Khi Covid-19 bắt đầu trở thành đại dịch toàn cầu, giới kinh doanh bất động sản lo ngại điều xấu nhất có thể đang đợi họ. Thực tế lại hoàn toàn khác, thị trường địa ốc lên cơn “sốt” ở khắp nơi trên thế giới, giá bất động sản vẫn gia tăng không ngừng.
Theo cảnh báo mới nhất vừa được ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ UBS công bố, nguy cơ bong bóng bất động sản đang hình thành trên thị trường nhà ở của Thụy Sĩ ngày càng cao. Theo báo cáo, trong quý 2-2021, chỉ số bong bóng bất động sản Thụy Sĩ đã tăng từ 1,78 lên 1,90 điểm, nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ sự tăng giá nhanh chóng trên thị trường nhà ở Thụy Sĩ, cũng như sự tăng trưởng về số lượng thế chấp hộ gia đình.
Báo cáo cho biết trong khi giá trung bình của bất động sản nhà ở là 6,5 lần thu nhập hàng năm trước đại dịch Covid-19, thì hiện tại được ước tính vào khoảng 7,1 lần thu nhập hàng năm. Theo phân tích, giá nhà ở tăng 5,4%, mức tăng nhiều nhất trong 8 năm qua. Mức tăng này không phù hợp với mức tăng thu nhập tương ứng. Mặc dù vậy, đầu tư vào bất động sản nhà ở vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, tại Vương quốc Anh, cho dù trước đó Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đã tạm thời giảm thuế mua bất động sản và công bố một chương trình mới nhằm hỗ trợ những người mua nhà lần đầu, thị trường bất động sản bùng nổ đã dẫn đến sự xuất hiện của hiện tượng gazumping (nếu được hỏi mua với mức giá tốt hơn, chủ nhà sẵn sàng hủy cam kết với khách hàng hiện tại). Ở Anh, mua bán bất động sản không có ràng buộc pháp lý cho đến khi hai bên ký hợp đồng chính thức. Tại bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn hoàn thiện hợp đồng, người bán có thể chấp nhận một đề nghị khác. Theo Hamptons International, nhiều căn được mua trước khi chúng có mặt trên các trang web rao bán bất động sản.
Giá nhà ở Liên minh châu Âu (EU) đã tăng 6,1% trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2007. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Eurostat cho biết, chỉ số Giá nhà của các nước trong khu vực đồng EUR đã tăng 5,8% trong 3 tháng đầu tiên so với một năm trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ quý 4-2006. Nguyên nhân đẩy giá nhà lên cao xuất phát từ nhu cầu của những người lao động phải làm việc ở nhà và từ chính sách kích thích tiền tệ, tài khóa lớn chưa từng có nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch. Chính các chính sách này đã như “đổ thêm dầu vào lửa” dẫn tới nguy cơ cao tạo ra bong bóng giá bất động sản ở châu Âu. Trong số các quốc gia thành viên EU, mức tăng giá nhà hàng năm cao nhất trong quý đầu tiên của năm 2021 được ghi nhận ở Luxembourg, Đan Mạch, Lithuania, Cộng hòa Czech, Hà Lan…
Mối đe dọa được cảnh báo khi nhìn sang Canada, một trong những thị trường nhà ở nóng sốt nhất thế giới, đang hạ nhiệt sâu. Doanh số bán nhà trên toàn quốc giảm 7,4% trong tháng 5, sau khi giảm 11% trong tháng 4. Canada đã trải qua cơn sốt nhà ở do đại dịch Covid-19 làm tăng nhu cầu cần thêm không gian sinh sống; do lãi suất chạm đáy và thực trạng nhân khẩu học, với những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ đang bước vào những năm đầu của việc mua sắm những tài sản lớn như nhà ở.
Theo Bloomberg, mối đe dọa của vấn đề này đối với hệ thống tài chính càng lớn, bởi các vụ phá sản tài sản có thể gây ra thiệt hại sâu sắc và lâu dài với nền kinh tế quốc gia.
Theo Khánh Hưng / sggp.org.vn