Vụ việc trên đã khiến dư luận Pháp bị sốc và cho rằng đây là vụ tấn công sắc tộc. Theo Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner, Cục Chống tội phạm có hành động thù ghét vì phân biệt chủng tộc sẽ trực thuộc lực lượng hiến binh Pháp, và có trách nhiệm điều tra loại tội phạm xuất phát từ việc trả thù cũng như mọi hành động bài Do Thái, chống Hồi giáo và chống Cơ Đốc giáo.
Điều đáng nói là đây không phải là vụ việc cá biệt. Trong năm qua, vùng Alsace đã phải chứng kiến một loạt hành động cố ý phá hoại xuất phát từ sự phân biệt chủng tộc, đặc biệt là vụ bôi bẩn 96 khu mộ tại một nghĩa trang ở Quatzenheim hồi tháng 2, làm dấy lên phản ứng dữ dội trên cả nước. Tổng thống Pháp Macron sau đó đã chỉ thị Bộ Nội vụ có biện pháp giải tán các hội, nhóm chuyên thúc đẩy phân biệt đối xử hoặc kêu gọi hành động bạo lực, trước hết là 3 tổ chức cực hữu Social Bastion, Blood & Honor Hexagon và Combat 18.
Theo cảnh sát Pháp, trong năm 2018, sự gia tăng tội phạm bài Do Thái tăng 74% so với năm 2017 và đây được xem là mức báo động tại đất nước có các cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất và Do Thái lớn nhất châu Âu cùng chung sống. Tình trạng còn diễn ra tại một số nước châu Âu như Đức, Bỉ, Hà Lan. Trong cuộc khảo sát của FRA tiến hành trong năm 2018, có đến 65% công dân Pháp và 43% công dân Đức xem đây là một vấn nạn nghiêm trọng. Câu hỏi được đặt ra là tại sao tình trạng bài Do Thái lại trỗi dậy vào thời điểm này? Theo tờ Le Monde, lịch sử châu Âu cho thấy đây là chỉ số biểu lộ của một hiện trạng xã hội bất ổn. Người Do Thái thường được xem là thuộc tầng lớp tinh hoa, trong đó có giới trí thức và tài chính. Khi một phong trào tấn công vào giới tinh hoa, thì cũng nhanh chóng tấn công vào người Do Thái. Làm thế nào để ngừng sự thù hận nhằm vào các nhóm sắc tộc khác đang sinh sống tại nước Pháp cũng là câu hỏi được liên tục đặt ra trong thời gian gần đây.
Nhằm tăng cường luật pháp, trong đó liên quan đến cả những lời lẽ thù hằn lan rộng do nạn phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội, từ tháng 7 năm nay, Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải gỡ các phát ngôn thù hằn và kích động hận thù trong vòng 24 giờ. Dự luật trên là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Macron nhằm đưa Pháp trở thành nước đi đầu trong việc siết chặt các quy định đối với các mạng xã hội. Theo dự luật trên, nếu các mạng xã hội không tuân thủ sẽ phải nộp phạt lên tới 1,25 triệu EUR. Bước đi này nhanh chóng được dư luận Pháp ủng hộ do được thông qua vào thời điểm tình trạng phát ngôn gây thù hận đang ngày càng trở nên phổ biến trên mạng xã hội như Facebook hay Twitter dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm. Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp còn yêu cầu, trong vòng 2 năm tới, các công ty lớn tại Pháp sẽ phải trải qua các bài kiểm tra liên quan đến hành vi phân biệt chủng tộc đối với những người dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn tình trạng phân biệt chủng tộc tại nơi làm việc.
Theo Thanh Hằng / sggp.org.vn