Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Châu Âu đề xuất cấm đồ nhựa dùng một lần

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Mỗi năm có đến 8 triệu tấn rác thải nhựa ném xuống đại dương. Do đó, Liên minh châu Âu đã đưa ra dự thảo cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, thìa, dĩa nhựa.

Liên minh châu Âu muốn giảm rác thải nhựa trong đại dương thông qua dự thảo được công bố 04.2018 và đang đợi sự chấp thuận của đại đa số các nước thành viên và nghị viện châu Âu.

Liên minh đề xuất thay thế các sản phẩm nhựa bằng các chất liệu thân thiện với môi trường hơn. Theo đó, liên minh ủng hộ cấm một phần hay hoàn toàn 10 loại sản phẩm nhựa dùng một lần, do chiếm đến 70% lượng rác thải nhựa được ném xuống đại dương như túi, chai nhựa, bát, đĩa, thìa dĩa, ống hút, ly nhựa.

Theo ước tính, nếu dự thảo này được thông qua có thể khiến các doanh nghiệp phải tốn thêm 3 tỉ Euro mỗi năm và giúp người tiêu dùng tiết kiệm khoảng 6,5 tỉ Euro, tạo ra 30.000 công ăn việc làm mới và giảm 25,6 tỉ Euro thiệt hại về xử lý ô nhiễm môi trường.

Liên minh châu Âu dự định sẽ áp đặt phần lớn trách nhiệm cho việc xử lý rác thải nhựa lên các công ty châu Âu. Theo đó các nhà sản xuất phải cam kết đến năm 2025 sẽ thu hồi ít nhất 90% chai nhựa dùng một lần để tái chế lại. Giải pháp này dự kiến được thực thi nhờ một “hệ thống tiền ký quỹ” (Pfand), theo đó giá bán các sản phẩm nhựa sẽ tăng lên một khoản nhất định, tuy nhiên người mua sẽ được hoàn lại khoản này nếu họ nộp lại chai nhựa để tái chế.

Các nhà sản xuất cũng phải thay đổi nhãn hiệu, bao bì của mình với những thông tin nhắc nhở người dùng về tác hại với môi trường nếu xử lý sản phẩm dùng rồi không đúng cách. Hiện nay, tỷ lệ tái sử dụng nhựa đang thấp hơn nhiều so với các sản phẩm khác: Trong khi chỉ có 14% tổng lượng nhựa trên thế giới được thu gom để tái chế, tỷ lệ này ở sản phẩm làm từ giấy là 58%, sắt thép khoảng 90%.

Theo kết quả nghiên cứu, đến năm 2050, lượng nhựa sẽ nhiều hơn trọng lượng cá trong các đại dương trên thế giới. Do đó, cần nhanh chóng có các biện pháp giảm lượng rác thải nhựa. Dự tính cũng phải mất từ 3 đến 4 năm trước khi dự thảo của Liên minh châu Âu có hiệu lực.

Hồng Nhung