LTS: Chị Phương, một độc giả của TBVĐ, hiện làm cho một quán ăn tại Berlin, nhắn tin hỏi báo như sau: Tôi nghe nói, chủ lao động được phép đặt camera theo dõi nhân viên có đúng không? Điều đó có vi phạm luật gì tại Đức không? Họ được đặt camera ở những chỗ nào? Tôi có thể làm gì để bảo vệ quyền riêng tư của mình?
TBVĐ- Tại Đức đã có khá nhiều vụ bê bối đặt camera quay trộm của các doanh nghiệp gây xôn xao và phẫn nộ trong dư luận.
Ví dụ như vụ chuỗi siêu thị Lidl đã đặt máy, thậm chí thuê cả thám tử theo dõi giờ giấc làm việc, ăn uống, kể cả đi vệ sinh của từng nhân viên hàng năm trời – mà không hề hỏi qua ý kiến của họ.
Hay như vụ ngành đường sắt Deutsche Bahn không chỉ theo dõi các nhân viên cao cấp, mà còn cho người theo dõi cả vợ/chồng họ, lấy cắp các dữ liệu tài khoản và dữ liệu cá nhân – tất nhiên là cũng không được sự đồng ý của những người này – với lý do là phòng chống hối lộ.
Khi nào đặt camera theo dõi nhân viên?
Vì tính chất công việc của người Việt tại Đức cũng như vì những lý do cá nhân mà nhiều chủ lao động không (và không thể) đặt hết niềm tin vào người làm của mình. Vì thế họ cũng muốn hoặc đã cho đặt (trộm) camera theo dõi nhân viên ở một số vị trí tại nơi làm việc.
Lý do bao gồm: Một mặt đây là phương pháp bảo an, mặt khác là để xem người làm có tuân thủ thời gian làm việc hay không? Xem nhân viên có trộm cắp hay biển thủ gì hay không? Nhân viên dùng mạng Internet để làm việc hay lên Facebook, chơi trò chơi v.v…? Các nhân viên giao tiếp với khách hàng và với nhau như thế nào? Có nói xấu gì chủ lao động không? Có vui vẻ, hòa nhã, lịch sự với khách hàng không?
Chủ lao động muốn theo dõi người làm phải được sự đồng ý của chính nhân viên hoặc có một án quyết cho phép, ngoài ra không được vi phạm quyền cá nhân, cam đoan bảo vệ các dữ liệu riêng tư của người làm.
Nhiều người Việt vẫn dùng cách thức “cổ điển” là khích bác các nhân viên để họ theo dõi, chỉ trích, nói ra những lỗi lầm của nhau. Nhưng cách đơn giản và hiện rất phổ biến là sử dụng camera và máy ghi âm.
Khi nào được phép quay phim đồng hương?
Bộ luật bảo vệ dữ liệu cá nhân liên bang (Bundesdatenschutzgesetz, viết tắt là BDSG) qui định, chủ lao động chỉ được đặt camera tại các điểm công cộng (nơi mà cả nhân viên lẫn khách hàng đều ra vào, ví dụ nhà hoặc bãi đỗ xe, trạm xăng, khu vực bán hàng, quầy thanh toán, thư viện, cổng ra vào của các doanh nghiệp) khi chứng minh được đây là quyền lợi chính đáng và không còn cách nào khác ngoài cách đó. Họ phải thông báo với người làm và đặt biển chỉ dẫn công khai, đồng thời không được phép ghi âm lại và phải nhanh chóng xóa các hình ảnh đó (theo điều 6b đoạn 5 BDSG). Một án quyết của Tòa án hành chính tại Lüneburg từng qui định, chủ lao động chỉ được phép lưu giữ hình ảnh đã ghi lại về nhân viên trong vòng tối đa 10 ngày (án quyết Az. 11 LC 114/13).
Nếu chủ lao động nghi ngờ nhân viên vi phạm quy định lao động hoặc có hành vi phạm tội hình sự, họ được phép đặt máy theo dõi ngầm tại khu vực riêng trong phạm vi của doanh nghiệp (ví dụ kho hàng), nhưng chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn và chỉ là trường hợp ngoại lệ. Những khu vực riêng tư không bao giờ được phép đặt máy theo dõi gồm: nhà vệ sinh/phòng tắm, phòng thay quần áo cũng như phòng nghỉ/phòng ngủ.
Nếu chủ lao động chỉ đặt máy camera giả, nghĩa là giống thật hoặc là máy thật nhưng không hoạt động, thì cũng vẫn phải xử lý như khi đặt máy thật, bởi nhân viên của họ cũng như khách hàng đều sẽ nghĩ đó là máy thật.
Muốn ghi âm hay nghe các cuộc nói chuyện trực tiếp hoặc qua điện thoại, chủ lao động cần phải có được sự đồng ý của cả nhân viên và người tham gia cuộc nói chuyện đó. Về cơ bản thì chủ lao động không được phép ghi âm và nghe lỏm các cuộc trò chuyện riêng tư. Tuy nhiên, dựa vào dữ liệu trên hóa đơn, chủ lao động có thể đọc ra nhân viên đã thực hiện bao nhiêu cuộc gọi riêng tư trong giờ làm và mỗi cuộc gọi kéo dài bao lâu. Nếu dùng quá nhiều thời gian cho việc gọi điện riêng, không lưu tâm đến công việc, chủ lao động có quyền đuổi việc nhân viên đó.
Có thể bị phạt đến 300.000 Euro
Các chủ lao động đặt camera theo dõi trộm hoặc nghe lén, nghĩa là không thông báo trước cho nhân viên, hoặc sử dụng tiếp những dữ liệu đó, thì sẽ là hành vi vi phạm dân sự và sẽ bị sử phạt hành chính đến 300.000 Euro, thậm chí có thể bị phạt tù từ một-hai năm. Nếu chủ lao động là công nhân viên chức của nhà nước, mức án này sẽ lên đến 5 năm tù giam. Nhân viên bị theo dõi và bị xâm phạm quyền riêng tư được phép kiện lên Tòa án lao động đòi tiền bồi thường. Nếu chủ lao động đặt camera theo dõi kèm cả ghi âm, hoặc chuyển tiếp hình ảnh, âm thanh đó cho người khác, thì đây là hành vi vi phạm hình sự, sẽ bị phạt tiền hoặc tù giam đến ba năm. Phạm tội bất thành cũng sẽ bị xử phạt theo luật. |
Anh Quân
Bài viết được đăng trên Thời báo Việt Đức số tháng 09.2017