Theo số liệu chính thức, lạm phát đang diễn biến theo nhiều hướng khác nhau ở châu Âu, tăng ở Đức và giảm trở lại ở Tây Ban Nha.
Văn phòng thống kê nhà nước Đức Destatis cho biết giá tiêu dùng của nước này đã tăng 6,8% trong tháng 6 so với một năm trước đó, cao hơn mức 6,3% của tháng 5. Các nhà phân tích nhận định con số này tăng lên một phần do vào mùa Hè năm ngoái vé phương tiện công cộng giá rẻ được sử dụng rộng rãi. Mặc dù hiện nay giá vé phương tiện công cộng vẫn áp dụng đồng giá, nhưng với mức 49 euro/tháng, cao hơn đáng kể so với mức 9 euro áp dụng trong những tháng Hè 2022.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết tình trạng lạm phát tăng ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu được ghi nhận một ngày trước khi công bố số liệu lạm phát cho toàn bộ khu vực 20 quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Lạm phát ở Eurozone đã giảm từ mức đỉnh 10,6% trong tháng 10/2022 xuống còn 6,1% trong tháng 5/2023. Nhưng con số đó vẫn còn xa so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra.
Giám đốc ECB Christine Lagarde đã cảnh báo về lần tăng lãi suất tiếp theo tại cuộc họp ngày 27/7 tới của ngân hàng này do lạm phát dai dẳng. Tăng lãi suất là công cụ chính của các ngân hàng trung ương để chống lại lạm phát.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng của Tây Ban Nha chỉ tăng 1,6% trong tháng 6 so với một năm trước đó, giảm từ mức 2,9% trong tháng 5. Chuyên gia kinh tế châu Âu Adrian Prettejohn tại công ty Capital econom (Anh), cho biết tỷ lệ thấp của Tây Ban Nha khó có thể do chịu ảnh hưởng từ việc ra quyết định của ECB “vì các yếu tố cụ thể của quốc gia đang khiến lạm phát của Tây Ban Nha thấp hơn nhiều so với các nước khác”.
Chính phủ Tây Ban Nha đã triển khai một loạt các biện pháp ngân sách để tăng cường sức mua của các hộ gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát. Cuối tháng 12/2022, chính phủ đã cắt giảm thuế VAT đối với nhiều loại thực phẩm cơ bản và chính sách này được gia hạn cho đến cuối năm nay.