TBVĐ – Luật Kiểm tra tiền mặt lưu chuyển qua cửa khẩu có hiệu lực từ tháng 6.1998.
Lúc đó chủ yếu nhằm theo dõi, phát hiện thu nhập từ những tội phạm hình sự nặng, như buôn ma túy, vũ khí, trên cơ sở áp dụng luật Quản trị Tài chính Finanzverwaltungsgesetz (FVG), điều §12a đến 12d. Các điều khoản trên lại bắt nguồn từ Luật chống tội phạm có tổ chức (Gesetz zur Bekämpfung der organisierten Kriminalität – BGBl Nr. 25 vom 8.5.1998 S. 845). Luật trên quy định, người qua cửa khẩu phải khai báo, khi mang theo tiền mặt trên 15.000 Euro và chỉ trong trường hợp bị hải quan yêu cầu. Từ ngày 15.6.2007, luật mới hạ ngưỡng quy định cũ xuống 10.000 Euro và người mang theo tiền phải tự giác gặp Hải quan xin mẫu khai báo.
Điểm khác trước nữa là khái niệm tiền mặt được quy định bao gồm cả các loại giấy có giá trị thanh toán thay tiền, như séc, chứng chỉ lợi tức, cổ phiếu… và các hiện vật ngang giá, như vàng, bạc, kim cương, đá quý… Luật mới mang tên „Luật sửa đổi Luật Điều tra hải quan và các luật khác – Gesetz zur Änderung des Zollfahndungsdienstgesetzes und anderer Gesetze“, được cắt nghĩa nhằm kiểm soát hoàn toàn việc vận chuyển tiền mặt để chống khủng bố.
Khai báo theo luật mới được thực hiện trên mẫu in sẵn, bao gồm các khoản mục sau:
– Tổng trị giá tiền mặt hoặc trị giá giấy tờ, hiện vật quý, có giá trị thanh toán thay tiền. Nếu không phải tiền Euro sẽ được quy đổi thành Euro theo tỷ giá hối đoái ngày hôm đó.
– Nhân thân của người mang tiền.
– Nhân thân chủ sở hữu số tiền mang theo (nếu mang hộ).
– Mục đích sử dụng.
– Nguồn gốc số tiền mang theo.
Ai vi phạm, có chủ đích hoặc do cẩu thả, sơ ý, không khai báo hoặc khai không đầy đủ, sẽ bị xử vi phạm hành chính, có thể bị phạt tiền tới 50% tổng số tiền mang theo trong trường hợp có chủ đích và tới 25% trong trường hợp cẩu thả, sơ ý, tới 100% trong trường hợp vi phạm nặng.
Được coi là vi phạm nặng, khi cất giấu tiền trong người, trong quần áo, hành lý, mang kèm vũ khí. Theo điều §31 b, Luật Quản trị Hải quan (Zollverwaltungsgesetz), mức phạt tiền có thể tới 1 triệu Euro.
Luật mới này có giá trị đối với tất cả các loại tiền mang theo và chiểu theo quy phạm EU có hiệu lực đối với tất cả các nước EU. Luật mới này không áp dụng cho đối tượng đi lại trong phạm vi nội bộ các nước EU.
Điểm đáng chú ý là, tại các cửa khẩu sang các nước nội bộ EU, tiền mặt và các giấy tờ thanh toán có giá trị thay tiền chỉ bị kiểm tra xác suất, và trong trường hợp đó mới phải khai báo. Điều đó thuận lợi cho người Việt mang tiền mặt thanh toán giữa các nước EU, tuy nhiên khi bị kiểm tra, kết quả sẽ được thông báo cho nhà chức trách nơi người đó lưu trú.
Luật trên chỉ quy định trách nhiệm khai báo chứ không hề quy định mức tối đa tiền mặt được phép mang theo như ở Việt Nam. Và mục đích của việc khai báo cũng đã nêu rõ nhằm chống bọn khủng bố vận chuyển tiền lậu. Luật trên không hề ngăn cản, giới hạn lưu chuyển tiền tệ.
Nếu giả sử một thương nhân mang 1 triệu Euro tiền mặt, có chứng từ rút 1 triệu Euro từ ngân hàng và có hoá đơn đòi thanh toán tiền hàng tại Việt Nam 1 triệu Euro, thì họ vẫn có quyền mang 1 triệu Euro đó qua cửa khẩu về Việt Nam.
Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu luật như trên, và những hậu hoạ mất tiền ngớ ngẩn tất nảy sinh!
Thanh Lương