ganh đua
Bạn đang nuôi một đứa trẻ chứ không phải lập xưởng chế tạo siêu nhân. Bạn không nhất thiết phải đưa con đi học hết lớp piano này đến lớp violon khác. Thay vào đó, hãy chọn cho con một hoạt động ngoại khóa nào đó mà con thực sự thích. Hãy để con tự theo đuổi hoạt động này với tốc độ và khả năng riêng của mình.
Kết quả không phải là tất cả
Đúng là chúng ta đang sống trong một thế giới đầy cạnh tranh và ganh đua. Và đương nhiên, bạn muốn con mình sẽ có lợi thế hơn hẳn đứa trẻ bên nhà hàng xóm. Nhưng tuổi thơ không chỉ đơn thuần là để chuẩn bị cho tương lai.
Chất lượng cuộc sống của cả gia đình từ những năm tháng con sinh ra và lớn lên cũng có ý nghĩa quan trọng không kém. Hãy học cách phát hiện và thưởng thức những khoảnh khắc tuyệt diệu của cuộc sống, những khoảnh khắc quý giá “moments privilégiés – khoảnh khắc đặc quyền” như người Pháp vẫn nói. Đó là những giây phút khi cả gia đình quây quần bên nhau, cùng nhau tận hưởng trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc và bình yên.
Theo Hồng Ân / dkn.tv